Tùy bút - Tản văn

Bữa cơm trên đồng cũ

Thứ Hai, 13/07/2015 | 17:28

Thời gian sao mà trôi qua mau dữ vậy ha, anh Hai. Mới đó đã mấy chục năm rồi, nhớ hôn? Quay qua quay lại mà giờ đứa nào cũng cóp thùng thiếc hết trơn rồi… Tại anh kén chọn cho cố, phải chi ngày trước lập gia đình một lượt với em, bây giờ mình dựng vợ, gả chồng cho sắp nhỏ một lượt phải vui hôn, mà biết đâu, thành sui gia nhau cũng hổng chừng…

Hòa nói câu đó vào buổi chiều mang thiệp cưới sang nhà mời gia đình tôi tuần sau dự đám gả đứa con gái đầu lòng. Thời gian qua mau thì mau thật, nhưng nhìn lại, trên quãng đường dài, có những khúc quanh nhớ tới đâu cuộc đời bỗng dài thêm tới đó, vẫn còn đâu đó nỗi đằng đẵng trong lòng.

Nhìn quang cảnh xóm mình bây giờ đổi thay cỡ nào thôi cũng hiểu. Có nhớ mấy năm hai đứa còn học chung một lớp? Bữa nào đi học tôi cũng quá giang xuồng Hòa qua sông. Ngày trước đường đi trắc trở, loay hoay vài trăm thước đã phải qua cầu, qua mương, qua kinh. Trường học ở ấp lúc bấy giờ chỉ dạy có ba lớp, hết lớp 3 tôi đành chịu ra trường. Hòa nhờ có người dì lấy chồng nhà ở gần xã, nên có điều kiện lên xã học tiếp hai lớp sau cùng của bậc tiểu học. Sau đó lại lên huyện học đến cuối cấp hai. Lẽ đó nên ít khi Hòa có mặt ở nhà, trừ dịp lễ, tết hay nghỉ hè. Bây giờ, đường sá đã liền xóm ấp, cầu bê-tông phẳng phiu, xe máy chạy tới nhà. Như bữa nay, Hòa về bằng xe hơi thì cũng chạy tới đầu con kinh xáng múc. Điện thoại một cái, nhà mang xe máy ra rước, cũng chẳng mấy hồi. Từ lộ đất đen rồi đất đỏ, lộ bê-tông lên lộ nhựa, rồi nhà kê nhà tường, bao nhiêu năm làm giao thông nông thôn, bây giờ bước vào xây dựng nông thôn mới, những đổi thay đến ngỡ ngàng nơi vùng quê này nếu ngồi nhớ lại, thời gian ấy đâu phải ngắn ngủi gì.


Xa nhà nhưng mỗi khi có dịp nghỉ học về quê Hòa vẫn tất bật, đảm đương những công việc trong nhà, ngoài ruộng hàng ngày. Nhà chỉ có Hòa là gái, lại giỏi giang, mùa nào việc nấy, trong xóm, ai cũng thầm khen. Gia đình Hòa có nhiều đất ruộng, mùa nào cũng phải mướn hoặc vần công làm mới xuể. Lớn lên, tôi là một trong những người thường được gia đình Hòa nhờ giúp việc. Khi thì phát, khi cấy, khi cào, khi gặt… Một lần vào mùa phát, hôm đó trời mưa dầm, do phát ít khi nghỉ mệt nên tôi phát một đỗi, rồi công sớm. Làm biếng lội ngang kinh về nhà, tôi lên liếp sậy, lủi vô giữa liếp, đạp một khoảnh sậy vừa chỗ ngồi, lấy tấm cao su phủ lên trên đọt sậy che mưa. Tôi quấn điếu thuốc gò hút cho đỡ lạnh mà năm lần bảy lượt, điếu thuốc nào cũng rách bởi đôi bàn tay không làm sao khô được. Đỗi sau Hòa chống xuồng đến liếp sậy tôi đang ngồi đụt mưa. Hòa vội vàng mang xoong cơm lên liếp, vẫn nụ cười tươi tắn rất khó quên - “Ra trễ, tưởng đâu anh giận bỏ về không chờ cơm chớ, ai dè, phát giỏi, rồi công sớm quá trời... Thời gian trôi qua nhanh thiệt hén, anh Hai. Nhớ hồi nào đi học, lúc đó anh chỉ biết giăng lưới, đi thượt, đi câu… bây giờ lao động giỏi cỡ này, có gia đình làm giàu hổng mấy hồi…”.

Chỉ là những lời giao đãi cho vui, tôi chỉ trả lời gọn lỏn được một câu - “Phải chi mà được vậy!”... Trời vẫn mưa, nhiều người đã phát xong và ai cũng về nhà tránh lạnh. Xoong cơm còn y nguyên, tô mắm chưng nêm ở giữa, những khoanh hành tím mỏng trên lớp mỡ điểm ít tiêu thơm lừng và một thau bí rợ hầm dừa với khoai lang, với chuối… Sẵn, tôi và Hòa cùng ăn cơm trên cái liếp sậy phủ mờ mưa gió buổi trưa hôm đó. Hòa xăn ống quần lội qua phía bên kia liếp nhổ vài cọng bông súng đỏ và mấy ngọn rau muống đồng, hỏi tôi ăn thì Hòa tước cho. Tôi chưa trả lời Hòa đã ngắt một đoạn để tước vỏ cọng bông súng, bẻ thành những đoạn ngắn để lên nắp xoong cơm, nói đùa: “Ăn đi, hổng có ai đâu, đừng có mắc cỡ mà!”. Tôi nói: “Bữa nay bác Năm chưng mắm, hầm bí ngon dữ thiệt!”... Thật ra là vì tôi đói quá sau khi phát một công đất, phần vì lạnh bởi trời mưa. Hòa giả đò nghiêm mặt lại - “Ai nói bác Năm chưng mắm, hầm bí vậy? Bữa nay nhà ai cũng ra đồng, Hòa nấu hết trơn đó, giỏi hôn?”. Tôi lại cười - “Ngon thiệt!”…

Là tôi nói thật lòng. Mãi sau này tôi vẫn nhớ, đó có thể là bữa cơm ngon nhất trong đời tôi đã được ăn ngoài đồng trong hoàn cảnh như vậy. Cơm xong, tôi lại mang bì thuốc gò ra vấn nữa. Cũng trật vuột năm ba lần không được, lần này Hòa kéo vạt áo tìm chỗ cho tôi chậm đôi bàn tay cho khô để vấn thuốc. Xong bữa cơm, hai đứa về nhà trên chiếc xuồng be tám lỡ. Trời vẫn còn mưa mà lòng tôi rất ấm. Tôi nhận ra một điều, hạnh phúc đôi khi chỉ cần điều nhỏ nhoi, đơn sơ như vậy. Như một dấu chấm nhỏ trong bản trường ca lại có sức lan tỏa, âm vang trong lòng tôi đến tận bây giờ.

Nhớ lần Hòa ẵm đứa con gái đầu lòng về quê chơi, gặp tôi, Hòa vẫn hối - “Nè! anh Hai, coi nó giống em không… Kén chọn chi nữa, anh Hai, coi ai đó vừa bụng cưới vợ cho rồi, để không thôi, nữa ngộ cảnh cha già con mọn, khó lắm à nghen!”... Kén thì đâu phải kén mà chọn thì bụng cũng đã chọn rồi, có điều nhắm bề không êm nên không dám nói ra thôi. Tôi nói - “Cưới cho rồi thì chưa chắc đã được rồi, phải chi thương được người thương mình thì mới ăn đời, ở kiếp với nhau, mới có hạnh phúc lâu bền được chớ. Chưa gặp thì thôi, phải chờ chớ biết làm sao…”.

***

Lần nào Hòa nói câu thời gian qua nhanh quá tôi cũng trả lời giả lả. Ngày đêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Bảy ngày một tuần, tháng ba mươi ngày, một năm mười hai tháng… có ai bớt được chút nào đâu mà ngắn với dài… Đời mỗi người một hoàn cảnh, có người niềm vui ngắn và ít hơn nỗi muộn phiền so với người khác. Vì lẽ đó chăng mà lần nào gặp nhau Hòa cũng tiếc thời gian sao trôi qua nhanh quá. Còn tôi, chẳng hiểu sao chỉ thấy điều ngược lại…

Bạc Liêu, tháng bảy, hai ngàn mười lăm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.