Khẩn trương khắc phục ngập úng cứu lúa hè thu

Thứ Ba, 30/06/2015 | 08:32

Mưa nhiều ngày qua, cộng thêm ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 1 đã gây ra ngập úng cục bộ diện tích lúa hè thu ở các huyện Phước Long, Hồng Dân và một phần diện tích lúa Tài nguyên ở huyện Vĩnh Lợi. Song, nhờ chủ động gia cố hệ thống ô đê bao từ đầu mùa mưa bão và làm tốt công tác thủy lợi - thủy nông nội đồng nên các địa phương trên đã kịp thời bơm tát, tháo nước cứu lúa hè thu.

Lúa các vùng trũng bị ngập

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã làm cho lúa hè thu ở nhiều địa phương bị ngập úng. Hầu hết diện tích bị ngập úng rơi vào những vùng trũng, thấp. Cụ thể, huyện Phước Long có 470ha bị ngập (ở các xã Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây, thị trấn Phước Long và xã Hưng Phú). Ở huyện Vĩnh Lợi, diện tích lúa Tài nguyên thuộc các xã Hưng Hội, Hưng Thành, thị trấn Châu Hưng và Châu Hưng A cũng bị ảnh hưởng...

Ông Phạm Văn Tình (huyện Phước Long) vớt lúa nổi do nước ngập. Ảnh: P.Đ

Theo nhiều nông dân, hè thu là vụ lúa khó sản xuất nhất trong năm bởi điều kiện thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, chưa có năm nào nông dân phải đối mặt với mưa bão ngay từ đầu vụ như năm nay. Phần lớn diện tích lúa bị ảnh hưởng là lúa mới xuống giống. Ông Phạm Văn Tình (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) cho biết: “Ngay từ đầu vụ mà lúa hè thu đã bị ngập vì mưa bão, sản xuất gặp khó khăn hơn những năm trước. Tôi có 20 công đất mới gieo sạ phải chịu ngập úng hơn 7 ngày nay. Không riêng ruộng tôi, mà cả cánh đồng đều ngập trong biển nước. Ở đây, do không chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên xuống giống trễ hơn những nơi khác. Mùa nắng thì thiếu nước, còn mùa mưa thì nước rút chậm”. Không ít nông dân đã phải cải tạo lại đất để gieo sạ lần 2. Và chi phí sản xuất tăng cao là điều khó tránh khỏi.

Ô đê bao chống ngập úng

Những ngày qua, hệ thống cống ở các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân đều hoạt động hết công suất để tiêu nước cứu lúa. Ngoài ra, ngay từ đầu vụ, công tác gia cố và xây dựng mới ô đê bao cũng được các huyện chú trọng nên việc chống ngập úng cục bộ ở các địa phương được triển khai nhanh chóng.

Theo ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long: “Do ảnh hưởng của bão số 1 nên mưa lớn nhiều ngày, cộng thêm nước từ sông Hậu đổ về làm cho mực nước ở các sông dâng lên hơn 0,4m. Huyện đã mở 17 cống để điều tiết nước, kịp thời giúp bà con cứu lúa. Đồng thời, 19 ô đê bao khép kín cũng mở ra tháo nước, kịp thời chống ngập úng. Huyện còn trang bị thêm 11 mô tơ di động (có công suất từ 3 - 7,5 mã lực) đưa vào 6 tổ bơm tát nước lưu động để bơm tháo nước khi có trường hợp bão kép hoặc ngập trên diện rộng. Nhìn chung, nước ngập rút nhanh một phần là do từ đầu năm huyện Phước Long đã nạo vét 48 kênh thủy nông nội đồng và 3 kênh cấp 2, cấp 3”.

Việc chống ngập úng lúa hè thu ở các huyện khác như Hồng Dân, Vĩnh Lợi cũng thuận lợi nhờ có hệ thống ô đê bao khép kín. Nước rút, nhiều nơi nông dân khắc phục hậu quả thiệt hại và tiếp tục sản xuất. Anh Lê Hoàng Thượng (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) nói: “Tôi có 17 công lúa Tài nguyên mới xuống giống thì gặp mưa lớn gần 1 tuần lễ. Nay nước rút nên tôi có thể bón phân đợt 1. Nhờ tháo nước kịp thời nên lúa ít thiệt hại”.

Có thể thấy, trước tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, hệ thống ô đê bao giữ vai trò quan trọng, góp phần điều tiết nước trong hai mùa mưa nắng bảo vệ cây lúa. Đồng thời ô đê bao còn góp phần bảo vệ hoa màu của nông dân.

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.