Giáo dục - Học Đường

“Tôn sư trọng đạo” trong xã hội hiện đại

Thứ Tư, 19/11/2014 | 08:31

Từ cổ chí kim, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn nhận được sự trọng vọng của xã hội. Vì vậy, “tôn sư trọng đạo” đã trở thành truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Dẫu sự biến thiên của thời cuộc, sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường đã làm truyền thống quý báu ấy ít nhiều thay đổi, nhưng trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt, hình ảnh về người thầy trác tuyệt vẫn mãi vĩnh hằng.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT thừa ủy quyền của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2014 cho các nhà giáo. Ảnh: Đ.K.C

Không đợi đến khi ngày 20/11 được công nhận là ngày để tri ân, mà từ rất lâu các thế hệ học trò Việt Nam luôn khắc sâu trong tâm khảm công đức của thầy bằng sự cố công dùi mài kinh sử, rèn luyện trở thành người có ích. Ngày xưa, mỗi khi thấy bóng dáng của thầy (cô) thì bất kể là ấu nhi hay người cao niên đều lễ phép cúi đầu và gọi họ bằng mỹ từ đầy tôn kính: “thầy”. Không chỉ vậy, người bạn đời của họ cũng được xã hội trìu mến gọi bằng cô (thầy) để tỏ lòng tôn trọng. Những ngày lễ, tết trong năm, nhà họ luôn rộn rã tiếng cười nói, những lời chúc tụng và những món quà đậm chất “cây nhà lá vườn”. Trong sự nghiệp “đưa đò” của mỗi người thầy, có biết bao thế hệ học trò thành nhân chi mỹ. Đó là thành quả lao động trí tuệ được đánh đổi bằng mồ hôi và cả những giọt nước mắt nghĩa tình. Nhưng với họ, thấy học trò mình thành công đã là sự báo đáp.

Xã hội ngày càng phát triển đã làm cho nhiều giá trị đạo đức bị lung lay và ý nghĩa của truyền thống “tôn sư trọng đạo” cũng biến thiên theo thời cuộc. Ông bà ta có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, ngày nay lòng tôn kính, sự tri ân với người thầy được nhiều phụ huynh quy đổi thành những món quà đắt giá, hay những chiếc phong bì dày cộm để tỏ lòng biết ơn sự dạy dỗ tận tụy của thầy cô. Không nhận thì phụ tấm chân tình của phụ huynh, còn nếu nhận thì đôi khi lại rơi vào tình thế “há miệng mắc quai”.

Nhiều học trò nghèo cứ đến ngày 20/11 lại mủi lòng vì chẳng biết lấy gì làm quà để tặng thầy cô. Nhưng các em có biết đâu, với những người thầy chân chính thì sự chăm ngoan, lễ độ và những con điểm tốt của các em đã là sự đền đáp xứng đáng mà nghề cao quý mang lại. Nhiều thầy cô thổ lộ chân tình: mâm cao cỗ đầy, quà cáp, phong bì nặng trịch mà chi khi sự trả ơn, tôn trọng chỉ là hình thức. Nghề giáo muôn đời vẫn vậy, vẫn thanh cao, liêm khiết dù thời cuộc có biến thiên. Chỉ cần những nụ cười trân trọng, những cái cúi đầu lễ phép từ phía xa, hay những cánh thư, những lời chúc dạt dào tình cảm cũng khiến những “kỹ sư tâm hồn” cảm thấy mãn nguyện vì mình đã chọn đúng nghề!

Xã hội tri ân, vinh danh những đóng góp của họ, dành tặng cho họ danh hiệu cao quý “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân” sau những năm dài miệt mài bên bảng đen phấn trắng và thao thức thâu đêm cùng những trang giáo án đầy ắp kiến thức và tình thương. Ngành Giáo dục tỉnh cũng vinh hạnh khi có đến 19 nhà giáo được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo ưu tú”. Đó thật sự là món quà tinh thần vô giá tri ân những đóng góp thầm lặng cho sự nghiệp “trồng người”, khẳng định sự vĩnh hằng của truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong mọi thời đại.

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.