Con đường làm giàu từ biển

Thứ Tư, 25/11/2015 | 15:38

Bài 1: Sôi động từ nghị quyết… biển

 Với 56km bờ biển, ngư trường rộng 40.000km2 cùng với đa dạng mô hình kinh tế ven biển, Bạc Liêu có đầy đủ lợi thế để phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển và làm giàu từ biển. Sự giàu và mạnh đó không chỉ dành cho người dân vùng biển mà mục tiêu của tỉnh là xây dựng cả vùng Nam Quốc lộ 1A (QL1A) thành vùng kinh tế động lực, quyết định cho sự phát triển của tỉnh cả trước mắt và lâu dài.   

Nhờ đánh bắt xa bờ, ngư dân thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) thu được nhiều sản phẩm cá có giá trị kinh tế cao. Ảnh: L.D

Ngay khi tái lập tỉnh (năm 1997), Bạc Liêu đã ban hành 2 nghị quyết về phát triển kinh tế biển. Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh tiếp tục cho ra đời Nghị quyết 04 năm 2012 như đánh dấu một bước ngoặt mới trong mục tiêu  phát triển kinh tế biển và vùng Nam QL1A của tỉnh.

LỢI THẾ “TRỜI CHO”

Vùng Nam QL1A chiếm 35% diện tích tự nhiên và hơn 34% dân số toàn tỉnh. Vùng đất có mặt nước ven biển rộng 10.222ha, có bờ biển chạy dài 56km và ngư trường rộng đến 40.000km2. Vùng đặc quyền kinh tế của tỉnh đa dạng hải sản và hệ sinh thái biển điển hình, loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu chiếm khoảng 60% như: tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá lem, cá thu, cá dứa, cá rún, cá chim bàn… và nhóm cá nổi lớn. Dọc bờ biển Bạc Liêu có bốn cửa biển lớn là Gành Hào, Chùa Phật, Cái Cùng và Nhà Mát. Nuôi trồng và khai thác thủy sản là ngành kinh tế chủ lực của vùng. Giá trị sản xuất thủy sản chiếm 45% giá trị toàn vùng Nam QL1A, sản lượng thủy sản chiếm 72% sản lượng toàn tỉnh.

Ngoài nuôi trồng và khai thác thủy sản, khu vực ven biển và hơn 1,6 triệu héc-ta bãi bồi còn phát triển mạnh mô hình nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ và sản xuất muối. Nghề nuôi chim yến đang có chiều hướng phát triển mạnh dọc theo đê biển Bạc Liêu. Du lịch tâm linh với địa danh nổi tiếng Quán âm Phật đài, du lịch sinh thái Vườn nhãn, Nhà Mát… đã tạo nên thương hiệu Bạc Liêu trong lòng du khách cả nước. Thế mạnh kinh tế nổi trội này đang được tỉnh đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả và bền vững. Qua đó đã giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động mỗi năm ở vùng Nam QL1A.

Sau ngày tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, BCH Đảng bộ tỉnh đã lần lượt ban hành 3 nghị quyết về phát triển kinh tế biển (giai đoạn 1998 - 2005, 2005 - 2010, 2012 - 2015 và những năm tiếp theo). Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 09 (năm 2007) của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nghề khai thác biển và nuôi trồng thủy sản của tỉnh bắt đầu phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất toàn vùng kinh tế biển và khu vực phía Nam QL1A chiếm hơn 54% giá trị sản xuất toàn tỉnh.

XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ ĐỘNG LỰC

Không chỉ quan tâm nghề biển và kinh tế ven biển, Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển kinh tế biển và vùng Nam QL1A, giai đoạn 2012 - 2015 và những năm tiếp theo còn mở rộng mục tiêu xây dựng vùng Nam QL1A trở thành vùng kinh tế động lực. Phấn đấu để Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển và làm giàu từ biển, bảo đảm an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên vùng đặc quyền kinh tế biển và vùng phía Nam QL1A của tỉnh.

Từ những chủ trương, quyết sách đầy ấn tượng, hàng loạt công trình, dự án động lực đóng vai trò đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng và cả tỉnh đã lần lượt ghi dấu ấn. Vùng đất phía Nam QL1A, nhất là khu vực ven biển như phất lên một luồng gió mới. Hoạt động mời gọi đầu tư đã mang về cho kinh tế biển của tỉnh những công trình hàng ngàn tỷ đồng. Điển hình như Nhà máy điện gió Bạc Liêu, có tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào nửa đầu năm 2016 với 62 trụ tua-bin. Tỉnh đang hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục mở rộng quy mô đầu tư thêm 300MW điện. Ngoài ra, một nhà đầu tư Hàn Quốc đang xin đầu tư tiếp dự án điện gió trên phần bãi bồi ven biển thuộc địa bàn huyện Đông Hải.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng (gồm 2 giai đoạn), đã khai trương giai đoạn 1 từ đầu năm 2014. Dự án nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng cũng vừa được Tập đoàn Việt - Úc đưa vào hoạt động tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Song song đó, nhiều dự án trọng điểm được nghị quyết xác định đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào quy hoạch quốc gia, đã và đang triển khai thực hiện như: Cảng biển Gành Hào đạt quy mô cảng cá loại I vào năm 2018, Cụm kinh tế Gành Hào, hệ thống kè chống sạt lở cửa biển Gành Hào, Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng có công suất 1.200MW...

Cùng với đó, mạng lưới hạ tầng về du lịch, dịch vụ và lưu thông phân phối ở vùng Nam QL1A đã cơ bản hoàn thành. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp; dự án phòng chống biến đổi khí hậu; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá, bến cá đã và đang được đầu tư ở vùng ven biển. Tỉnh đã đưa vào sử dụng 3 trạm đèn tín hiệu báo bão ven biển phục vụ tàu đánh bắt gần bờ. Dự án khu tái định cư cho 915 hộ dân sinh sống trong rừng phòng hộ xung yếu và khu vực ngoài đê biển cũng đã được Chính phủ đồng ý hỗ trợ kinh phí. Và các dịch vụ hậu cần nghề cá như: cảng cá, cơ sở đóng tàu, cơ khí sửa chữa… hình thành ngày càng lớn mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu nghề khai thác biển của tỉnh. 

Vùng Nam QL1A của tỉnh còn có 33 nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư công nghệ đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, tổng công suất thiết kế 100.000 tấn/năm. Đồng thời có 2 nhà máy chế biến muối, tổng công suất gần 37.000 tấn/năm. Với tiềm năng, lợi thế và những gì Bạc Liêu đang làm cho thấy, mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển và làm giàu từ biển đang từng bước được hiện thực hóa.

TẤN ĐẠT

Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/2/2007 của BCH Trung ương về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.