Thanh thiếu niên

Mô hình kinh tế của thanh niên nông thôn: Không phát huy hiệu quả

Thứ Sáu, 21/08/2015 | 16:30

Điệp khúc “được mùa, rớt giá” cùng hàng loạt trở ngại về đầu ra sản phẩm, đồng vốn, khoa học - kỹ thuật là những nguyên nhân khiến các mô hình kinh tế của thanh niên nông thôn không phát huy hiệu quả.

Mô hình trồng măng tây của một hộ thanh niên ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Y.N

Thuộc đối tượng hộ cận nghèo, anh Bùi Quốc Phú (ấp Giá Tiểu, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) gom góp hết số tiền dành dụm cùng với vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mô hình nuôi gà thả vườn. Lần nuôi đầu tiên cho kết quả rất khả quan, anh dự định nuôi thêm vài lần nữa, khi vững mạnh về đồng vốn sẽ mở rộng mô hình. Thế nhưng, đến lần nuôi thứ hai thì xuất hiện dịch bệnh… Chỉ mới thử sức với mô hình nuôi gà, song qua một lần thất bại không còn vốn sản xuất, cùng với tâm lý e ngại, anh Phú chẳng còn dám mạo hiểm duy trì mô hình nuôi gà. Hiện anh đã chuyển sang nuôi heo, nhưng cũng chỉ dám đầu tư nhỏ lẻ.

Trường hợp của anh Phú cũng là tình trạng chung của rất nhiều thanh niên nông thôn. Không có nhiều vốn liếng trong tay, thiếu hiểu biết về khoa học - kỹ thuật… là những cái khó mà thanh niên nông thôn đang phải đối mặt trên con đường lập nghiệp. Thay vì theo đuổi những mô hình sản xuất thì họ chọn giải pháp an toàn là… đi làm thuê. Trào lưu thanh niên ồ ạt bỏ quê lên phố làm công nhân một phần bắt nguồn từ việc các mô hình kinh tế ở địa phương không phát huy được hiệu quả. Ông Danh A (Trưởng ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) cho biết: “Kinh tế ở đây chủ yếu là trồng lúa và hoa màu. Tuy nhiên, lúa thì theo thời vụ, hoa màu thì luôn trong tình trạng được mùa - mất giá, lại gặp nhiều rủi ro. Trong khi thanh niên thường không có nhiều vốn, nếu một lần thất bại là coi như trắng tay. Vì vậy, toàn ấp có trên 50% thanh niên lên thành phố lập nghiệp”.

Bên cạnh đó, có thể thấy ở thanh niên nông thôn còn có tâm lý chạy theo phong trào, cứ thấy mô hình kinh tế nào có hiệu quả là ồ ạt làm, từ đó dẫn đến đầu ra sản phẩm khó khăn. Trước đây, ở các vùng nông thôn rộ lên phong trào nuôi trăn, nhưng chỉ được một thời gian, giá trăn tụt xuống đến mức thảm hại thì cũng là lúc mô hình này phá sản. Hiện tại, mô hình nuôi cá sấu đang là trào lưu mới, song gần đây có dấu hiệu rớt giá do mức cung vượt cầu… Anh Lê Văn Hải, một thanh niên làm kinh tế giỏi (ấp 5, xã Phong Tân, huyện Giá Rai) đã từng chia sẻ: “Kinh tế của thanh niên nông thôn chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát. Muốn mở rộng và đeo đuổi thành công một mô hình kinh tế nào đó, đòi hỏi thanh niên phải có sự kiên kiên trì, chấp nhận rủi ro, sau thất bại phải rút ra được kinh nghiệm và quyết tâm làm lại từ đầu. Điều này ít bạn trẻ nông thôn làm được, một phần là do họ không kiên nhẫn, một phần bởi thiếu hụt đồng vốn, không am hiểu khoa học - kỹ thuật, ít chịu học hỏi”.

Có thể nói, con đường lập nghiệp của thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, còn lắm gian nan, thử thách. Hiện tại, thanh niên chỉ tiếp cận được đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng cũng bị hạn chế bởi những điều kiện của ngân hàng, chẳng hạn như gia đình có cha hoặc mẹ đứng ra vay vốn làm ăn thì thanh niên không được vay... Hiện, Trung ương Đoàn có quỹ 120 vốn giải quyết việc làm, tuy nhiên số lượng tiếp cận không nhiều. Tính đến thời điểm này, Tỉnh đoàn đã giải ngân cho 3 đơn vị: Đông Hải, Hồng Dân và Giá Rai, nhưng mỗi đơn vị chỉ có 5 - 10 thanh niên được vay, với số vốn tối đa là 20 triệu đồng. Mặt khác, các mô hình kinh tế của thanh niên hiện nay đều mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thông thường là vài ba con heo, mấy con gà, vài luống rau cải… Với cách làm ăn theo kiểu “lượm bạc cắc” như thế thì rất khó ổn định cuộc sống, chứ nói chi đến chuyện đổi đời. Theo báo cáo Tỉnh đoàn, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 15 tổ hợp tác của thanh niên, mỗi tổ chỉ có 5 - 10 thành viên, chưa có hợp tác xã.

Có quá nhiều rào cản trên bước đường lập nghiệp của thanh niên nông thôn. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân họ, thì rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ tổ chức Đoàn và chính quyền địa phương.

TUẤN ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.