Tín dụng cho hộ nghèo: Hiệu quả đến đâu?

Thứ Sáu, 21/08/2015 | 09:38

Bài 1: Khó cũng phải làm

Có thể nói, thiếu ý thức và không muốn trả nợ của người vay là nguyên nhân chính làm cho chất lượng tín dụng kém. Nhiều hộ nghèo xem vốn chính sách là “vốn cho không”, và ai cũng muốn vay nhiều chương trình. Còn khả năng thanh toán nợ thì tính sau!? Thậm chí, có người sau khi vay vốn, tạo được thu nhập, có tích lũy nhưng vẫn cố tình không trả nợ.

Sản xuất gặp rủi ro là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều hộ nghèo không có trả năng trả nợ. Trong ảnh: Mưa lớn gây gập úng vùng chuyên trồng màu ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Cố tình chây ỳ

Tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn tăng cao, ngoài những nguyên nhân khách quan như sản xuất bị rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn lao động… thì vẫn còn khá nhiều trường hợp đã thoát nghèo, tạo được thu nhập khá, nhưng vẫn cố tình chây ỳ. Đơn cử như hộ ông N.V.T (xã Phước Long, huyện Phước Long) vay từ chương trình hộ nghèo hơn 20 triệu đồng (vào năm 2013), đến nay gia đình ông T. đã thoát nghèo, nhưng lại không muốn trả nợ. Hay trường hợp hộ ông N.V.Q (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) vay chương trình học sinh - sinh viên từ năm 2009, đến nay con ông đã ra trường, có việc làm, nhà có thu nhập nhưng ông Q. cũng dây dưa không chịu trả nợ.

Đó là chưa kể nhiều trường hợp cho vay xuất khẩu lao động, khi người xuất khẩu lao động có thu nhập cao gửi tiền về xây dựng nhà (trị giá 700 - 800 triệu đồng), nhưng cũng cố tình chây ỳ. Đến khi ngân hàng khởi kiện ra tòa thì mới chịu trả nợ (ở huyện Đông Hải).

Ông Triệu Công Minh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đông Hải, cho biết: “Tính đến hết tháng 7/2015, nợ quá hạn trên địa bàn huyện hơn 4,75 tỷ đồng, chiếm 2,09% trên tổng dư nợ với 337 hộ vay. Điều đáng nói, trong số đó có đến 30% hộ vay có khả năng trả được nợ, nhưng họ cố tình không trả”.

Từ việc thiếu ý thức và cố tình chây ì không trả nợ mà nợ xấu, lãi tồn đọng ngày một tăng. Như tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phước Long, nếu trong 6 tháng năm 2015, lãi tồn đọng chưa thu được còn ở con số 9,99 tỷ đồng, thì đến cuối tháng 7/2915 đã vượt lên con số 11,98 tỷ đồng với hơn 1.480 hộ, tăng 1,7 tỷ đồng so với đầu năm. Còn cả hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh, đến tháng 7/2015, nợ xấu lên đến 88,33 tỷ đồng/7.150 hộ, chiếm 6,7% trên tổng dư nợ.

Công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn còn bị ảnh hưởng bởi những cán bộ, đảng viên - những người được coi là tiên phong trong thực hiện chính sách tín dụng. Trong danh sách hộ vay bị xếp vào nhóm có nợ xấu, lãi đọng cao, có người là Phó Chủ tịch HĐND phường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Phó Bí thư Xã đoàn, Phó Ban Dân vận, Phó Ban Tuyên giáo xã, Bí thư Chi bộ ấp… Đó là chưa nói đến vợ của nhiều cán bộ, đảng viên đứng tên vay nhiều chương trình tín dụng nhưng lại không trả nợ, từ đó gây khó cho công tác vận động, tạo nên sự “so bì” giữa những người thiếu nợ.

Nhà của bà T.T.L (ấp Trèm Trẹm, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) chỉ còn là bãi đất trống, cả nhà đã bỏ xứ đi làm ăn xa. Ảnh: L.D

Kiên quyết xử lý

Chất lượng tín dụng kém do nợ xấu, lãi đọng tăng cao vốn là căn bệnh trầm kha trong nhiều năm qua. Do vậy, muốn chữa dứt căn bệnh này không phải là chuyện một sớm một chiều, mà cần nhiều thời gian. Với thực trạng như hiện nay, có lẽ giải pháp cần được Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh và các địa phương quan tâm chỉ đạo là tập trung xử lý nợ xấu. Trong đó, cùng với giải pháp xử lý nạn chiếm dụng, thiếu gương mẫu trong thanh toán nợ, cần dồn sức và ưu tiên làm tốt việc khoanh nợ và xóa nợ.

Một trong những nguyên nhân cơ bản đẩy nợ xấu lên cao là do chưa làm tốt công tác khoanh nợ và xóa nợ. Vì vậy, khi đến hạn thanh toán, nhiều hộ nghèo cứ phải đi vay nóng với lãi suất cao bên ngoài để trả nợ ngân hàng nhằm tiếp tục được vay mới. Điều này dẫn đến nạn “nợ chồng nợ”, vì năm nào hộ nghèo cũng được vay vốn mới, nhưng họ lại không giữ được tiền và nợ cứ ngày một nhiều hơn.

Theo ông Phan Thanh Kiều, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK-VV) ấp Long Đức, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long: “Nếu không tập trung làm tốt việc khoanh nợ và xóa nợ thì nợ xấu sẽ khó giảm. Bởi, có nhiều trường hợp thật sự không có khả năng thanh toán nợ, đơn cử như hộ bà N.T.T. Chồng mất, bà T. phải nuôi hai đứa con, gia đình bà T. không nhà, không đất, chủ yếu sống bằng nghề nhổ năn mướn. Cơm còn bữa có bữa không thì làm sao có khả năng trả nợ. Nếu không khoanh nợ cho gia đình bà T. thì từ 10 triệu đồng vay ban đầu, đến nay nợ gần 20 triệu đồng”.

Hay trường hợp của bà T.T.L (ấp Trèm Trẹm, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân). Gia đình bà L. chỉ còn lại mảnh đất trống, còn căn nhà đã bị sập từ lâu. Do sản xuất thất bại, nên cả gia đình bà L. đã bỏ xứ đi làm mướn hơn 4 năm nay. Bà Trương Thị Khiếm, Tổ trưởng TTK-VV ấp Trèm Trẹm nói: “Tôi đã đề nghị Ngân hàng CSXH huyện xem xét xóa nợ cho bà L., chứ gia đình bà L. đâu còn ở địa phương đâu mà trả nợ”. Ở ấp Trèm Trẹm, một số hộ cũng được đề nghị xóa nợ. Như gia đình bà T.X trước đây có vay vốn ngân hàng, bà T.X mất đi để nợ lại cho con. Khổ nỗi, con bà T.X đều nghèo và đã bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh nên không có ai đứng ra trả nợ.

Đối với những trường hợp như thế, nếu không được tập trung xử lý khoanh nợ, xóa nợ thì nợ vẫn mãi là nợ, và lãi để ngày càng nhiều.

Làm tốt việc khoanh nợ, xóa nợ không phải là chuyện dễ. Bởi, muốn làm tốt việc này, yêu cầu đầu tiên là cán bộ tín dụng phải gần dân và có cái tâm. Từ đó họ mới thấy những nỗi khổ, khó khăn cần được chia sẻ, chứ không thể xử lý nợ theo kiểu đến thăm rồi ghi sổ “tiếp tục không trả nợ”. Xử lý nợ xấu rất khó, nhưng với tấm lòng và quyết tâm đồng hành, chia khó cùng hộ nghèo, thì dù khó mấy cũng phải làm.

LƯ DŨNG

Bài cuối: Để đồng vốn phát huy hiệu quả!

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.