Điều tiết hài hòa nước mặn - ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất

Thứ Sáu, 17/04/2015 | 16:35

Hiện nay, mực nước trên hệ thống kênh thủy lợi xuống rất thấp. Do vùng Bắc Quốc lộ 1A cùng thời điểm sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản trên cùng một hệ thống thủy lợi nên xảy ra trường hợp tranh chấp mặn - ngọt. Để đảm bảo nguồn nước cho trồng lúa và nuôi tôm, Ban chỉ đạo tỉnh vừa họp bàn giải pháp điều tiết nước.

Thiếu nước trồng lúa, nuôi tôm

Theo thống kê, toàn tỉnh còn gần 29.000ha lúa vụ đông xuân chưa được thu hoạch, cần được bơm tưới nước từ 1 - 3 đợt. Do thiếu nước ngọt nên hơn 415ha lúa ở cuối nguồn của 325 hộ dân (xã Phong Tân, huyện Giá Rai) bị thiệt hại. Trong đó, có 177ha giảm năng suất từ 30 - 70%, 238ha giảm năng suất trên 70%.

Cống phân ranh mặn - ngọt ở huyện Hồng Dân. Ảnh: M.Đ

Nên điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất

Trước tình hình thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn, các địa phương trong tỉnh đều cho rằng cần điều chỉnh lại lịch thời vụ. Dưới đây là ý kiến của đại diện một số địa phương, đơn vị về vấn đề này.

* Ông Nguyễn Văn Trận, Phó Chủ tịch UBND huyện Giá Rai:

Cần xuống giống sớm hơn để không cùng lúc thiếu nước ngọt


Khô hạn kéo dài nên xảy ra tình trạng tranh chấp mặn - ngọt. Vì vậy, ngành chức năng cần phải bố trí lại lịch thời vụ sản xuất.

Cần phải xuống giống sớm hơn hoặc sắp lịch xuống giống lúa so le nhau để cùng lúc nông dân không bơm nước ngọt phục vụ sản xuất. Tránh tình trạng đầu nguồn thì bơm nước còn cuối nguồn thì không có nước trồng lúa.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng nên đẩy mạnh việc khuyến cáo nông dân thực hiện mô hình tiết kiệm nước tưới khô xen kẽ.

* Ông Trần Văn Na, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh:

Sử dụng giống lúa ngắn ngày để rút ngắn lịch thời vụ

Hàng năm, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đều xây dựng lịch thời vụ xuống giống chung cho cả tỉnh. Ngành cũng muốn bố trí lịch xuống giống sớm trùng với tỉnh Sóc Trăng nhưng không được. Bởi, diện tích sản xuất lúa của Bạc Liêu phụ thuộc vào nước mưa rất lớn.

Đơn cử như hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống lúa hè thu, trong khi đó tỉnh Bạc Liêu thì khuyến cáo nông dân không nên xuống giống lúc này do thiếu nước ngọt. Theo lịch thời vụ, năm nay Bạc Liêu xuống giống chậm hơn Sóc Trăng 1 tháng. Mặc dù lịch xuống giống áp dụng chung của cả tỉnh, nhưng mỗi địa phương phải cụ thể hóa cho phù hợp từng tiểu vùng. Và vẫn phải xuống giống đồng loạt theo lịch né rầy để tránh sâu bệnh phá hại.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với Cục Trồng trọt nghiên cứu đưa các giống lúa ngắn ngày, chịu mặn vào sản xuất để rút ngắn lịch thời vụ. Đồng thời, khuyến cáo các địa phương xây dựng ô đê bao khép kín, vận động nông dân nạo vét các kênh thủy nông nội đồng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

M.C (lược ghi)

Về nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có hơn 63.000ha đã thả tôm giống. Trong đó, huyện Giá Rai gần 20.000ha, huyện Phước Long hơn 20.500ha, huyện Hồng Dân hơn 22.500ha.

Do thời tiết nắng nóng, một số kênh thủy lợi cấp III và kênh nội đồng chưa được nạo vét kịp thời nên không đáp ứng nhu cầu nước nuôi tôm. Tuy nhiên, nhờ nông dân chủ động bơm trữ nước nên năng suất những diện tích nuôi tôm theo mô hình quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến kết hợp giảm không đáng kể. Song, do độ mặn tăng cao nên hơn 1.400ha tôm nuôi ở huyện Giá Rai bị thiệt hại.

Thời điểm này, vùng chuyển đổi phía Bắc Quốc lộ 1A đang là vụ nuôi trồng thủy sản chính nên nhu cầu nước mặn rất lớn. Do đỉnh triều cường trong tháng 4 và tháng 5 ở mức thấp hơn so với các tháng đầu năm 2015 và trung bình nhiều năm, vì vậy, phải lấy nước mặn trong những ngày triều cường biển Đông. Khi đó nước mặn mới đến được huyện Giá Rai (xã Phong Thạnh, Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B…), huyện Phước Long và Hồng Dân.

nỗ lực điều tiết nước để giảm thiệt hại cho nông dân

Hiện nay, nước phục vụ vụ lúa đông xuân cơ bản đủ, chỉ cần 2 - 3 lần bơm nữa là xong. Nhưng đối với trà lúa hè thu ở huyện Hồng Dân (xuống giống hơn 1.200ha) có khả năng thiếu nước. Hiện vùng tam giác Ninh Quới còn ba đầu kênh cấp nước ngọt từ sông Cái (giáp ranh tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu). Khi điều tiết nước mặn cho vùng nuôi tôm phía Bắc, khả năng phải đắp đập tại ba đầu kênh này. Do đó, sẽ không có nguồn nước ngọt cấp bổ sung, nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích lúa nếu không có mưa.

Để giúp nông dân lấy nước kịp thời phục vụ sản xuất, Ban điều tiết nước tỉnh đã xây dựng lịch điều tiết nước 15 ngày cuối tháng 4/2015. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm quản lý kỹ thuật công trình thủy lợi (Sở NN&PTNT), cho biết: “Để lấy nước mặn vào, bà con cần mở cống để tiêu nước ô nhiễm vào các ngày 16, 17/4. Ngày 17, 18, Hộ Phòng mở cống lấy nước vào, sau đó đóng cống. Và luân phiên đến Giá Rai mở cống ngày 20, 21/4 lấy nước vào và đóng cống. Bà con cần chủ động trong việc lấy nước mặn, tuân thủ lịch điều tiết nước mặn - ngọt, nếu không sẽ không thể lấy nước mặn vào các ngày sau đó. Bởi, theo tính toán của Ban điều tiết nước tỉnh, nước mặn sẽ tràn lên Ngã Năm - Sóc Trăng”.

Dự báo, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn sẽ còn diễn ra gay gắt với mức độ ngày càng tăng. Vì vậy, về lâu dài, vụ lúa đông xuân phải sản xuất theo quy hoạch. Đồng thời xem xét điều chỉnh lịch xuống giống vụ đông xuân sát với tỉnh Sóc Trăng để vừa được hưởng lợi từ chính sách mua tạm trữ lúa của Chính phủ, vừa tránh thiếu nước cuối vụ.

Huyện Giá Rai cần có giải pháp khoanh vùng nuôi trồng thủy sản nằm xen lẫn với vùng lúa của xã Phong Tân để tránh ảnh hưởng đến sản xuất do mặn xâm nhập. Các huyện cần tổng hợp nguồn kinh phí hỗ trợ bơm tát nước vượt định mức, mua máy bơm nước, đắp đập và nạo vét thông luồng kênh… để tỉnh tập hợp trình Trung ương hỗ trợ. Tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương triển khai đầu tư xây dựng âu thuyền tại ngã tư Ninh Quới và nạo vét hai tuyến kênh dẫn nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu…

Theo ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện khá tốt việc điều tiết nước nên diện tích lúa, tôm thiệt hại không cao. Song, cần phải nỗ lực hơn nữa để giảm thiệt hại cho nông dân ở mức thấp nhất, đảm bảo nước sản xuất ở hai vùng tôm - lúa.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.