Vụ thu đông: Nông dân nên chọn giống lúa nào?

Thứ Ba, 06/10/2015 | 14:01

Vụ hè thu vừa qua, nhiều giống lúa chất lượng cao sau khi sản xuất đưa ra thị trường chỉ bán được bằng giá với các loại giống chất lượng thấp. Thực trạng này khiến nhiều nông dân thua lỗ và gây khó khăn trong việc chọn giống cho vụ thu đông sắp tới.

Mua lúa theo kiểu cào bằng

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân sản xuất nhiều giống lúa chất lượng cao. Song, một nghịch lý luôn tái diễn là những giống lúa chất lượng cao đều bị thương lái thu mua với giá gần như ngang bằng, hoặc rẻ hơn so với các giống chất lượng thấp. Đơn cử như vụ lúa hè thu vừa qua, lúa chất lượng cao (như OM 5451, OM 2517, OM 6976, OM 4900...) được mua với giá từ 80.000 - 88.000 đồng/giạ. Trong khi đó, giống lúa IR 4218 và một số giống lúa chất lượng thấp khác cũng được mua với giá hơn 80.000 đồng/giạ.

*Nông dân xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) gieo sạ lúa thu đông.

*Nông dân ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) kiểm tra đánh giá giống lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: P.Đ

Chị Bùi Thị Thúy (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) cho biết: “Thương lái tìm mua các loại giống chất lượng thấp (như IR 4218) với giá gần 90.000 đồng/giạ, còn các giống chất lượng cao thì họ nói thị trường không ưa chuộng. Họ mua lúa chất lượng cao bằng giá lúa chất lượng thấp”.

Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, giải thích: “Chúng ta có nhiều giống lúa chất lượng cao, năng suất khá. Tuy nhiên, nông dân còn sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy chọn giống, số lượng nông dân tham gia cánh đồng lớn chưa nhiều. Chọn giống manh mún dẫn đến cuối vụ lúa hàng hóa đưa ra thị trường cũng bị manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, do khâu liên kết, bao tiêu còn hạn chế nên giá cả phụ thuộc vào thương lái. Theo quy luật, khi có nhiều giống lúa thì sẽ tạo được sự đa dạng lúa hàng hóa có chất lượng cao, làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Song hiện nay, càng có nhiều giống thì nông dân càng khó lựa chọn”.

Khó khăn trong việc chọn giống

Thời gian qua, có không ít các loại giống lúa mới xuất hiện với lời hứa bao tiêu của các doanh nghiệp. Nhưng rồi, đến khi thu hoạch thì nông dân lãnh đủ. Như chuyện bao tiêu giống RVT ở huyện Hòa Bình. Ông Nguyễn Văn Thủy (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) cho biết: “Năm trước, có doanh nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng ký hợp đồng với nông dân sản xuất lúa RVT và họ sẽ bao tiêu sản phẩm. Năm đó, họ bao tiêu lúa với giá gần 120.000 đồng/giạ, còn thương lái thì mua với giá hơn 130.000 đồng/giạ. Vụ hè thu này, họ tiếp tục bán lúa giống với lời hứa bao tiêu sản phẩm và nông dân huyện Hòa Bình trồng gần 1.000ha giống lúa này. Vừa qua, họ mua lúa xong mà tiền thì chẳng thấy đâu! Phải chăng, đây là chiêu “câu mồi” để bán lúa giống”(?!).

Do có nhiều loại giống lúa chất lượng cao nên nông dân không biết phải chọn giống nào để đảm bảo sản xuất có lãi và không bị tắc ở đầu ra. Vậy, giống lúa nào sẽ là chủ lực cho vụ thu đông?

Ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp - thủy sản, khuyến cáo: “Vụ lúa thu đông này, nông dân nên tập trung sản xuất 2 nhóm lúa. Đó là nhóm lúa thơm với 2 loại giống là OM 4900, OM 7347; nhóm lúa chất lượng cao với các loại giống OM 5451, OM 2517. Đặc biệt, nông dân sản xuất lúa trên đất tôm nên chọn giống OM 2517. Bà con ưu tiên sản xuất các giống chất lượng cao, có khả năng chống chọi với thời tiết mưa bão. Những giống lúa nói trên được khuyến khích sản xuất vì giá cả đầu ra tương đối ổn định”.

Là một tỉnh nông nghiệp nhưng nông dân Bạc Liêu luôn gặp khó trong khâu chọn lúa giống. Bởi, tuy có nhiều giống lúa, nhưng loại giống để sản xuất có lãi, mang tính bền vững thì lại thiếu. Phải chăng, đây là nguyên nhân làm cho hạt gạo của Bạc Liêu thiếu sức cạnh tranh và chưa thể vươn xa?

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.