Những đóng góp thầm lặng của người giữ rừng

Thứ Ba, 19/05/2015 | 09:16

Dù điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng ngành Kiểm lâm tỉnh vẫn không ngừng nỗ lực trong việc giữ gìn, trồng mới, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, góp phần phòng chống thiên tai. Qua từng năm, diện tích rừng của Bạc Liêu càng được mở rộng thì công tác bảo vệ rừng của các cán bộ kiểm lâm cũng vất vả hơn.

Đưa rừng lấn biển

Hằng ngày, vượt qua thời tiết khắc nghiệt, những cán bộ kiểm lâm vẫn âm thầm lặn lội canh giữ gần 3.900ha rừng ven biển Bạc Liêu. Không chỉ vậy, họ còn phải nỗ lực để trồng mới rừng. Theo kế hoạch của ngành Lâm nghiệp, đến năm 2020, diện tích đất rừng của tỉnh được bảo vệ gần 9.000ha. Trong đó, đất có rừng sẽ đạt hơn 6.200ha, được phân thành các loại rừng gồm: rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Cán bộ kiểm lâm trao đổi với người dân xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) về kiến thức trồng và giữ rừng. Ảnh: P.Đ

Rừng ven biển Bạc Liêu chủ yếu là hệ sinh thái rừng ngập mặn nên việc trồng rừng lấn biển gặp rất nhiều khó khăn. Trồng rừng trên bãi bồi phải phụ thuộc vào con nước thủy triều lên xuống. Nếu không tính toán kỹ thì những cây được trồng mới sẽ bị nước cuốn đi và mọi công sức xem như đổ bỏ.

Vượt qua những khó khăn, những năm qua, ngành Kiểm lâm đã cùng người dân thực hiện việc trồng rừng. Đó là trồng thêm rừng phòng hộ ven biển, trồng rừng kết hợp với khoanh nuôi tái sinh bãi bồi, trồng rừng trên đất trống khu quy hoạch rừng đặc dụng, trồng rừng trên đất nuôi tôm quảng canh kết hợp với du lịch sinh thái phía trong đê. Từ đó, diện tích rừng liên tục được mở rộng qua các năm. Cụ thể, từ năm 2010 - 2013 đã có hơn 1.500ha rừng phòng hộ được trồng mới. Riêng năm 2014, có hơn 140ha rừng được trồng trên đất nuôi tôm. Đạt được những kết quả đó là một sự nỗ lực vượt khó của ngành Kiểm lâm.

Giữ rừng còn lắm gian nan

Trồng rừng đã khó, công tác giữ rừng lại càng khó hơn. Rừng ngập mặn Bạc Liêu không có cửa rừng nên các cán bộ kiểm lâm gặp không ít trở ngại trong công tác tuần tra, canh giữ. Phần lớn đất rừng được giao khoán cho dân gìn giữ kết hợp với phát triển kinh tế. Do đó, cán bộ kiểm lâm phải bám sát địa bàn, chung sống với bà con ở các làng rừng để hỗ trợ bà con sản xuất và cùng nhau giữ rừng. Anh Tạ Quốc Khanh (người nhận khoán đất rừng ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cho biết: “Các cán bộ kiểm lâm ở đây hỗ trợ chúng tôi trong việc sản xuất và thường xuyên trực chiến để bảo vệ tài nguyên rừng. Ngoài ra, các anh còn thường xuyên vận động, tuyên truyền cũng như phổ biến kiến thức pháp luật về rừng cho chúng tôi. Có các anh canh giữ rừng, đời sống bà con ở đây được ổn định. Nạn trộm cắp, săn bắt động vật trong rừng cũng giảm dần”.

Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng hằng ngày, trên những cánh rừng, cán bộ ngành Kiểm lâm vẫn âm thầm làm nhiệm vụ. Theo ông Thái Tùng Cương, Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên huyện: “Khó khăn lớn nhất của ngành Kiểm lâm là cơ sở vật chất còn hạn chế. Anh em ăn ngủ với rừng, nhưng trong 8 trạm kiểm lâm thì đã có 6 trạm xuống cấp nghiêm trọng. Vào lúc triều cường nước ngập, anh em không thể ngủ được. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm còn rất mỏng. Trung bình một cán bộ phải giữ hơn 300ha rừng. Rừng Bạc Liêu trải dài ven bờ biển nên công tác tuần tra bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Ngành Kiểm lâm rất cần được sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa từ các ngành, các cấp và người dân để cùng nhau giữ rừng, trồng rừng”.

Trong giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay, rừng là tấm “lá chắn thiên tai” và là “lá phổi xanh” của tỉnh. Đặc biệt, trước thực trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn trên thế giới đang thu hẹp dần, thì rừng Bạc Liêu rất cần được đầu tư bảo vệ.

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.