Tín dụng cho hộ nghèo: Hiệu quả đến đâu? Bài cuối: Để đồng vốn phát huy hiệu quả

Thứ Ba, 25/08/2015 | 15:35

Bài 1: Khó cũng phải làm


Để nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh tiếp tục triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn 2015 - 2017. Đồng thời, triển khai quyết định của UBND tỉnh phân công giám đốc các sở, ban ngành, chủ tịch các hội đoàn thể tham gia chỉ đạo các địa phương với mục tiêu quyết tâm thực hiện thắng lợi đề án này.

BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: xử lý nợ quá hạn, nợ chiếm dụng, thu lãi và củng cố, kiện toàn hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK-VV)...

*Ông Lê Quốc Thế (huyện Phước Long) là một trong những nông dân phát huy tốt đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH.

*Cùng với đầu tư tín dụng cũng cần tập trung giải quyết tốt việc làm, nhằm hướng đến giảm nghèo bền vững. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu huyện Hồng Dân. Ảnh: L.D

Theo UBND tỉnh, trường hợp hộ vay là cán bộ, đảng viên, hoặc thân nhân cán bộ, đảng viên có khả năng trả nợ, nhưng cố tình chây ỳ thì lập danh sách, thông báo thủ trưởng đơn vị hoặc bí thư chi bộ nơi đang công tác hoặc sinh hoạt để tổ chức phối hợp thu hồi ngay. Đồng thời báo cáo, đề nghị với cơ quan Đảng cấp trên kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, đảng viên, bình xét thi đua hàng năm.

Tuy nhiên, giải pháp mang tính bền vững vẫn là việc nâng cao ý thức cho các hộ nghèo. Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phước Long khẳng định: “Nếu không làm tốt công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nhất là nâng cao ý thức cho các hộ nghèo thì chắc chắn đề án cũng không mang lại kết quả. Bởi ý thức chính là yếu tố mang tính quyết định và cũng là giải pháp căn cơ trong việc phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư”.

Thật vậy, khi các hộ nghèo nhận thức được đây không phải là vốn cho không và biết “sợ” mắc nợ thì chất lượng tín dụng sẽ được phát huy. Điển hình như hộ ông Lê Quốc Thế (ấp Long Đức, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) nhờ vào đồng vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện mà đến nay đã thoát nghèo và được xếp vào nhóm khá giàu của ấp. Ông Lê Quốc Thế chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi vay Ngân hàng CSXH huyện 5 triệu đồng về nuôi 3 con heo nái. Từ 3 con ban đầu đã gây đàn lên 6 con, rồi phát triển lên 16 con và đến nay đã hơn 120 con. Tính riêng tiền bán heo mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Khi tạo được tích lũy, gia đình tôi phát triển thêm đàn vịt đẻ hơn 200 con, mỗi năm cho thu lãi gần 30 triệu đồng. Cộng thêm làm ruộng, tổng cộng mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng. Dù có nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển sản xuất, nhưng gia đình cũng không dám vay nhiều, vì sợ nợ lắm. Vả lại, khi vay vốn phải biết tính, phải có mô hình sản xuất hiệu quả theo kiểu “chậm mà chắc” để làm sao đồng vốn không bị mất đi, vừa trả nợ được ngân hàng, vừa có tích lũy đầu tư thêm cho phát triển sản xuất”.

Cùng với nâng cao ý thức cho các hộ vay, việc tập trung làm tốt công tác chỉ đạo cũng là giải pháp quan trọng. Thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm làm tốt công tác chỉ đạo thì chất lượng tín dụng có những chuyển biến tích cực. Như xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân), trước tình hình nợ xấu, lãi đọng tăng cao, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức họp và ban hành công văn chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tập trung nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra và đề nghị báo cáo thường xuyên tình hình xử lý nợ xấu. Nhờ vậy, từ một địa phương có nợ quá hạn cao, nay đã có nhiều TTK-VV xếp vào loại tốt, nợ quá hạn, lãi đọng đã giảm nhiều so với trước đây, đặc biệt là huy động được tiền gửi tiết kiệm. Theo bà Trần Thị Mỹ Xuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A: “Phát huy và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách sẽ góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, công tác này phải được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, bởi chỉ cần hoạt động của các TTK-VV không hiệu quả là kéo theo lãi đọng tăng cao”.

KHÔNG ĐẦU TƯ DÀN TRẢI

Tính đến tháng 7/2015, tổng dư nợ cho vay của cả hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh hơn 1.315 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng bình quân 12%/năm, đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thế nhưng, với thực trạng sử dụng vốn vay kém hiệu quả như hiện nay, bài toán đầu tư cho các hộ nghèo cần được tính lại. Với 13 chương trình tín dụng cho vay từ Ngân hàng CSXH như: vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động..., các tổ chức nhận ủy thác và địa phương cần làm tốt công tác thẩm định, xét cho vay. Đồng thời cũng xem xét khả năng thanh toán nợ vay và quản lý, sử dụng hiệu quả của đồng vốn. Bên cạnh đó, cần một cuộc cách mạng trong thực hiện chính sách tín dụng này. Đó là đối với những hộ thiếu ý thức, không muốn phấn đấu vươn lên để thoát nghèo, chỉ muốn vay thêm mà không muốn trả nợ thì cần đưa ra khỏi danh sách xét cho vay. Bài học kinh nghiệm này đã được TP. Bạc Liêu áp dụng đối với những hộ luôn ỷ lại vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Đến khi nào hộ nghèo thay đổi nhận thức, quyết tâm cam kết thoát nghèo thì mới hỗ trợ lại. Nếu làm được việc này sẽ tránh được lãng phí vốn đầu tư, tránh nạn ỷ lại “hễ vay là có”, kìm hãm ý chí vượt khó, nỗ lực vươn lên của hộ nghèo. Mặt khác, với nguồn vốn đầu tư có hạn, nếu đầu tư theo kiểu cào bằng sẽ khó phát huy hiệu quả của đồng vốn vay, do nguồn lực bị phân tán, nợ xấu tăng cao là điều khó tránh khỏi. Tháng 9/2015 tới đây, Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo sẽ có hiệu lực và Ngân hàng CSXH sẽ đầu tư cho nhiều hộ thuộc dạng này. Do vậy, nếu không có giải pháp quản lý tốt đồng vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, nợ xấu sẽ là con số khổng lồ và hộ nghèo sẽ phát sinh cao.

Ngoài các giải pháp trên, việc gắn chất lượng tín dụng với xếp loại thi đua hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng cần tập trung làm tốt. Theo đó, không để nợ xấu tăng cao, lãi đọng nhiều, bởi thực hiện chính sách tín dụng này cũng là thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu về giảm nghèo - một trong những chương trình quan trọng hàng đầu góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.