Đối phó với hạn hán, mặn xâm nhập: Cần tiết kiệm nước trong sản xuất lúa

Thứ Hai, 16/11/2015 | 09:57

Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, khu vực ĐBSCL - trong đó có Bạc Liêu sẽ xảy ra tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sản xuất. Hiện nay, nước mặn xâm nhập và làm thiệt hại nhiều diện tích lúa kết hợp nuôi tôm. Trước tình hình trên, ngành chức năng khuyến cáo nông dân nên ứng dụng các biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất lúa.

Một số diện tích lúa kết hợp nuôi tôm ở huyện Hồng Dân bị thiệt hại do nhiễm mặn. Ảnh: M.Đ

Ở huyện Hồng Dân, nắng nóng kéo dài, nước bốc hơi làm độ mặn tăng cao đã làm cho 4.545/22.000ha lúa trên đất tôm bị thiệt hại. Trong đó, diện tích thiệt hại trên 70% là 2.917ha, thiệt hại từ 30 - 70% là 1.628ha. Hiện độ mặn ở các sông, kênh, rạch dao động từ 4 - 5%o. Ông Nguyễn Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Năm nay, mặn xâm nhập sớm cộng với nắng kéo dài làm độ mặn tăng cao gây thiệt hại lúa. Ngành chức năng huyện vận động nông dân trữ nước ngọt, rửa mặn và không xuống giống lại các diện tích lúa trên đất tôm bị thiệt hại. Khuyến cáo nông dân nên chuyển đổi sản xuất, nuôi trồng cây, con khác…”.

Còn ở huyện Phước Long, năm nay tổng diện tích xuống giống lúa trên đất nuôi tôm hơn 9.000ha. Trong đó có hơn 3.000ha bị thiệt hại do độ mặn tăng. Theo ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện: “Ngành Nông nghiệp huyện đã cử cán bộ xuống địa phương hỗ trợ nông dân khắc phục diện tích lúa bị thiệt hại. Đồng thời hướng dẫn nông dân bón phân, sử dụng nước tiết kiệm nhằm giúp cây lúa tiếp tục sinh trưởng tốt trong điều kiện mặn xâm nhập. Khi có mưa hoặc độ mặn trên kênh giảm, bà con nên tranh thủ tháo nước rửa mặn và trữ nước ngọt. Huyện sẽ kiến nghị với Sở NN&PTNT, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại…”.

Trước tình hình hạn hán, mặn xâm nhập và các loại sâu bệnh phá hại lúa trên đất tôm, lúa thu đông, lúa cao sản… ngành chức năng khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phòng chống sâu bệnh. Ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng: “Ngoài việc tôm lúa bị thiệt hại do độ mặn tăng, một số diện tích lúa thu đông và lúa trên đất tôm giai đoạn đẻ nhánh bị sâu bệnh phá hại (như bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân, chuột, bọ trĩ, rầy nâu). Đặc biệt, huyện Phước Long và Hồng Dân cần áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm để bảo vệ các trà lúa”.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị tăng cường quản lý bệnh đạo ôn trên vụ lúa mùa. Khi bệnh xuất hiện với tỷ lệ 5 - 10% trên lá thì hướng dẫn bà con phun xịt bằng các loại thuốc đặc trị theo nguyên tắc “4 đúng”; giai đoạn lúa trỗ thì phun thuốc ngừa bệnh đạo ôn trên bông 2 lần trước khi lúa trỗ và trỗ đều. Song song đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu, hướng dẫn nông dân phun thuốc trừ rầy khi mật số 2 - 3 con/tép lúa. Chú ý nên xử lý thuốc trừ rầy vi sinh hoặc thuốc chống lột xác khi rầy còn nhỏ; quản lý tốt các đối tượng sâu bệnh khác như nhện gié, chuột, bệnh khô vằn, cháy bìa lá, vàng lá...

Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới, ngành chức năng khuyến cáo nông dân nên trữ nước ngọt và ứng dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm. Các trà lúa trên đất tôm bị thiệt hại không nên cấy lại mà chuyển sang nuôi trồng cây, con khác. Đối với các vùng cuối nguồn nước ở TX. Giá Rai và một số nơi khác thiếu nước ngọt, bà con không nên xuống giống lại vụ lúa đông xuân. Bởi, thời gian tới, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ càng làm khan hiếm nguồn nước ngọt. Đồng thời, các địa phương cần khuyến cáo nông dân sản xuất lúa đông xuân ứng dụng tưới nước theo phương pháp tưới khô xen kẽ để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.