Nông dân khởi động vụ lúa hè thu

Thứ Bảy, 09/05/2015 | 16:03

Vào thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang cải tạo đồng ruộng và xuống giống vụ lúa hè thu 2015. Song, do nắng hạn kéo dài nên nhiều nơi chưa thể xuống giống. Bà con đang trông chờ những cơn mưa chuyển mùa để xuống giống đúng lịch thời vụ.

Nông dân chăm sóc lúa hè thu sạ sớm. Ảnh: M.Đ

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn Bạc Liêu, thời gian chuyển mùa kéo dài cuối tháng 4 - đầu tháng 5/2015, bắt đầu mùa mưa vào trung tuần tháng 5/2015. Riêng khu vực phía Bắc trong tỉnh mưa có thể sớm hơn 5 - 7 ngày. Nhìn chung, mùa mưa năm 2015 muộn hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 15 ngày.

Cũng theo dự báo, trung tuần tháng 11/2015 sẽ kết thúc mùa mưa. Lượng mưa toàn mùa xấp xỉ bằng hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Các đợt mưa lớn diện rộng xảy ra vào tháng 6, 9, 10/2015. Vào tháng 7 - đầu tháng 8 sẽ ít mưa.

Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa ra lịch thời vụ xuống giống chung cho cả tỉnh. Cụ thể, vùng tam giác lớn huyện Hồng Dân xuống giống lúa hè thu từ ngày 15 - 25/4/2015 và thu hoạch vào cuối tháng 7/2015. Đến nay, huyện Hồng Dân đã xuống giống lúa hè thu sớm được 4.445ha, lúa phát triển khá tốt. Đối với các huyện Phước Long, Giá Rai, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và một phần của huyện Hồng Dân (khu vực tam giác Tha-na-rộn) xuống giống lúa hè thu chính vụ từ ngày 10/5 - 5/6/2015, để thu hoạch đồng loạt vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2015.

Ông Trần Văn Na, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Đây là lịch xuống giống chung, song các địa phương cần cụ thể hóa cho phù hợp với khu vực của mình. Tuy nhiên, không thể xuống giống chậm hơn đầu tháng 6/2015”. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đưa ra lịch xuống giống né rầy. Theo đó, các địa phương xuống giống tập trung đồng loạt né rầy, chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 24/4 - 4/5/2015, đợt 2 từ 22/5 - 2/6/2015. Tùy theo từng vùng, từng cánh đồng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ có lịch xuống giống né rầy cụ thể.

Các giống lúa chủ lực được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng ở vụ lúa hè thu gồm: OM 4900, OM 5451, OM 6976 và OM 2517… Ngoài ra, còn có các loại giống bổ sung như OM 7347, OM 5954, OM 6677, OM 6600. Về công tác chuẩn bị lúa giống, ngoài một trại lúa giống trực thuộc Trung tâm Giống NN&TS tỉnh, còn có 23 cơ sở, vệ tinh sản xuất lúa giống. Tổng diện tích sản xuất lúa giống của các mạng lưới trên 700ha. Hằng năm, các cơ sở này cung cấp hơn 2.000 tấn lúa giống chất lượng cao các loại cho Trung tâm Giống NN&TS tỉnh, đáp ứng trên 80% nhu cầu giống phục vụ sản xuất. Ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Giống NN&TS tỉnh, cho biết: “Trung tâm chuẩn bị đủ lượng lúa giống hè thu phục vụ nông dân. Đồng thời khuyến cáo nông dân nên sử dụng các giống lúa nguyên chủng và cấp xác nhận vào sản xuất để nâng cao chất lượng hạt gạo, đảm bảo xuất khẩu…”.

Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc theo dõi tình hình thực tế từng tiểu vùng sản xuất có tính đặc thù về giống lúa, loại đất… Trên cơ sở lịch thời vụ chung, cần xây dựng lịch thời vụ cụ thể, khuyến cáo nông dân áp dụng sản xuất phù hợp với đặc thù địa phương. Các giống lúa ngành chức năng khuyến cáo sản xuất, nhưng các địa phương cần lựa chọn, bố trí một loại giống không vượt quá 20% trên tổng diện tích gieo trồng. Tùy điều kiện thực tế và khách quan, từng địa phương chủ động xuống giống đúng lịch thời vụ và lịch né rầy. Các cơ quan chức năng trực thuộc Sở N&PTNT tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo chương trình “3 giảm - 3 tăng, chương trình IPM, chương trình “1 phải - 5 giảm” và quản lý rầy nâu, quản lý dinh dưỡng… để đảm bảo thắng lợi trong vụ lúa hè thu.

MINH CHÂU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.