Tùy bút - Tản văn

Đam mê

Thứ Hai, 21/12/2015 | 17:29

Tôi biết chú Tư mười mấy, hai chục năm trước, vào buổi chiều chú hỏi tôi có về tới kinh Ngang không, cho chú quá giang. Tôi nói nhà tôi chưa tới kinh Ngang, nhưng chú về tới đâu tôi đưa tới đó. Chú Tư mỉm cười trên gương mặt mệt mỏi phần tuổi tác, phần chuyến đi từ đâu đó rất xa. Hành lý của chú, chỉ hai, ba cái va-li và mấy chiếc giỏ đệm, tất cả đều đã cũ. Riêng cây đờn kìm lúc nào cũng kè kè trên tay chú. Xuống xuồng, chú Tư chỉ người đi chung và nói với tôi: “Đây là thím, vợ chú”. Sở dĩ chú Tư giới thiệu với tôi vì người phụ nữ nhìn nhỏ hơn chú cả chục tuổi, dáng vẻ thị thành.

Chú nói, chú là người ở xóm này từ hồi nhỏ nên biết nhiều người lớn tuổi. Chú cầm đờn theo gánh hát mấy chục năm, thời còn chiến tranh chẳng mấy khi về thăm xứ sở. Bây giờ tuổi lớn, mệt mỏi trước sóng gió cuộc đời, muốn về quê vui cảnh an nhàn. Xuồng chống tới đâu, chú Tư nhìn hai bên bờ kinh vào mùa sậy trổ trắng bông như mái đầu của chú, từng miếng đất của người nào chú chỉ rành rọt. Chú còn nói, hồi xưa xóm này sung lắm, đường đất đỏ đi cả hai mùa mưa nắng… Mới đó mà vèo một cái, đã mấy chục năm. Đời người ngắn ngủi thiệt!

***

Hôm trên đường về nghe chú Tư nói chú theo gánh hát làm thầy tuồng, thầy đờn tôi đã mê trong bụng. Mấy năm sau tôi mới có dịp ghé lại căn nhà nhỏ của chú. Bước vào nhà đã thấy chú Tư ngồi xếp bằng lặng lẽ ở góc bộ vạc, nắn nót từng tiếng đờn, âm thanh rơi nằng nặng như mang theo nỗi u hoài. Có lẽ, đây cũng là cây đờn mấy năm trước tôi đã từng nhìn thấy.

Tôi hỏi thăm thím có ở nhà không, chú bật cười trong lúc ra nhà sau bưng lên một dĩa vừa khoai, vừa chuối luộc, chú nói - Cây trái trong vườn nhà đèo đọt, ăn chơi đỡ buồn… Bả về quê của bả lâu rồi, ở đây buồn quá, với lại qua cũng chẳng còn gì làm vui. Thôi, gặp bao nhiêu thì vui bấy nhiêu, đời vốn ngắn ngủi mà, kỳ kèo cũng chẳng được gì hơn. Mà nè, có biết đờn ca chút đỉnh gì hôn, huỡn ghé chơi với qua cho có bạn. Xóm mình vắng vẻ quá, thiệt buồn! 

Tôi giả lả, tuy ham đờn ca mà chỉ được cái ham nghe. Điều tôi muốn biết, hồi xưa làm thầy tuồng thì chú viết lách làm sao. Chú lại cười. Nghề dạy nghề, có trường lớp nào đâu. Có điều, Tổ chỉ dạy cho người mê nghề, ham học. Gánh hát qua theo là gánh bầu tèo, nghĩa là gánh nhỏ, chỉ hát đình, hát miễu, chợ nông thôn thôi. Lúc trốn nhà theo gánh hát, cái đầu tiên là ham vui, sau đó mới mê nghề. Nói vậy chớ bài bản, lớp lang vẫn phải đàng hoàng. Bài bản thì thầy đờn nào cũng rành rẽ, còn lớp lang thì sắp xếp sao cho nó bất ngờ, hấp dẫn thì nó hay. Chưa hay thì sửa lại. Lúc mùi thì mùi cho tới bến, làm sao cái kết hậu hỉ, sum họp, đoàn viên là ăn tiền rồi.

Cái hay, gọi là tay nghề của người ta là ở chỗ biết thêm thắt, sắp xếp làm sao cho có cái mới, cái lạ phù hợp với hoàn cảnh của tuồng tích, với thời đại. Muốn vậy phải có trình độ, hiểu biết càng rộng, càng nhiều càng tốt. Nhưng mà hiểu biết tới đâu mới gọi là nhiều, là đủ. Cho nên, học thì học mà cách thực tế nhất là đọc nhiều, nghe nhiều, xem người ta diễn cho nhiều, biết rút ra điều hay, lẽ phải rồi suy nghĩ, tạo tác thành cái của riêng mình. Sáng tạo vẫn là cái khó, cái quý. Nói nghe dễ mà có người cả đời làm không được. Như qua đây nè, nên cả đời cù bơ cù bất…

Chuyện là lần ông bầu gánh hát của qua mời cô đào ở Cần Thơ về đoàn chơi, tiếp hát vài đêm, gầy dựng tiếng tăm cho gánh hát. Cô Ba - tên thường gọi cô đào đó - bữa đầu chỉ xem, chưa tập tuồng nên chưa hát. Hôm sau cổ tới gặp qua. Cổ nói, tuồng đêm hôm cổ xem rồi, cổ muốn thêm hai câu vọng cổ trong màn chót sẽ do cô hát. Cổ nói, anh Tư là thầy đờn, tôi nhờ anh Tư việc này cho tiện. Dĩ nhiên qua đồng ý.

Tối ngày hôm đó qua mới viết xong hai câu vọng cổ cô Ba yêu cầu. Viết thì chẳng bao lâu, có điều trong bụng qua muốn viết cho thiệt hay cho cô Ba thích mới khổ thân chớ! Viết xong, cô Ba xem qua không sửa chữ nào, còn cười rồi nói: “Anh Tư mướt tay ghê, viết mùi dữ à!”... Rồi qua ngồi đờn cho cô Ba hát tới, hát lui cho thuộc. Qua nhớ, lúc thuộc bài xong, cô Ba tặng qua gói thuốc thơm. Không nỡ hút, qua để dành cho tới mốc. Sáng kiến của cô Ba tuy nhỏ nhưng đã làm cho vở tuồng thêm mùi mẫn, khán giả thích chí. Nhưng qua mới là người âm thầm đứt ruột, đứt gan. Đời làm tuồng được người đẹp mà nổi tiếng như cô Ba hát lại còn khen thì vui sướng nào bằng.

Cô Ba hát có mấy bữa mà khán giả đông nghẹt, chen dạt mê bồ. Sau mấy đêm hát cô Ba cũng về Cần Thơ. Bữa về, cô Ba mời lơi một tiếng, lòng qua trăn trở dữ dằn, rồi một tháng sau qua khăn gói, xách đờn kìm lên Cần Thơ, theo gánh cô Ba hát. Đó, là bà về đây cùng qua mấy năm trước, chú em biết mặt rồi mà! Thấy thì thấy chớ biết ai là ai đâu, phải hôn? Đâu phải dân trong nghề với lại thời nổi đình, nổi đám ngắn ngủi đã qua lâu lắm rồi. Qua thì thôi, níu kéo được gì, có điều cả đời sao nó mắc nhớ hoài chuyện đó. Đã là nghiệp, một đời bỏ hổng được, chú em ơi! Giờ một mình ngồi nhớ những người quen thân, nhớ kỷ niệm xưa rồi để một mình buồn. Thi thoảng, mang đờn ra, tưởng như lúc còn đờn bài này, bản nọ, trong đó có những câu, những nhịp rút ruột viết ra để gởi gắm lòng mình, mấy ai còn nhớ?

Tiếng đờn, lời ca mang theo ký ức, kỷ niệm buồn vui của không ít người dành cả cuộc đời vì những điều thầm lặng mà lung linh như ánh đèn sân khấu. Người ta nói cuộc đời như sân khấu, sân khấu cũng là cuộc đời. Đó là chuyện lớn, chớ như qua đây, chỉ vì trót mê cái nghiệp "xướng ca vô loài" nên đời đã sẵn buồn, đã sẵn cô đơn…

Tháng mười hai, hai ngàn mười lăm

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.