Bạc Liêu: Nhấn mạnh yếu tố “văn hóa” trong sự phát triển

Thứ Sáu, 05/12/2014 | 10:40

Cụm từ “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”, cách nói vắn tắt của việc chọn lựa cách thức phát triển Bạc Liêu theo hướng chú trọng và đề cao yếu tố văn hóa, đạo đức… đã trở thành một trong những chủ đề quan trọng được nhiều đại biểu thảo luận, trình bày quan điểm của mình tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 28 (mở rộng) diễn ra từ ngày 2 - 4/12/2014. Báo Bạc Liêu xin trích đăng một số tham luận này…

Biểu tượng cây đờn kìm tại Quảng trường Hùng Vương - điểm thu hút đông đảo du khách tham quan. Ảnh: C.T

* Ông Nguyễn Minh Chánh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh:

Đi lên từ văn hóa là đi lên từ vốn văn hóa đã là hành trang của Bạc Liêu

Quan điểm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” chưa thành chủ trương của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, song theo tôi cuộc sống luôn thế, luôn rất công bằng: không đợi ai và không bắt ai đợi mình. Trong khi chúng ta ngồi đây để bàn, để thống nhất nội hàm văn hóa của Bạc Liêu thì Bạc Liêu đã là một quê hương chẳng những rất đẹp mà còn độc đáo, thể hiện được chiều sâu của một vùng đất văn hóa (lời của ông Dương Thành Truyền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ). Chắc hội nghị này cũng sẽ có được sự đồng thuận gần như tuyệt đối về nội hàm văn hóa, vấn đề còn có khác nhau là tên gọi: Bạc Liêu đi lên từ văn hóa hay Bạc Liêu đi lên từ nền tảng văn hóa, hoặc Bạc Liêu lấy văn hóa làm động lực… Thú thật lúc đầu khi mới nghe cứ tưởng Bạc Liêu lấy cải lương, nhiếp ảnh… để đi lên. May mà sau đó nghe kỹ lại, nghiền ngẫm lâu tôi mới ngộ ra là mình ngộ nhận. Tôi cho có sự khác nhau đó là tất yếu. Có thể do còn nhiều người ngộ nhận như tôi trước đây. Vấn đề ở đây là chọn thuật ngữ nào, tôi cũng như nhiều đồng chí khác, xin chọn: Bạc Liêu đi lên từ văn hóa. Bởi thứ nhất, đi lên từ văn hóa là đi lên từ tài sản văn hóa mà mình đang sở hữu, cái vốn văn hóa đã là hành trang của Bạc Liêu, cái đã làm nên bản sắc của Bạc Liêu, làm cho Bạc Liêu không lẫn vào đâu và cũng không lẫn vào ai. Thứ hai, cụm từ đã dùng lâu thành quen, đã có “chỗ đứng” trong đời sống. Nói theo nhà văn Phan Trung Nghĩa là đã được giới thiệu, tham khảo trên bình diện cả nước, đã được chấp nhận và đang tỏa ra một sức sống mạnh mẽ. Thứ ba, thất bại của cuộc đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc là sự thất bại của nội hàm chứ tuyệt nhiên không phải là thất bại của tên gọi.

* Ông Trần Chí Thành, Chủ tịch Liên hiệp Hội VH-NT tỉnh:

“Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” là nhấn mạnh đến vai trò văn hóa trong sự phát triển

… Tôi xin được phân tích cụm từ “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” bằng góc độ ngôn ngữ học. “Đi lên” là từ chỉ sự định hướng. Dùng từ “đi lên” sẽ thấy mạnh mẽ, hình tượng hơn; còn từ “phát triển” cũng như một số từ khác như “đẹp”, “tốt” đã biến thành từ trung tính. Đã nói đẹp thì phải đẹp như thế nào, tốt là tốt như thế nào, phát triển thì phát triển như thế nào? Về giới từ “từ” cũng là giới từ chỉ phương hướng. Nếu thay bằng giới từ khác như “bằng”, như “với” thì sẽ bị lệch nghĩa ngay. Khi dùng giới từ “từ” là đã chỉ đến cái nền, cái vốn, cái điểm xuất phát. Tôi cũng muốn nêu vài minh chứng về việc phải coi trọng văn hóa trong quá trình phát triển của lịch sử. Lịch sử Việt Nam cũng đã có những nhà văn hóa lớn đề cao văn hóa trong sự phát triển của xã hội. Ai cũng biết Nguyễn Trãi thì “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”; còn Nguyễn Đình Chiểu thì “Văn dĩ tải đạo”...

Tôi đề nghị giữ nguyên cụm từ “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”. Đó là cụm từ dễ hiểu, dễ nhớ, khi nói lên là biết nhấn mạnh đến vai trò văn hóa trong sự phát triển; cái mà Bạc Liêu đã có một số vốn kha khá và cần phải có ý thức phát huy, gây hiệu ứng mạnh mẽ, không để bị mai một…

* Ông Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL:

Phát huy yếu tố văn hóa để tạo sức hút

Tôi và nhiều người nhận thấy, để tạo được sức hút mọi người đến với Bạc Liêu, có một yếu tố rất quan trọng, đó là Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã phát huy tốt yếu tố văn hóa, phát huy những giá trị và truyền thống tốt đẹp của người Bạc Liêu xưa và nay, trong cách sống tôn trọng đạo lý, biết đối nhân xử thế, làm bạn bè gần xa có nhiều thiện cảm và ấn tượng tốt đẹp với tình người, tình đất nơi đây!

Trên cơ sở phát huy những yếu tố văn hóa, phát huy tối đa nội lực kết hợp với tranh thủ ngoại lực, bằng tình cảm trong sáng và ý chí vươn lên mãnh liệt, người Bạc Liêu đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, để cùng với những giá trị văn hóa truyền thống được cha ông vun đắp, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Các dự án, công trình phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã phát huy tác dụng tích cực và nhất là đã thể hiện tài trí, bản lĩnh, tầm nhìn và quyết đoán của người Bạc Liêu hôm nay, để nhiều công trình văn hóa trở thành những tác phẩm độc đáo, xuất sắc về kiến trúc, mỹ thuật, chứa đựng những ý tưởng nhân văn sâu sắc, nối tiếp dài thêm những kiệt tác văn hóa được cha ông sáng tạo nên trong quá khứ.

Riêng trong lĩnh vực du lịch, sự xuất hiện các công trình văn hóa mới, cùng với khả năng và điều kiện tổ chức các hoạt động, sự kiện cấp quốc gia và khu vực, giúp tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, tiêu biểu, đặc trưng; để tỉnh nhà, chỉ trong thời gian hơn 3 năm kể từ khi Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch ra đời, đã vươn lên và hiện nay có đến 6/21 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, trở thành tỉnh có nhiều điểm du lịch tiêu biểu nhất khu vực và có nhiều đóng góp làm thay đổi diện mạo của du lịch ĐBSCL…

QUỲNH ANH

(lược trích)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.