Tùy bút - Tản văn

Trước biển

Thứ Sáu, 31/07/2015 | 16:49

Tôi trở lại căn lều nhỏ của cha Hạnh ở lưng chừng ngọn đồi trên đường đi xuống bãi cát vắng. Lần trước cùng đi với các bạn trong lớp để thăm lúc Hạnh bị thương phải nghỉ học mấy ngày. Chuyến đi đó khiến chúng tôi khá nhiều bất ngờ. Nhà Hạnh ở phía bên kia đồi, trong xóm với những mái nhà nhỏ của các gia đình ngư dân, có nhiều cây dương, đường ngoằn ngoèo đầy gió cát. Từ khi mẹ mất, cha Hạnh thôi theo các chuyến ghe đi biển dài ngày. Ông chuyển qua nghề đuổi cá dọc theo bờ biển quanh chân núi. Sau này, ngại tới lui từ bãi biển về nhà, ông dựng một mái che để buổi trưa nghỉ ngơi lại đó. Hạnh và đứa em thay nhau mang cơm, mang nước ra lều cho ông. Sau đó mang cá về bán cho vựa. Sau, ông thi thoảng ở lại cả ban đêm nên mái che thành mái lều chắc chắn hơn.


Hôm lớp đến thăm lúc Hạnh mang cơm ra cho cha. Chúng tôi dắt xe đạp men theo bờ biển đầy cát đá tìm đến nơi gặp Hạnh. Chúng tôi cả năm, bảy đứa, chen chúc, nhường nhau mới đủ chỗ đụt nắng trong mái lều. Nền trong lều không bằng phẳng, nửa đá, nửa đất đỏ, có chỗ lô nhô. Dù che chắn bằng những tấm bố, tấm nylon, căn lều vẫn ngập đầy gió biển. Gió giật từng cơn. Hạnh bị thương nhẹ do vấp té trên bãi biền, tay trượt trên phiến đá, chấn thương phần mềm, chỉ băng bó vài hôm. Rốt cùng, chúng tôi bất ngờ được buổi vui đùa bên nhau trên bãi vắng.

Hạnh rủ chúng tôi mang lưới ra bờ biển. Tầm lưới dài cuộn theo hai cây tre cũng dài, to đã nhẵn tay người. Chúng tôi đuổi cá. Hạnh hai tay cầm đầu của một cây tre cột các giềng mối của tấm lưới ở phía sau lưng và bắt đầu đi giật lùi ra phía biển. Hạnh thuần thục trong từng động tác bởi vẫn thường kéo lưới với cha. Hạnh đi từng bước, chậm và chắc, chúng tôi trên bờ mở dần cuộn lưới quấn ở đầu cây tre còn lại. Hạnh từng bước lui dần đến khi nước ngấp nghé đến tận cổ chỉ còn thấy mái tóc ngắn gió thổi tung trên sóng biển, cũng là khi tấm lưới xổ ra đến đoạn cuối cùng. Lúc này, chúng tôi cầm cây tre còn lại, bước khoảng vài thước xuống mép nước luôn có những con sóng đuổi nhau vào bờ. Cầm một đầu của lưới, chúng tôi cảm nhận được sức nặng và thầm khen Hạnh. Hạnh không còn ra xa mà đi ngang lại, song song với bờ. Giềng lưới với những chiếc phao màu xanh, đỏ tạo thành một vòng cung khi tấm lưới khoanh một vùng mặt nước.

Hạnh đi dần vào bờ và khi hai cây tre song song nhau, hai bên cùng từng bước lên bờ, cách nhau chừng mươi mét. Từng đoạn lưới lộ dần, khi còn đoạn ngắn, dưới nước đã thấy những con cá màu trắng trồi lên, hụp xuống trong không gian hẹp dần. Sau cùng, chúng tôi kéo chậm mép dưới của tấm lưới cho tới khi toàn tấm lưới phơi mình trên bờ. Lúc này những con cá vùng vẫy hết sức mình trên bãi cát cố tìm lại mặt nước trong vô vọng.

Chúng tôi đánh lưới hai, ba lần như vậy trước khi mang cá lên lều. Hạnh nói, hôm đó là hôm được nhiều cá. Chúng tôi gom củi khô trên bãi gồm những nhánh dứa gai, củi mục dạt lên bờ để chụm lại nướng cá ở một hốc đá. Tiếng cười hòa cùng tiếng sóng biển, tiếng lửa reo. Như buổi cắm trại bên căn lều nhỏ thật vui. Chúng tôi nướng những con cá đối lớn còn tươi nguyên. Chín con nào ăn con nấy chấm với muối tiêu chanh. Mình mẩy ướt và lạnh bởi những đợt gió biển, được ăn cá nướng nóng hổi ngay trên lửa hồng, lòng ấm, thật vui. Chúng tôi còn đùa giỡn nhau thật lâu trên bãi cát, chờ quần áo khô trước khi về.

Tôi được một chút ngả lưng trong lều với những ngọn gió mang đầy hương biển. Nằm trên tảng đá có một bề phẳng lì nhìn ra phía biển, bất chợt tôi đã từng nghĩ, cuộc sống chỉ thế này, đừng có biến cố gì lớn chắc đã đủ cho một đời yên ả. Như gia đình Hạnh từ trước đến nay, vẫn ấm êm một nghề, với biển. Những vòng cung khép lại với những chiếc phao màu xanh, đỏ ngày này qua ngày khác nối nhịp nhau, đơn giản, mộc mạc, chân phương, không mấy khó khăn và con cá đuổi được, phần để ăn, phần bán dùng cho những nhu cầu khác trong gia đình…

Vài lần quay lại với Hạnh trong căn lều nhỏ, có lần tôi nói suy nghĩ này, Hạnh chỉ cười. Không như tôi, Hạnh nghĩ, phút ban đầu nào cũng lạ lẫm và nhiều hấp lực. Lần đầu tiếp xúc với công việc chưa từng biết, nên lạ, nên vui, khi trở thành cuộc mưu sinh thì lại là chuyện khác. Cuộc sống bấy nhiêu thôi vẫn có thể tạm đủ để tồn tại một cuộc đời, của người nào đó. Nhưng rồi sẽ tẻ nhạt với không gian vắng vẻ cả đời chỉ toàn gió cát và những tiếng vi vu của hàng dương quen thuộc. Sự êm ấm cảm nhận hôm nay chỉ là nhất thời, như đường chân trời nhìn thấy mịt mùng kia, mỗi ngày có thể chứng kiến nơi mặt trời chìm dần xuống biển. Tưởng đó là ranh giới tận cùng. Mà có phải đâu, từ ngoài khơi xa, bao nhiêu lần mút xa tầm mắt đó vẫn còn là một phần của Tổ quốc, bao la. Nó đâu chỉ là những con cá nhỏ nhắn bắt được thơm lừng trên lửa mà còn bao nhiêu thứ mình phải giữ gìn. Cuộc sống rất rộng, không gian bao la, và những nơi mình còn chưa biết đến. Còn đó bao điều cần khám phá và cuộc đời sẽ lý thú nhiều hơn so với điều bó hẹp mình chợt nghĩ hôm nay…

***

Từ lộ nhựa nhìn xuống dốc sườn đồi thoai thoải, cảnh vật có vẻ như chưa có nhiều thay đổi giữa thiên nhiên. Chỉ không còn mái lều chênh vênh trên lưng đồi, nơi ngày xưa tôi đã từng ghé lại, từng thoáng giấc mơ cùng người bạn học thuở xa xưa. Biển mênh mông cùng những con sóng ngàn năm vỗ bờ trắng xóa. Không thể gặp lại sau bao nhiêu năm dài xa cách, nhớ Hạnh và nhìn ra phía biển, tôi nhận ra bao điều khác hơn từ ước vọng ngày nào Hạnh nói với tôi trên chính bờ biển thân yêu này…

Bạc Liêu, tháng bảy, hai ngàn mười lăm

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.