Đầu tư cho sản xuất nông nghiệp: Cách làm nào để nông dân phát huy hiệu quả vốn vay?

Thứ Tư, 12/11/2014 | 15:32

Một trong những nỗi lo của ngân hàng trong việc đầu tư vốn cho nông dân phát triển sản xuất là nông dân sử dụng nguồn vốn vay như thế nào? Bởi, việc sử dụng nguồn vốn không hiệu quả sẽ đẩy nông dân vào cảnh nợ nần, và ngân hàng cũng khó thu hồi nợ.

Giúp nông dân quản lý vốn

Một thực trạng tồn tại trong nhiều năm qua là nông dân vay vốn của ngân hàng chưa biết sử dụng vốn vay hiệu quả. Phần lớn nông dân đều muốn vay được nhiều tiền, nhưng lại sử dụng không hết số tiền đã vay. Đơn cử như ngân hàng cho nông dân vay 100 triệu đồng để phát triển mô hình sản xuất kết hợp lúa - màu và chăn nuôi, nhưng do mô hình phải sản xuất theo mùa vụ nên chỉ sử dụng được một phần vốn vay (như chỉ đầu tư 30 triệu đồng cho nuôi heo), số tiền còn lại (70 triệu đồng) thì phải cất giữ đợi đến mùa vụ mới trồng lúa, hoặc sản xuất rau màu. Điều này đã không phát huy được hiệu quả đồng vốn vay, mà còn trở thành gánh nặng khi phải trả lãi ngân hàng. Đó là chưa kể đến những rủi ro trong việc quản lý đồng vốn và sử dụng vốn vay vào mục đích khác.

Nông dân vay vốn sản xuất tại Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh huyện Giá Rai. Ảnh: K.T

Để giúp nông dân quản lý tốt nguồn vốn vay, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) đã chỉ đạo các ngân hàng trực thuộc thực hiện cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ trong hệ thống Agribank (mức vay tối đa đến 100 triệu đồng). Nếu chưa sử dụng vốn vay, nông dân sẽ gửi lại ngân hàng mà không trả lãi. Và khi cần rút tiền, chỉ trả lãi cho phần vốn đã rút.

Đối với ngân hàng, việc giải ngân cho từng mô hình sẽ nắm được mục đích sử dụng vốn vay của nông dân. Đồng thời có ngay giải pháp chia khó với nông dân khi sản xuất gặp rủi ro.

Quản lý tốt đồng vốn vay là giúp nông dân tạo được tích lũy và trả dần lãi, vốn cho ngân hàng mà không đợi đến hết thời hạn hợp đồng tín dụng mới thanh toán. Ví dụ như khi nông dân thu hoạch lúa thì đã có tiền để thanh toán lãi cho mô hình nuôi heo, còn khi heo bán xong thì có tiền trả lãi cho làm lúa, hoặc nếu dư nhiều thì tái đầu tư cho trồng màu mà không cần phải rút vốn phục vụ trồng màu.

Điều đáng ghi nhận là hệ thống Ngân hàng NN&PTNT thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính và ưu tiên cho những nông dân quan hệ tốt với ngân hàng thông qua cho vay tín chấp. Nếu trước đây, sau khi hết thời hạn hợp đồng tín dụng, nông dân phải lập hồ sơ mới để vay lại, thì hiện nay, chỉ cần điều chỉnh, gia hạn thời hạn của hợp đồng tín dụng, không phải ký lại hợp đồng mới. Và hợp đồng vay vốn từ 1 - 3 năm được gia hạn để vay đến 6 năm.

Tìm nông dân để cho vay vốn

Bà Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh huyện Hồng Dân cho rằng: “Không có nông dân thì ngân hàng không tồn tại. Vì vậy, muốn tồn tại, ngân hàng phải chủ động kiếm nông dân để cho vay vốn. Làm tốt việc này cũng đồng nghĩa với ngân hàng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Với quan điểm gắn kết nông dân với ngân hàng và xóa bỏ cơ chế cho vay theo kiểu “xin - cho”, Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh huyện Hồng Dân là đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện việc thông báo và xây dựng đường dây nóng tận các ấp. Hiện nay, ở các ấp của huyện đều có dán thông báo của ngân hàng về chương trình cho vay hỗ trợ vốn phát triển nông nghiệp - nông thôn; hướng dẫn các thủ tục, phương thức cho vay; tên cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, số điện thoại của ban lãnh đạo ngân hàng để nông dân liên hệ trực tiếp.

Nhiều năm qua, Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh huyện Hồng Dân luôn là một trong những đơn vị điển hình của tỉnh. Điều đó đã được chứng minh bằng việc cho hơn 20.000 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ cho vay hơn 320 tỷ đồng và thu hút nông dân gửi hơn 155 tỷ đồng.

Với phương châm “Đồng hành cùng nông dân”, Ngân hàng NN&PTNT tỉnh luôn thể hiện được vai trò đầu tàu của mình trong việc ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đến nay, cả hệ thống đã đầu tư 3.630 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Sự nỗ lực này đã được ghi nhận và cần phát huy nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.