Tùy bút - Tản văn

Nhớ quê

Thứ Hai, 17/08/2015 | 15:38

Lâu quá rồi tôi chẳng có dịp về thăm quê, chắc quê cũ bây giờ đã đổi thay nhiều nét. Tôi vẫn thường nhớ những ngày thơ cặp sách đến trường mà mặt mày còn lấm lem bụi bặm, nhớ những mái nhà liêu xiêu, ngó mặt ra sông con nước đầy vơi. Ở đó, có một mái nhà lá nhỏ mà tôi dẫu có đi xa hơn, lâu hơn thì tôi vẫn nhớ. Nhà của một bà mẹ.

Bà cũng như bao bà mẹ khác ở quê tôi, tóc búi sau đầu, da nhăn nheo với những đốm đồi mồi, hàm răng cây còn cây mất ngồi nhai trầu móm mém. Mỗi bận chúng tôi cắp cặp đi học ngang qua hay nghe bà gọi: “Mấy đứa bây, đứa nào mệt thì ghé nghỉ uống nước rồi hả đi học. Tội nghiệp mấy đứa bây đi học nắng quá chừng”. Vậy là lũ học trò chúng tôi ngày ấy được bụng nước mưa hả hê cơn khát. Những gương mặt đỏ bừng vì nắng được dịu lại, những giọt mồ hôi nhễ nhại được cơn gió thổi khô, có bữa được bà đãi cho mấy củ khoai luộc, trái chuối chín cây vàng ươm thơm ngọt. Tôi nhớ lu nước mưa để cạnh bộ ván ngựa bên hông nhà mà tôi vẫn thường gọi là “lu nước Thạch Sanh”, bởi vì chẳng thấy vơi đi. Tôi nhớ những ngón tay cong queo của bà hay ngồi chằm lá làm cái nắp lu, hay ngồi vót những nan tre đan rổ, vót những cọng dừa để bó chổi, có khi là ngồi tách vỏ từng trái gòn khô, lựa sạch những hạt gòn bé xíu ra khỏi đám bông trắng muốt để dành dồn áo gối, còn dư bà cất vào bao để dành cho mình, như thể tuổi già ai rồi cũng một lần cần đến.


Xóm nhỏ về chiều càng đìu hiu quạnh quẽ. Những buổi trời chạng vạng tối là tôi lại rợn người bởi tiếng chim cú, những âm thanh phát ra từ những lùm cây trong bóng tối, rờn rợn phủ lên xóm nghèo xơ xác. Tôi sợ nhất là khi má biểu chạy qua tiệm mua chút đồ, vì cái tật sợ ma nên lần nào tôi cũng ba chân bốn cẳng chạy muốn hụt hơi, bị má rầy hoài mà không bỏ được. Mỗi bận chạy đi mua đồ cho má, khi đến đoạn nhà bà là coi như mình được giải cứu, bởi một ánh đèn bà đốt thâu đêm. Ánh đèn không chói nhòa như ánh đèn điện bây giờ mà sáng hồng lên một khoảng sân, loe lóe ra con đường đất mòn nhẵn những dấu chân của lũ học trò ngày đến trường hai buổi. Có lần tôi nghĩ bụng, chắc bà ở một mình, sợ ma nên mới đốt đèn suốt đêm như thế. Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ vụng dại trong đầu của trẻ nhỏ, chứ người lớn thì đâu có sợ ma. Ngay cả sự hung tợn của kẻ thù, bom đạn chết chóc, mất đi một phần xương thịt họ còn không sợ, huống chi là sợ bóng sợ gió. Nhưng những thứ ấy sau này lớn lên tôi mới hiểu. Thì ra bà đốt đèn cho mấy đứa con bà biết đường về nhà và cho mấy đứa nhỏ sợ ma giống tôi đi ngang đoạn này đỡ sợ.

Cũng như bao bà mẹ khác, bà cũng có con gái, con trai đủ đầy. Họ lần lượt đi theo tiếng gọi non sông khi mới tuổi tròn trăng, có người làm bộ đội, người làm giao liên, tên của họ gắn liền với những trận thắng ở làng trên xóm dưới. Đôi mắt hõm sâu của bà đã mấy bận khóc vì hay tin những đứa con của mình nằm xuống đâu đó trên mảnh vườn, thửa ruộng. Hòa bình lập lại, đôi mắt già nua ấy hàng ngày dõi theo mấy đứa con nít tung tăng đến trường và đêm đêm lại trông ngọn đèn dầu, như thể trông chờ những đứa con trở về. Dù người ta đồn các con bà đã tử trận, bị bom đạn vùi dập mất xác, nhưng lòng bà mẹ già vẫn đau đáu hoài mong con bà vẫn còn sống. Nỗi hoài mong ấy thường đi vào giấc mộng, để bà gặp lại mấy đứa con của mình. “Con gái thì tóc dài, nước da ngăm ngăm mà đẹp. Con trai thì cao cao, đen thui đen thít mà cái miệng cười hiền thiệt thấy thương”, bà kể với tôi về những giấc mơ chập chờn như thế.

Thời gian trôi, bà vẫn thui thủi một mình trong mái nhà lá liêu xiêu đi qua những ngày mưa nắng, vẫn lặng lẽ dõi trong theo bước chân những đứa trẻ quê tôi đến trường, trông từng đứa lớn lên, yêu thương như thể cháu ruột thịt của mình. Nếu con gái, con trai bà còn sống, chắc hẳn bà sẽ có những đứa cháu ríu rít theo chân kêu ngoại, kêu nội rôm rả mái nhà.

Gia đình tôi dời lên phố sống đã lâu, nên tôi chẳng còn có dịp thấy bà mẹ già năm xưa. Những buổi chiều nhìn phố lên đèn, chợt nhớ những ngày thơ với những lúc trời chạng vạng, chẳng dám ra đường vì sợ ma, nhớ một ánh đèn quạnh hiu ở ngôi nhà nhỏ. Không biết tại hình ảnh bà già ngồi bên ngọn đèn trông con làm tôi nhớ quê, hay bởi quê nhà có những bà già còm cõi hiền như đất, có những mái nhà đơn sơ mà buộc lòng buộc dạ những đứa con lớn lên ở đó. Hổng biết, những đứa con của bà giờ đã về chưa, hay mãi mãi là xót xa cho những hoài mong vô vọng, bởi chiến tranh đã cướp mất con bà rồi.

NGUYỄN THI

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.