Thanh thiếu niên

Thanh niên cần thay đổi tư duy lập thân, lập nghiệp

Thứ Ba, 24/11/2015 | 08:20

Vấn đề lập thân, lập nghiệp luôn là mối quan tâm lớn nhất của thanh niên hiện nay. Thực tế cho thấy, hiện có quá nhiều vấn đề đòi hỏi thanh niên cần thay đổi tư duy trên con đường tìm kiếm sự thành công.

Các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: C.K

Một người bạn là giảng viên Trường đại học Bạc Liêu đã chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về cậu sinh viên mà mình giảng dạy. Đã bước vào năm thứ ba đại học, nhưng sinh viên ấy vẫn chưa có bất kỳ dự định nào cho tương lai. Em này từng tâm sự với cô giáo rằng: “Hồi học cấp ba, em học không giỏi nên chẳng biết thi vào ngành nghề nào và cũng chẳng ước mơ học ngành nghề nào hết. Thấy bạn đăng ký thi nên em đăng ký theo, ai ngờ thi đậu đại học, nhiều lúc em còn chưa tin đây là sự thật. Giờ chuẩn bị ra trường, em cũng chưa dự tính được gì”.

Không riêng gì sinh viên này, qua trò chuyện tìm hiểu, chúng tôi được biết có rất nhiều bạn trẻ ngay từ thời điểm xuất phát đã không có sự chuẩn bị kỹ càng. Theo các chuyên gia tư vấn, ngay từ lúc đặt bút đăng ký lựa chọn ngành nghề, các bạn trẻ cần suy nghĩ đến khả năng xin việc, ngành nghề nào phù hợp với học lực của mình, học nghề hay vào đại học, ra trường sẽ xin việc ở đâu, làm trong cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp, ngành nghề nào có thể hỗ trợ bạn tự lập nghiệp… Thay vì vậy, rất nhiều bạn trẻ hiện nay cứ đăng ký ngành học theo cảm tính. Và chính sự thụ động là một trong những nguyên nhân khiến sau 4 năm miệt mài trên giảng đường đại học, có không ít sinh viên ra trường không tìm được việc làm thì lại trở về ngay điểm xuất phát: bán kẹo kéo, bán quán cà phê, tiếp thị… Thậm chí, có bạn trẻ đã chua chát thốt lên rằng: “Biết vậy ngày xưa đừng đi học đại học, đi làm tiếp thị biết đâu giờ đã có một khoản tiền tích cóp kha khá. Học tốn biết bao nhiêu tiền, mà những kiến thức được học có vận dụng gì trong thực tế công việc hiện tại đâu?!”.

Điều mâu thuẫn là cũng có nhiều bạn trẻ lại cho rằng họ không có công việc ổn định là vì không được… học đại học(?). Tuy nhiên thực tế đã chứng minh, có rất nhiều những doanh nhân thành đạt xuất phát từ hai bàn tay trắng hoặc không được học hành đến nơi đến chốn. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò của việc học, bởi kiến thức luôn là nền tảng vững chắc cho sự thành công. Thế nhưng, con đường đến với sự thành công có rất nhiều cách, tùy theo điều kiện của mỗi người mà cố gắng vươn lên. Và ý chí nỗ lực của mỗi người là yếu tố chính để quyết định sự thành công.

Không riêng gì với học sinh - sinh viên, ngay cả thanh niên nông thôn cũng tỏ ra thụ động trên con đường lập nghiệp. Hầu như huyện nào trong tỉnh cũng có hơn 50% thanh niên rời quê đi làm công nhân tại các thành phố lớn. T.L, một thanh niên ở xã Tân Phong (thị xã Giá Rai) cho biết: “Làm kinh tế bây giờ khó khăn lắm, muốn làm một mô hình thì phải có nhiều vốn, rồi kỹ thuật, lại còn lo đầu ra cho sản phẩm, giá cả… Thay vì đầu tư tiền bạc vào đó mà chưa biết rủi may, thì đi làm công nhân chắc ăn hơn, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu”. Và cũng theo T.L, ở xã của bạn có rất nhiều thanh niên bắt tay vào làm kinh tế nhưng chỉ sau một lần thất bại đã nản chí. Từ những thực tế đó cho thấy, khi khởi nghiệp, thanh niên nông thôn chịu sự tác động rất nhiều từ rào cản bên ngoài và rất dễ dàng buông xuôi khi gặp khó khăn. Trong khi đó yếu tố cần thiết để làm kinh tế thành công thì ngoài sự nhạy bén, năng động, biết đón đầu, còn cần có sự nhẫn nại, kiên trì theo đuổi mục đích tới cùng…

Sự cạnh tranh cơ hội việc làm ngày càng gay gắt, vì vậy bên canh việc trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, đòi hỏi thanh niên cần chủ động nắm bắt cơ hội và tự tạo cơ hội cho chính mình. Và các trường phổ thông cũng cần những định hướng cho các bạn trẻ ngay từ những năm THCS, chứ không chỉ là những buổi tư vấn qua loa khi bước vào năm học cuối cấp ba.

TUẤN ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.