Đầu Xuân thăm những người canh giữ biển trời Tây Nam của Tổ quốc

Thứ Sáu, 30/01/2015 | 15:36

Vùng biển Tây Nam có gần 200 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, trong đó đảo Phú Quốc là lớn nhất. Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân vinh dự nhận nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo, thềm lục địa cực Nam thiêng liêng này.

Bảo dưỡng khí tài ra-đa trên đảo Thổ Chu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: N.Q

Đêm 21/1, cầu cảng quân sự của Vùng 5 Hải quân rộn rịp hẳn. Những chiếc tàu sắt hướng mũi về phía biển tiễn đoàn khách từ hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước sang tàu HQ 637 đi thăm các đảo. Con tàu 637 vừa kịp trở về cảng vào sáng cùng ngày sau chuyến đi dài ngày chở dân ra đảo, chưa kịp ngơi nghỉ, giờ lại sắp xuất bến vòng quanh vùng biển Tây Nam. Đúng 22 giờ, thuyền trưởng ra lệnh “Thu neo!”. Ba tiếng còi tàu vang lên, phá tan màn đêm lạnh lẽo của mùa gió tết, con tàu từ từ đẩy nước tiến lên. Những cánh tay vẫy chào từ cầu cảng nhỏ dần và mất hút.

Sau gần 8 tiếng, vượt qua chặng đường dài hơn 56 hải lý (104km), chiếc tàu sắt HQ 637 cập đảo Thổ Châu (thuộc quần đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Điểm đầu tiên đoàn chúc tết đến là Trung đoàn 152 (Quân khu 9) do Đại tá Lê Hoàng Minh, Phó phòng Dân quân tự vệ (nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu) làm tổ trưởng.

Sau đó, chúng tôi đến thăm Trạm ra-đa 610. Trạm này cùng với các trạm ra-đa 595 (đảo Hòn Khoai), 615 (đảo Hòn Chuối), 600 (đảo Nam Du) và trạm 625 (đảo Hòn Đốc) ngày đêm quản lý vùng biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

Sau gần 40 năm đảo Thổ Châu được giải phóng, đến giữa tháng 1/2015, nước đã chuyển được từ bãi bằng lên độ cao 150m, giải quyết được khó khăn cho chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đồi cao.

Hạ sĩ quan Huỳnh Văn Trung là một trắc thủ mới đến nhận nhiệm vụ tại Trạm ra-đa 600 hơn 2 tháng. Người lính trẻ quê Đồng Nai này đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của mình từ khi đến đảo Nam Du: “Trạm xây nhiều bồn chứa nước mưa. Lượng nước trữ đủ dùng cho cả đơn vị gần nửa năm. Ở Nam Du giếng nước ít, chủ yếu ở dưới bãi, nên trạm dùng nước mưa là chính”. Do khan hiếm về nước ngọt nên việc sử dụng nước phải theo định lượng, có kế hoạch. Song, không vì chuyện thiếu nước ngọt mà doanh trại kém xanh. Ở đây quanh năm, các bồn hoa, chậu kiểng được chăm sóc rất tốt, xanh mượt. Nhìn vườn rau, hàng cây ăn trái cũng vơi đi nỗi nhớ quê, nhớ nhà trong người lính.

Việc trồng rau là một phần trong công tác tăng gia sản xuất của những chiến sĩ trên đảo. Ngoài ra các chiến sĩ còn nuôi heo, gà, vịt, cá... Những thành quả do cán bộ, chiến sĩ làm ra không chỉ dùng trong đơn vị mà còn đem đi giúp dân. Theo Thượng úy Hoàng Huy Hùng, Trạm trưởng Trạm ra-đa 595 (đảo Hòn Khoai): “Trên đảo không có dân sinh sống. Song, vào mùa mưa bão, ghe tàu của ngư dân không đánh bắt được, phải neo đậu gần đảo. Những lúc ấy, chúng tôi đem gạo, mắm muối, rau quả, thịt xuống tặng bà con. Lúc ốm đau, họ cũng lên xin thuốc uống. Và ngược lại, khi đánh bắt thủy sản thuận lợi, ngư dân lại chọn những con cá to, ngon lên biếu chúng tôi”.

Sau khi ghé thăm đảo Hòn Đốc (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), đoàn chúc tết trở về Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Chuyến đi đã khép lại, thể hiện những tình cảm tốt đẹp của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành đối với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.