Tùy bút - Tản văn

Khoảng trống

Thứ Tư, 08/07/2015 | 15:15

Mới buổi chiều, ti-vi đưa tin, bão số 2 trên vùng biển phía Tây Bắc đảo Lu-dông - Phi-líp-pin không vào biển Đông. Nửa đêm, đã có mấy cơn mưa rào kèm theo giông lốc quần xơ rơ đám cây trái trong vườn và sập góc chái bếp sau nhà. Sáng, hai anh em tôi vội đốn mấy cây tràm, cây tre để sửa chữa, tạm che chắn lại. Bếp nhà tôi theo kiểu ngày trước, sườn bằng cây rừng, đắp đất bề mặt, trên lót gạch tàu đặt ba ông táo cân phân, đều đặn. Trong lúc dỡ một phần chái bếp ra làm lại, những cây tre, cây trúc gác trên bếp cũng được mang xuống. Trên đó treo nhiều món không biết từ bao giờ. Có những túm nhỏ, túm to gói bằng miếng vải mùng, vải lưới và cột lại theo từng chùm, khói bếp đã ám đen thui thủi.


Ai cũng chợt nhận ra, đó là hạt giống của ngoại để lại từ mùa mưa ngoại mất đến bây giờ. Không biết từ lúc nào nhưng mùa mưa nào cũng thấy ngoại lên giồng trồng khoai, trồng rau cải và rất nhiều thứ nữa trong khoảnh đất nhỏ sau nhà. Các loại cây từ khi kết trái, ngoại chọn những trái gốc, trái tốt nhất để lại tới chín rồi khô dành làm giống cho mùa sau. Những trái giống đó, cuối mùa, ngoại trẩy hạt đem phơi, phân theo từng loại rồi túm lại trong những miếng vải mùng, vải lưới treo trên gác bếp. Mưa sòng, ngoại lại soạn ra, làm bầu bằng lá dừa cuộn tròn lại để ương và đặt riêng một góc vườn để tưới nước, theo dõi. Lúc đó, ngoại làm giồng, xới đất, tìm phân gom về một chỗ… Nhìn những túm vải nho nhỏ đủ loại hạt giống ai cũng chực nhớ hình dáng ngoại bên những liếp, những giồng rau trái quen thuộc mà từ khi ngoại mất, hình bóng ngoại bên những liếp, những giồng rau cải đó chỉ còn là một khoảng trống mênh mông…

***

Cái khoảng trống lớn nhất sau ngày ngoại mất là trong bữa cơm gia đình. Lặng lẽ chén cơm với một miếng cá, miếng rau và đôi đũa vắt ngang thầm lặng. Tiếng đứa nào đó gọi - “Ăn cơm đi ngoại!” quen thuộc, chẳng khác chi lúc sanh tiền, có khác là coi như chớ chẳng thấy người. Là buổi chiều, mẹ thay ngoại châm dầu vào cây đèn chong có chiếc bóng đỏ trên bàn thờ. Hay buổi trưa, hình ảnh ngoại nơi bậc thềm, cố nheo mắt lượm những hạt thóc trong chiếc dần cũng chính tay ngoại đương cùng những món đồ dùng trong nhà bằng tre, bằng trúc hay bằng những chiếc lá non tơ cuộn tròn trong cà bắp lá dừa nước. Nhưng, quen thuộc nhất vẫn là dáng ngoại lom khom bên liếp đất sau hè khi cặm cụi làm giồng, làm bầu, đốn sậy... để trồng rau, củ lúc trời chớm vào mưa.

Những năm cuối đời thấy ngoại chậm và đi đứng không còn vững chãi nữa, trong nhà ai cũng khuyên ngoại đừng làm chi mấy chuyện đó nữa, sợ ngoại té, mang bệnh, thêm lo. Vả lại, đường sá bây giờ thông thoáng, từ nhà mình tới chợ chẳng bao xa, ù một cái đã mua được đủ thứ rồi, vất vả làm chi, có lời được bao nhiêu. Nghe con cháu khuyên ngoại chỉ cười. Đâu phải trồng vì thiếu thốn hay sợ tốn tiền, chỉ là vì quen việc, hơn nữa, có việc làm một chút cũng vui. Làm lặt vặt vậy thôi mà cũng có niềm vui để mong chờ. Một cái đọt thêm lá, chiếc vòi non tơ vói lên nhánh sậy khô chuẩn bị nhốm mình. Những trái khổ qua, dưa chuột, mướp hương, trái cà, trái bí, một mớ rau cải xanh non, thậm chí vài trái dưa gang nứt vỏ cũng thêm ánh vui trong đôi mắt sấp nhỏ thăm chừng…

Nói gần chợ chẳng thiếu thốn gì mà thật ra, cũng có bữa đi chợ về quên mua ớt, thiếu rau hay lúc trời mưa gió dầm dề, muốn một củ gừng, nấu một gói mì thèm vài lát cà chua với vài lá xà-lách non hay vài cọng hành, cọng ngò gai, rau thơm bất tử làm sao cho có! Vả lại, nó cũng chẳng tốn kém gì. Đất trống quanh nhà, hạt giống mùa trước để mùa sau, chỉ cơi lên, thêm phân cho những giồng đất cũ. Chặt một bó sậy già hay nhánh trúc khô làm cái giàn nho nhỏ cặp hai bên giồng chụm đầu lại là xong rồi, khó khăn gì đâu.

Cây trái có những thứ cũng chẳng thất công làm giàn. Như dưa gang, bí rợ… nó hịch hạc như nông dân, nằm lăn lóc mà đơm bông kết trái. Hay vài mươi cây bắp đứng chen chân giữa những liếp, những giồng rau khiến cho mấy đứa nhỏ ra vô cứ vuốt chòm râu cho râu bắp sớm trở màu. Cây đậu bắp chỉ đủ cho vài bữa canh chua nhưng nhìn những giồng rau, liếp cải đơn sơ vậy mà trong lòng có thêm niềm vui, từ người lớn đến trẻ con. Khi những giồng rau cải lên xanh cũng là lúc vào vụ mùa lúa mới. Không ra tới ruộng, nhìn các loại rau, giồng khoai hay cây trái quanh vườn có thể đoán lúa ngoài đồng đang ở giai đoạn nào. Bởi mỗi loại đều có thời gian sinh tồn nhất định của nó, bao lâu thì đâm đọt, thả vòi. Bao lâu ra hoa, kết trái, bao lâu nữa thì xuống củ thu hoạch được. Khoai lang chờ đám rau bù ngót, đậu bắp đợi rau muống, cà chua… để thành một món quen thuộc mà tươi ngon và đâu đó, phảng phất chút ấm nóng tình thương yêu của ngoại đến tận bây giờ.

***

Cái khoảng trống nhận ra trong buổi sáng này khi dỡ căn chái bếp và bất chợt nhìn lại mớ hạt giống ngoại chăm chút kỹ càng như một kỷ vật mà ai trong nhà không còn nhớ đến. Ngoại mất nhưng còn đâu đó trong vô hình mà mình vẫn cố mong mỏi, tưởng ra. Như một chén cơm, miếng cá, miếng rau, đôi đũa vắt ngang thầm lặng và một khoảng trống nơi tưởng như ngoại vẫn ngồi nơi đó. Là khi giỗ tết, những chiều đốt mấy nén nhang… Là khi nhắc ngoại vào những dịp, những nơi ngoại từng có mặt như một kỷ niệm khó phai mờ. Có một điều ngoại vẫn cố gắng làm, lặng thầm với niềm vui trọn vẹn và mong niềm vui đó lan tỏa trong gia đình. Nó đơn sơ như cọng rau, trái cà, trái ớt… điều đơn sơ đó, trong khoảng trống vô hình, hôm nay còn dịp nhìn thấy, thật bất ngờ và nhớ ngoại, quả mùa này là hạt giống cho những mùa sau…

Bạc Liêu, tháng sáu, hai ngàn mười lăm

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.