Cuộc thi sẽ đi vào lịch sử nghệ thuật cải lương!

Thứ Tư, 25/11/2015 | 17:22

(Trích phát biểu của PGS Nguyễn Tất Thắng, nhà lý luận phê bình sân khấu, Chủ tịch Hội đồng giám khảo tại lễ bế mạc cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc - năm 2015)

Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc - 2015 đã thu hút tinh lực và nhiệt tình sáng tạo của hầu hết các đoàn, các nhà hát cải lương trên địa bàn toàn quốc từ Bắc chí Nam với 33 vở diễn, một số lượng lớn nhất so với các liên hoan, hội diễn, cuộc thi trước đây! Đây là một hiện tượng - có thể nói như vậy - của đời sống sân khấu cải lương, một kịch chủng có sức sống bền bỉ, có sức hấp dẫn mạnh mẽ tạo nên cảm hứng sáng tạo và thưởng thức, lúc thì thầm lặng lắng sâu khi lại vang động nổi sôi ở cuộc thi lần này, cuộc thi mà tôi tin rằng sẽ đi vào lịch sử của nghệ thuật cải lương nói riêng và sân khấu Việt Nam hiện đại nói chung.

Trước hết, cần phải ghi nhận sự phong phú đa dạng của cuộc thi, thể hiện ở đề tài của các vở diễn, trong đó đề tài hiện đại chiếm số lượng lớn nhất (20 vở), đề tài lịch sử (10 vở), đề tài dân gian (2 vở) và đề tài danh nhân văn hóa (1 vở). Điều đáng ghi nhận là trên sân khấu cuộc thi lần này không có vở diễn nào sa đà hoàn toàn vào những mô-típ tử biệt sinh ly, ái tình dang dở, giai nhân mắc nạn, anh hùng sa cơ… tạo nên sự bi lụy sướt mướt, đau thương não nề từng bị dư luận sân khấu và văn học phê phán... Song, những mô-típ ấy trên sân khấu cuộc thi lần này chỉ được sử dụng bằng biện pháp mỹ học nhằm phát huy thế mạnh của nghệ thuật cải lương, một nghệ thuật chú trọng đến hiệu quả gây xúc cảm nơi khán giả. Hiệu quả tình cảm và cảm xúc ấy được nâng lên ở cấp độ mới, đó là cấp độ trí tuệ, sự kết hợp hài hòa có thể nói nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố tình cảm và lý trí. Đó là điều đáng mừng của hiệu quả nghệ thuật mà đa số các vở dự thi đã đạt được, và sự kết hợp nhuần nhuyễn hài hòa giữa hai yếu tố nói trên đã làm nên tính hiện đại, cái linh hồn của nghệ thuật sân khấu! Nếu như cần xác định xu thế nghệ thuật nổi bật của sân khấu cải lương ở cuộc thi lần này thì ta có thể nói rằng đó là xu thế hiện đại hóa trên nền tảng truyền thống.

Ta hãy nhớ lại để suy ngẫm từ những vở diễn. Phải chăng cái chết của đứa con từng là lính cộng hòa tử biệt, rồi liền sau đó là cuộc chia tay sinh ly với đứa con gái út do chính người mẹ từng trải nghiệm đau thương đến nhận biết chân lý tự nguyện cho nó theo chân anh bộ đội giải phóng bị thương được bà cưu mang đã làm khán giả nặng lòng suy nghĩ về những mất mát, hy sinh, về sự “đột biến” từ cái bình thường đến cái anh hùng của những người mẹ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (vở “Quê hương và mẹ”). Phải chăng cái chết của người chiến sĩ trên chiếc võng (mà anh cùng nằm với các chiến hữu) sau khi anh đã hoàn thành được một việc có ý nghĩa thể hiện phẩm chất chiến đấu với kẻ thù trước kia và cuộc đấu tranh với những sai lầm của chính đồng đội hôm nay đã khiến người xem xúc động về thân phận và phẩm chất của những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam (vở “Bông mận trắng”). Người chiến sĩ đương đầu với kẻ thù bằng súng đạn trong cuộc chiến đấu hôm qua với bọn lâm tặc hôm nay ở chính nơi mà đồng đội của họ để lại hài cốt khiến cho đất rừng cổ thụ trở thành cõi thiêng trong cuộc sống tâm linh của con người đã khiến khán giả vừa xúc động nơi trái tim, vừa ray rứt nơi trí óc (vở “Cõi thiêng”)… Đó là linh hồn của các vở diễn đề tài hiện đại.

Một cảnh trong vở “Bóng biển” của Câu lạc bộ Dạ cổ hoài lang (Bạc Liêu). Ảnh: H.T

… Về đề tài lịch sử, sân khấu cuộc thi lần này được xem một số vở khai thác các sự kiện, nhân vật mà tại các hội diễn trước đã khai thác. Đó là các vở “Mai Hắc Đế”, “Đứng giữa trời xanh”, “Tình sử hai vương triều”, “Yêu là thoát tội”, “Vua thánh triều Lê”… Bên cạnh đó, một số nhân vật bấy lâu nay nằm im trong sử sách đã hiện diện trên sân khấu cuộc thi lần này. “Đào Duy Từ” trong vở cùng tên, Lê Văn Duyệt trong vở “Trung thần”… Cũng nói về cuộc sống con người quá khứ, các vở “Trạng làm quan”, “Con và người” đã lấy cảm hứng sáng tạo từ những chuyện dân gian… Có những vở theo xu thế hài hóa, có vở theo xu thế bi hóa nhưng tựu trung đều mang ý nghĩa lên án cái ác, đề cao cái thiện - một chủ đề muôn thuở của VH-NT nói chung và sân khấu nói riêng, nhưng ít nhiều vẫn có tính thời sự đối với thời đại hiện nay.

…Ở một số vở diễn đề tài hiện đại, nổi lên vấn đề về sự biến chuyển của nhân vật. Đây là một cái khó của nghệ thuật diễn kịch, bởi đó phải là phút biến chuyển trong sự phát triển tâm lý nội tại của bản thân nhân vật, chứ không phải sự can thiệp của lý trí nhà viết kịch. Đối với nghệ thuật cải lương thì tính biến chuyển nội tại này càng vô cùng quan trọng, bởi vì trong giây phút ấy nhân vật bộc lộ cái tôi trữ tình. Nếu cái tôi trữ tình không xuất phát từ ruột gan, trí não nhân vật thì câu hát kia chỉ là hát từ… cổ họng diễn viên, nghệ sĩ mà thôi, không có sức thuyết phục và truyền cảm.

Trên sân khấu cuộc thi, có một số kịch bản yếu, cũ kỹ! Sự lựa chọn kịch bản luôn là vấn đề nóng bỏng của tất cả các cuộc thi. Yêu cầu về một đội ngũ tác giả, còn gọi là soạn giả cải lương, có lẽ chưa phải là cấp bách trong thực tiễn hiện nay, bởi vì chúng ta có một số tác giả chuyển thể, với tay nghề vững vàng khả dĩ cải lương hóa được những kịch bản kịch nói. Song, yêu cầu về sự ra đời của những kịch bản có tố chất cải lương thì đang là cấp bách hiện nay! Nên chăng những cơ quan có trách nhiệm như Bộ VH-TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức các trại sáng tác kịch bản chuyên dành cho cải lương để cung cấp cho các đoàn dàn dựng tham dự các cuộc thi và để có vở diễn phục vụ khán giả…

Người ta thường nói: sân khấu là “thánh đường” để nhấn mạnh vào tính trang nghiêm và lịch lãm của nó, ngăn ngừa chủ nghĩa tự nhiên khiến cho sân khấu bị thô tục hóa, bạo lực hóa. Nhưng một số vở đã phạm vào điều này. Và tiếc là, vẫn còn những diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp mà không nhớ lời thoại; một số đơn vị trang bị hệ thống âm thanh âm lượng lớn át cả lời thoại và lời ca của diễn viên, nghệ sĩ; một số người ca còn thô và thậm chí lỡ nhịp…

Song, rất mừng là đa số diễn viên, nghệ sĩ đều ca tốt, đặc biệt có vài người ca hay đến mức điêu luyện, tạo nên cái đẹp, cái quyến rũ lòng người, nhất là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn, ca diễn như… chơi, rất thăng hoa. Tôi cảm tưởng rằng, không phải các diễn viên, nghệ sĩ này ca cải lương mà nghệ thuật cải lương đã nhập vào máu thịt, tâm can họ, giúp họ thể hiện cái thần, cái hồn, cái sức sống mạnh mẽ cùng với sự đắm say lòng người của cải lương.

Bạc Liêu đoạt 12 huy chương Vàng và Bạc

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 5 huy chương (HC) Vàng cho các vở diễn xuất sắc nhất gồm: “Tình sử hai vương triều” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), “Yêu là thoát tội” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Vòng xoáy” (Đoàn Cải lương Hương Tràm - tỉnh Cà Mau), “Vua Thánh triều Lê” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Chiến binh” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và trao 8 HC Bạc cho 8 vở diễn. Ở giải cá nhân, có 57 HC Vàng và 80 HC Bạc được trao cho các diễn viên.

Trong đó, Bạc Liêu có 2 vở diễn đạt HC Bạc là: “Quê hương và mẹ” (Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu) và “Đào Duy Từ” (Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh); 6 nghệ sĩ, diễn viên đoạt HC Vàng gồm: Ngọc Đợi, Anh Chàng, Diễm My, Nhật Thanh, Mỹ Hạnh và Giang Tuấn; 5 người đoạt HC Bạc.

 

QUỲNH ANH (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.