Năm 2015: Tập trung cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Thứ Tư, 21/01/2015 | 09:04

Sản xuất nông nghiệp năm qua tuy đạt kế hoạch đề ra, với tổng giá trị sản xuất thủy sản, nông - lâm - diêm nghiệp đạt hơn 13.150 tỷ đồng. Song, mức tăng trưởng không cao (chỉ 4,48%). Trong khi đó có những chỉ tiêu không đạt (như phát triển chăn nuôi, trồng rừng) và ở một số lĩnh vực được coi là thế mạnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát triển thiếu bền vững.

Nhiều khó khăn

Theo Sở NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp năm 2014 gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng kịp nhu cầu của phát triển sản xuất. Sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động còn chậm, chưa phát huy, khai thác tốt các nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng nông - thủy sản. Sự đầu tư về hạ tầng phục vụ sản xuất còn ít nên chưa đáp ứng kịp nhu cầu thâm canh, tăng vụ. Thiếu những mô hình hợp tác, liên kết sản xuất bền vững, vai trò của doanh nghiệp, nhà khoa học chưa được phát huy, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn thực hiện còn chậm…

Tất cả những bất cập trên đã khiến cho nông nghiệp - nông thôn chưa phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có, nông dân luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Đơn cử như hạ tầng phục vụ sản xuất lúa, đến nay thủy lợi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất lúa vụ 3 và ở một số nơi vẫn còn trong tình trạng thiếu nước. Năm qua đã có đến hàng chục héc-ta lúa đông xuân bị thiệt hại do thiếu nước gây tổn thất cho người nông dân ước tính gần 1,2 tỷ đồng. Đó là chưa nói đến những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra như có 1.420ha lúa hè thu ở giai đoạn trỗ chín bị sập, 100ha bị ngập úng làm giảm năng suất, chất lượng và tăng phí đầu tư.

Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu) thu hoạch rau. Ảnh: T.A

Sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, nhưng những chính sách hỗ trợ nông dân vẫn còn chưa sát với thực tiễn và chưa thật sự làm giảm gánh nặng cho người trồng lúa. Cụ thể vụ đông xuân, lượng lúa hàng hóa của tỉnh cần tiêu thụ hơn 170.000 tấn, nhưng chỉ tiêu giao cho công ty lương thực mua tạm trữ chỉ có 26.000 tấn, chiếm 15,29% sản lượng. Số còn lại nông dân phải “tự bơi” và mặc cho thương lái định giá. Việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nghề khai thác đánh bắt xa bờ cũng còn chậm, nhiều ngư dân vẫn chưa tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng; trong khi đó địa phương còn thụ động trong nắm bắt nhu cầu và triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân...

Tiếp tục tái cơ cấu sản xuất

Năm 2015, ngành Nông nghiệp xác định tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và sẽ phối - kết hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện tốt mục tiêu này. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ (KH-CN) cho nông - ngư dân nhằm làm tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Phát huy vai trò của cộng đồng, nhà đầu tư gắn kết doanh nghiệp - nông dân trong liên kết sản xuất, đầu tư KH-CN, tạo ra hàng hóa cho giá trị gia tăng cao. Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu các tác động gây bất lợi cho sản xuất, môi trường và hướng đến phát triển bền vững...

Tuy nhiên, muốn thực hiện có hiệu quả mục tiêu này không phải là chuyện dễ dàng và cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phải huy động, phát huy cho được vai trò của doanh nghiệp và tập trung thực hiện tốt Nghị định số 210/2013/NĐ của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Quan tâm giải pháp này, vì trong điều kiện vốn ngân sách có hạn, cần huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển. Bên cạnh đó, học tập những kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức sản xuất và tranh thủ cả công nghệ sản xuất mới của doanh nghiệp, nhằm làm tăng giá trị gia tăng cho hàng nông, thủy sản. Mặt khác, liên kết sản xuất còn tác động tích cực đến quá trình chuyển đổi cây - con giống và cơ cấu lao động, góp phần hình thành nên những vùng chuyên canh, thâm canh và tạo sức bật, khả năng cạnh tranh cho hàng nông - thủy sản. Đồng thời hiệu quả từ các mô hình liên kết sản xuất sẽ khai thông các kênh tín dụng đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn và xây dựng nông thôn mới…

LÂM HỶ

Cần tăng cường đầu tư và hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn

Để góp phần thực hiện thắng lợi tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần tập trung hỗ trợ và đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn như:

Sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ công nghiệp, nông thôn (chú trọng chính sách tín dụng khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp).

Sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo hướng hỗ trợ chi thường xuyên hàng năm cho người có Giấy chúng nhận quyền sử dụng đất; tăng mức hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa từ 100.000 đồng/ha lên 500.000 đồng/ha đối với đất trồng lúa khác và từ 500.000 - 1.500.000 đồng/ha đối với đất chuyên trồng lúa nước.

Sớm xem xét điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTG ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng 1 lao động nông thôn có thể hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 2 nghề (nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp), nhằm tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm việc làm mới sau khi được đào tạo.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (viện, trường…) khảo sát, đánh giá, tìm ra nguyên nhân suy giảm năng suất nuôi trồng thủy sản và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản, sớm xem xét đầu tư xây dựng Trạm quan trắc cảnh báo môi trường phục vụ công tác quản lý vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Sớm ban hành chủ trương thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm thủy sản, ban hành quy trình nuôi tôm chuẩn để khống chế các loại dịch bệnh nguy hiểm đối với tôm nuôi (nhất là bệnh hoại tử gan tụy, hiện nay chưa có phác đồ phòng trị hữu hiệu).

Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có liên quan quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào, đầu ra các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp (về giá, chất lượng…) để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông, mua bán trên thị trường và có chính sách quản lý vật tư nông nghiệp như quản lý đối với lĩnh vực xăng dầu (có các công cụ bình ổn giá, quỹ bình ổn giá...).

Sớm đầu tư xây dựng công trình âu thuyền Ninh Quới và hệ thống công trình cống Cái Cùng Lớn, Cái Bé để kiểm soát mặn và đầu tư nạo vét hai tuyến kênh dẫn ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu để tiếp ngọt cho khu vực trồng lúa ổn định của 2 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu.

Đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép lập Dự án chống sạt lở gây bồi trồng cây ngặp mặn chống xói lở bảo vệ đê biển Gành Hào (tổng mức đầu tư khoảng 96 tỷ đồng) và Dự án nạo vét hệ thống thủy lợi cấp bách, tháo chua, rửa mặn phục vụ sản xuất, kết hợp giao thông thủy vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu (tổng mức đầu tư khoảng 1.407,55 tỷ đồng).

T.A (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.