Ngành Nông nghiệp Bạc Liêu: Những thành tựu trong năm 2015

Thứ Bảy, 26/12/2015 | 09:14

Năm 2015, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đạt được những kết quả vượt bậc trên các lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp. Giá trị sản xuất lúa, tôm, muối không ngừng được nâng cao về năng suất, chất lượng. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến ra đời… Qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và khẳng định thương hiệu các mặt hàng nông sản Bạc Liêu.

* Thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc (Bạc Liêu).

* Nông dân tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ

Những kết quả nổi bật

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một trong những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế của Bạc Liêu. Trong năm 2015, tổng diện tích NTTS hơn 130.500ha, đạt 99,5% kế hoạch và đạt hơn 100,62% so với năm trước. Sản lượng NTTS là 191.584 tấn, đạt 104,12% kế hoạch. Trong đó, sản lượng tôm 104.532 tấn, đạt hơn 100% kế hoạch năm. Diện tích lúa gieo trồng 177.441ha, đạt 97,66% kế hoạch; tổng sản lượng hơn 1 triệu tấn, đạt hơn 99,5% kế  hoạch. Về chăn nuôi, tổng đàn heo là 239.470 con; 2.730 con trâu, bò; 3.176 con dê. Đàn gia cầm gồm 2.677.793 con; trong đó gà 1.109.047 con,  vịt 1.568.746 con, đạt 102,99% kế hoạch. Sản lượng thịt hơi các loại gần 39.000 tấn, sản lượng trứng gia cầm 61,76 triệu quả, đạt 101,25% kế hoạch.

Về lâm nghiệp, tổng diện tích đất lâm phần gồm 6.173,3ha; trong đó diện tích có rừng 3.179ha (rừng phòng hộ ven biển 2.906ha, rừng đặc dụng 217,6ha, rừng sản xuất 55,4ha); diện tích NTTS và đất chuyên dùng 1.022,3ha. Độ che phủ của rừng, cây phân tán và cây lâu năm chiếm 12,18% diện tích tự nhiên.

Toàn tỉnh có 2.647ha đất sản xuất muối (có 80ha  trải bạt), năng suất bình quân 55,87 tấn/ha; sản lượng muối đạt 153.876 tấn. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang trình UBND tỉnh phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành muối tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Toàn tỉnh có 33 nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản với tổng công suất khoảng 100.000 tấn/năm. Sản lượng chế biến thủy sản 4.825 tấn (trong đó tôm 4.748 tấn), sản lượng thủy sản xuất bán 10.012 tấn (trong đó tôm 9.927 tấn). Sản lượng gạo chế biến, xuất khẩu lương thực xuất bán hơn 6.000 tấn. Sản lượng muối mua vào 2.000 tấn, chế biến bán ra 3.000 tấn.

Một trong những thành tựu nổi bật của ngành Nông nghiệp là chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tỉnh đã huy động từ các nguồn vốn để đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho chương trình XDNTM. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa lộ giao thông nông thôn; xây cầu nông thôn; nạo vét kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng. Xây dựng, nâng cấp, sửa chữa trường học, trạm y tế, chợ nông thôn; nhà văn hóa ấp… Từ đó, năm 2015 có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí XDNTM; 9 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 19 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 11 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.

Những mô hình hiệu quả

Điển hình trên lĩnh vực nông nghiệp phải kể đến mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) và sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 15 điểm mô hình CĐML với tổng diện tích 1.689ha, có 1.361 hộ nông dân tham gia. Chi phí sản xuất giảm 2,3 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng gần 3 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Hướng tới, tỉnh quy hoạch xây dựng các cánh đồng lớn; đồng thời chỉ đạo các huyện, thị tiếp tục đầu tư, xây dựng vùng sản xuất lúa với quy mô lớn, chọn 2 - 3 giống chủ lực, có sự liên kết “4 nhà”. Theo đó, hướng đến xây dựng vùng lúa nguyên liệu hàng hóa ổn định; hình thành liên kết cộng đồng nhân dân; tạo mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc đầu tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra...

Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng mô hình cánh đồng tôm mẫu (CĐTM) ở huyện Đông Hải. Mô hình này nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến; bình quân nông dân lãi từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ lãi từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm. Huyện Đông Hải đang nhân rộng mô hình CĐTM ở các xã Long Điền, Long Điền Tây… Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết: “Từ hiệu quả của mô hình CĐTM, huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT nhân rộng mô hình ở các xã trong toàn huyện. Qua đó, tạo vùng tôm nguyên liệu và thuận lợi trong việc ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ tôm”.

Mô hình CĐTM là một hướng đi bền vững cho người nuôi tôm. Mô hình này vừa hạn chế dịch bệnh phát sinh, vừa tăng năng suất, cải thiện cũng như hạn chế sự ô nhiễm môi trường nước. Song song đó, việc liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân sẽ giải quyết đầu ra sản phẩm, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Nổi bật hơn hết là khát vọng nâng tầm con tôm Việt của Tập đoàn Việt - Úc (Bạc Liêu). Năm 2015, đơn vị này đã triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Đây là mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, được Bộ NN&PTNT đánh giá cao. Mô hình này được Tập đoàn Việt - Úc triển khai tại ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) với diện tích 50ha (gồm hơn 410 ao nuôi), mật độ thả 200 - 500 con/m2, năng suất mỗi ao đạt từ 2 - 4 tấn, tương đương 40 - 80 tấn/ha/vụ, 120 - 240 tấn/ha/năm…

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Năm 2015, ngành Nông nghiệp tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề để nông nghiệp Bạc Liêu tiếp tục phát triển trong năm 2016. Trong đó, tập trung chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt, mô hình CĐML, CĐTM sẽ được tiếp tục nhân rộng; ngành Nông nghiệp tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu nông sản cho nông dân. Đồng thời tiếp tục đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho bà con. Xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân…”.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.