Vụ lúa đông xuân: Khan hiếm nguồn nước ngọt

Thứ Sáu, 27/03/2015 | 17:02

Hiện nay, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất lúa khan hiếm đến mức báo động. Các địa phương đã và đang đắp đập bơm chuyền nước ngọt vào các kênh nội đồng để từ đó nông dân bơm vào ruộng lúa. Song, do nguồn nước ít nên những hộ ở đầu nguồn thì có nước bơm, còn ở cuối nguồn thì không có nước. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đang cố tìm ra giải pháp giải quyết việc thiếu nước sản xuất.

“THƯỢNG NGUỒN TÍCH NƯỚC... HẠ NGUỒN KHAN!”

Trước tình hình cống Xóm Lung hư van đáy cống nên nước mặn xâm nhập sâu vào kênh nội đồng, huyện Giá Rai chỉ đạo xã Phong Thạnh Đông A vận động nhân dân đắp đập ngăn mặn và bơm nước mặn ra. Tuy nhiên, khi bơm ra, nước mặn lại tràn vào các kênh nội đồng thuộc các ấp 14, Đồng Lớn (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình).

Người dân ấp Béc Hen Lớn (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) bơm nước chuyền vào ruộng cả ngày lẫn đêm. Ảnh: M.Đ

Trước tình trạng nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt, huyện Hòa Bình chỉ đạo xã Vĩnh Mỹ B vận động nhân dân đặt máy bơm để rút nước ngọt từ kênh Vĩnh Phong về. Nước mặn xâm nhập khu vực này đã làm 1.500ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng, có khả năng giảm năng suất từ 15 - 20%.

Ông Mã Thanh Phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình, cho biết: “Chúng tôi huy động máy móc để bơm nước mặn ra trong 10 ngày đêm. Nhờ vậy, hiện nay, các kênh ở khu vực ấp 14, Đồng Lớn đã có nước ngọt. Hiện, các trà lúa đông xuân với diện tích hơn 10.500ha bắt đầu thu hoạch. Một số diện tích lúa xuống giống trễ chỉ cần bơm 1 - 2 lần nước nữa là được. Dự kiến khoảng ngày 20/4/2015, nông dân huyện Hòa Bình sẽ thu hoạch dứt điểm các trà lúa đông xuân”.

Còn tại xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi), do là nơi cuối nguồn nên thiếu nước ngọt, nông dân phải bơm nước cả ngày lẫn đêm.

Điểm nóng nhất về thiếu nguồn nước ngọt phục vụ lúa phải kể đến là huyện Giá Rai. Nhiều nông dân tranh thủ bơm nước vào ruộng cả ngày lẫn đêm để trữ, từ đó xảy ra tình trạng các trà lúa ở xã Phong Thạnh Đông, Phong Thạnh Đông A có nước, còn các trà lúa nằm ở cuối nguồn (xã Phong Tân) không có nước ngọt để bơm vào. Huyện Giá Rai có 7.200ha lúa đông xuân. Trong đó, có 400ha lúa từ 40 - 50 ngày tuổi bắt đầu trỗ đòng, 6.800ha lúa từ 60 - 70 ngày tuổi đang trỗ. Theo dự báo, có khoảng 4.000ha lúa thiếu nước, tập trung chủ yếu ở các ấp 16, 17, 18… thuộc xã Phong Tân.

Huyện Giá Rai đã chỉ đạo xã Phong Thạnh Đông, Phong Thạnh Đông A vận động nông dân ở đầu nguồn nếu chưa cần thiết thì không nên bơm nước vào trữ trên ruộng, để nguồn nước ngọt cho nông dân xã Phong Tân bơm cứu lúa.

Giải quyết hài hòa nguồn nước

Những ngày qua, lượng nước các nhánh kênh nhỏ tại huyện Giá Rai đã cạn kiệt. Giải pháp trước mắt của huyện là huy động máy trong dân bơm chuyền nước từ kênh xáng Vĩnh Phong Lớn trực tiếp vào kênh 12, 14, 16, 18. Đồng thời triển khai thực hiện nạo vét những tuyến kênh bức xúc ở các xã; tiếp tục nạo vét khơi thông dòng chảy các kênh Ô Rô, kênh Ba Lác, kênh Lung Tượng (xã Phong Tân); kênh 12 (xã Phong Thạnh Đông); kênh Cột Chùa, kênh Lung Tượng (xã Phong Thạnh Đông A) nhằm cung cấp nguồn nước ngọt để bà con bơm nước cứu lúa trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, vận động bà con hạn chế bơm để chia sẻ cho những hộ ở những tuyến kênh nhánh thiếu nước. Tiếp tục bơm chuyền từ những tuyến kênh có nước vào những nhánh kênh nhỏ mà nước không tới được. Song song đó, bơm nước mặn ra ở các cống Vĩnh Phong 10, Vĩnh Phong 16, Cây Dương và Ba Thôn, cống Xóm Lung khi độ mặn tăng cao.

Theo ông Mai Chí Tính, Chủ tịch UBND huyện Giá Rai: “Huyện đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung vào việc điều tiết nước. Huyện cũng đã đặt hơn 10 máy bơm và sử dụng những máy bơm lớn của nông dân để bơm nước ngọt từ kênh Vĩnh Phong vào các kênh nhánh để đưa nước ngọt về. Vận động nhân dân xã Phong Thạnh Đông A, Phong Thạnh Đông (những nơi chưa thiếu nước) nhường nguồn nước cho người dân xã Phong Tân. Toàn bộ kinh phí bơm nước do Nhà nước hỗ trợ. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tổ chức khai thông các trục kênh để đưa nước ngọt về…”.

Sở NN&PTNT đã kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ hơn 213,3 tỷ đồng cho Bạc Liêu đầu tư nạo vét một số tuyến kênh thủy lợi bị bồi lắng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Đề nghị Bộ NN&PTNT sớm xây dựng âu thuyền Ninh Quới để đảm bảo ngăn nước mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Đồng thời, đề nghị đầu tư hai trục kênh dẫn nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất cho nông dân Bạc Liêu…

Minh Đạt

Khoảng 7.000ha lúa có khả năng thiếu nước

Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch gần 5.000ha lúa đông xuân. Còn lại hơn 41.000ha cần được bơm nước bảo vệ lúa.

Hiện nay, nước mặn xâm nhập sâu vào nhiều kênh nội đồng, từ đó gây khó khăn cho nông dân trong việc bơm tát nước ngọt phục vụ các trà lúa đông xuân. Dự báo, khoảng 7.000ha lúa đông xuân xuống giống trễ có khả năng thiếu nước, ảnh hưởng tới năng suất (giảm từ 15 - 30% năng suất).

Tại huyện Giá Rai, có khoảng 100ha lúa đông xuân ở xã Phong Tân thất trắng, và khoảng 500ha giảm năng suất từ 20 - 30%.

Sở N&PTNT đề nghị các địa phương tích cực bơm trữ nước trên đồng ruộng để chống hạn. Đồng thời, trạm bảo vệ thực vật các huyện hướng dẫn nông dân sử dụng nước tiết kiệm theo phương pháp tưới “ngập khô xen kẽ”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.