Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2015: Những điều đọng lại

Thứ Hai, 04/05/2015 | 09:57

Tôi theo đoàn Tỉnh ủy, HĐNĐ, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu ra Phú Thọ để tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng bằng tâm thế từ một câu ca dao xưa cũ: “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Hơn thế nữa, năm nay Bạc Liêu vinh dự được Chính phủ chọn là 1 trong 5 tỉnh cùng với Phú Thọ tổ chức Quốc lễ này.

UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng ghi nhận công đức cho Bạc Liêu vì có đóng góp xây dựng công trình Giếng Rồng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: H.T

Đoàn chúng tôi đến TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vào chiều 26/4, nhằm ngày 8/3 âm lịch, tức là hai ngày nữa mới diễn ra chính lễ mà đã thấy TP. Việt Trì tràn ngập không khí lễ hội với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa hoành tráng, ấn tượng. Chiều 9/3 âm lịch, Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang đã về Phú Thọ để sáng 10/3 âm lịch (ngày 28/4) dâng hương Đền Hùng và khai mạc lễ hội cấp quốc gia.

Trước ngày 8/3 âm lịch, khách thập phương từ khắp nơi trong cả nước đã kéo về Phú Thọ để trẩy hội. Đến ngày 10/3 âm lịch, báo Phú Thọ đưa tin đã có 5 triệu lượt người về thắp nhang Đền Hùng. Sáng 10/3 âm lịch, tôi ngồi xe rảo một vòng TP. Việt Trì thì thấy cung đường từ thành phố dẫn lên núi thiêng Nghĩa Lĩnh - nơi có Đền Hùng là một đoàn xe nối đuôi nhau dày đặc. Người ta đông đúc nhưng tuần tự lên núi để thắp nhang Quốc Tổ. Không phải kể từ năm 2012, Tổ chức UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì trẩy hội Đền Hùng mới nô nức, đông đúc như bây giờ, mà từ rất xa xưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt.

Ngày 9/3 âm lịch, đoàn chúng tôi đến thăm một làng nông thôn của tỉnh Phú Thọ, nơi đây có ngôi đình làng làm bằng gỗ lim theo kiến trúc truyền thống đình làng Bắc bộ rất đẹp, đình có tuổi thọ hơn 400 năm. Các cụ làng đang hối hả chuẩn bị để ngày mai rước kiệu lên Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi xem niên đại của 4 chiếc kiệu cũng suýt soát 400 năm tuổi. Điều này chứng minh rằng, tục rước kiệu này đã có từ 400 - 500 năm trước. Còn trong sách sử ghi Giỗ Tổ Hùng Vương đã có hàng ngàn năm, và cho dù những biến thiên thời cuộc thì các thế hệ người Việt đã giữ gìn, phát triển nó như một báu vật, bởi tinh thần của ngày Quốc lễ ấy rất sâu xa, đẹp đẽ, phản ánh được tâm hồn tình cảm của mỗi người Việt Nam. Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang đã nói trong bài phát biểu chào mừng sự kiện UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là văn hóa phi vật thể của nhân loại như sau: “Các vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nước - Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu con Lạc - cháu Hồng. Tín ngưỡng thờ các vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính tri ân. Thờ cúng vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung cội nguồn. Vì vậy, trải qua bao thăng trầm của lịch sử hàng ngàn năm, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng vẫn được trao truyền bền bỉ từ thế hệ này đến thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của dân tộc ta. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển…”.

Xuất phát từ ý nghĩa ấy, nên lần này, ngoài trọng trách được Chính phủ giao làm chủ lễ cùng với 5 tỉnh, Bạc Liêu ra Phú Thọ với tinh thần nhận thức đầy đủ ý nghĩa của Quốc lễ. Đồng chí Ngô Đức Vượng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ đã nói rằng: “Tôi rất xúc động và xin chân thành cảm ơn những tình cảm và tinh thần trách nhiệm của Bạc Liêu đối với lễ hội cấp Nhà nước đang diễn ra ở Phú Thọ. Đoàn Bạc Liêu là một đoàn với thành phần đông đủ nhất, gồm những đồng chí đứng đầu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; phẩm vật cúng tế Quốc Tổ, từ xa xôi các đồng chí mang ra thật đẹp và giàu ý nghĩa…”.

Vâng, trước khi đi Phú Thọ dự Giỗ Tổ Hùng Vương, Bạc Liêu đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đó là số tiền 6,8 tỷ đồng đóng góp tôn tạo những giá trị của hồn thiêng sông núi ở khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Đền Hùng. Đây là số tiền không nhỏ, trong lúc Bạc Liêu còn khó khăn, nhưng tôi chắc rằng nhân dân Bạc Liêu sẽ đồng tình bởi vì số tiền được sử dụng vào một mục đích rất cao đẹp và thiêng liêng - chúng ta góp phần thờ phượng tổ tiên mình, góp phần để gìn giữ, phát triển truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Còn phẩm vật dâng cúng đã được chọn lựa công phu, gói vào đó cái văn hóa đặc trưng của Bạc Liêu. Bạc Liêu mang ra cúng tế các vua Hùng 2 mâm lễ vật. Mâm thứ nhất là 18 loại trái cây trồng trên đất Bạc Liêu kết thành cây đờn kìm - biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu. Và 18 loại trái cây phản ánh 18 năm xây dựng phát triển, kể từ ngày Bạc Liêu tái lập. Mâm trái cây đó mang dòng chữ “Các dân tộc tỉnh Bạc Liêu kính dâng lễ vật”. Mâm thứ hai gồm muối Bạc Liêu nổi tiếng khắp cả nước hơn 100 năm qua, gạo Một bụi đỏ Bạc Liêu đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Hai phẩm vật này, từ rất xa xưa dân gian gọi là hạt ngọc của trời đất và họ thường xuyên cúng tế thiên địa. Cũng trong mâm thứ hai còn có 3 loại bánh: bánh gừng của người Khmer, bánh pía của người Hoa và bánh lá dừa nước của người Kinh. Đây là 3 loại phẩm vật mà ba tộc người chủ yếu cư trú ở Bạc Liêu đã lao động vất vả sáng tạo ra nó. Tóm lại, đó là những vật phẩm quý và thiêng liêng của người Bạc Liêu dâng lên để tỏ tấm lòng thành đối với Quốc Tổ.

Một điều đặc biệt đáng lưu ý tại Đền Thượng, nơi diễn ra chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là các phẩm vật khác đem cúng, sau đó không lâu Ban tổ chức cho dời vào trong để nhường chỗ cho các đơn vị khác kính dâng lễ vật, duy nhất chỉ có phẩm vật của Bạc Liêu được để nguyên tại vị trí trung tâm, trang trọng nhất và xuyên suốt các ngày lễ. Bởi Ban tổ chức lễ giải thích rằng: “Vì nó đẹp và giàu ý nghĩa”.

Sau chuyến đi Phú Thọ, tôi có nhiều suy nghĩ: Bạc Liêu đang trong hành trình xây dựng, phát triển văn hóa để huy động nó làm nguồn lực cho phát triển. Đoàn Bạc Liêu ra dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng lần này ngoài việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thì sự nhiệt thành trong chuyến về nguồn đã cho thấy có sự lồng ghép một ý đồ văn hóa. Đó là bước đi văn hóa về với cội nguồn, nơi mà Chủ tịch nước gọi là nguồn gốc của sức mạnh Việt Nam để mà thấm đẫm tình đất nước, nghĩa đồng bào, để mà ý thức đầy đủ hơn trong sự nghiệp xây dựng, nâng cao tâm hồn, nhân cách con người Bạc Liêu. Đó là những con người đoàn kết thương yêu, đùm bọc lấy nhau, vững vàng đi tới tương lai như gốc tích trăm trứng thuở xưa của người Việt.

PHAN TRUNG NGHĨA

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.