Đồng hành cùng nhà nông

Tập trung chỉ đạo sản xuất giúp nông dân giảm rủi ro

Thứ Ba, 26/01/2016 | 08:15

Tính lại chuyện thu nhập cho một năm vất vả với ruộng đồng, nhiều nông dân cho rằng, năm 2015 nông nghiệp vẫn chưa tạo được đột phá, sản xuất còn gặp nhiều rủi ro, lợi nhuận giảm. Và cho đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được mô hình sản xuất gọi là bền vững.

* Nông dân huyện Vĩnh Lợi cấy dặm lúa đông xuân.

* Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch lúa thu đông.

Ảnh: Tú Anh

Lợi nhuận thấp

Trong sản xuất nông nghiệp, lợi nhuận thấp, rủi ro cao là nỗi lo của nhiều nông dân. Bởi, cùng với những nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai gây bất lợi cho sản xuất... lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn chưa tạo được những đột phá mới. Nhiều mô hình gần như bão hòa và bắt đầu xuất hiện những khó khăn do chính quá trình sản xuất tạo ra, nảy sinh hàng loạt thách thức làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Đơn cử như vụ lúa đông xuân - vụ được xem là cho năng suất, lợi nhuận cao nhất trong năm, nhưng lợi nhuận mang lại chỉ 16,39 triệu đồng/ha. Hay ở vụ hè thu, lợi nhuận chỉ 12,12 triệu đồng/ha... Còn mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha vẫn là mơ ước của nhiều nông dân. Đó là lợi nhuận đạt được trong điều kiện thuận mùa, còn nếu gặp phải thiên tai, dịch bệnh thì nông dân cầm chắc thua lỗ. Như năm 2015, chỉ riêng tình trạng nắng nóng cũng gây hại hơn 8.056ha lúa (ước thiệt hại về tiền hơn 88,60 tỷ đồng).

Ngoài những nguyên nhân trên, chi phí đầu vào tăng, nhất là giá vật tư nông nghiệp cứ leo thang làm cho lợi nhuận của nông dân giảm, đặc biệt là tình trạng mua vật tư theo kiểu “ăn trước trả sau”, bởi mua theo kiểu này thì giá vật tư luôn cao hơn giá trị trường…

Đầu vào đã gặp khó, nhưng đầu ra cho hạt lúa lại còn khó khăn hơn. Phần lớn nông dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua thương lái và dễ bị vướng vào các chiêu trò chèn ép về giá bán của bọn gian thương.

Quản lý chưa tốt

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, thế mạnh mũi nhọn của Bạc Liêu vẫn là sản xuất nông nghiệp, và Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu sản xuất trong năm 2016”. Do vậy, việc tổ chức lại sản xuất phải được tập trung và làm tốt, chứ không thể dừng lại ở khẩu hiệu chung chung. Việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã được Chính phủ ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg từ năm 2013; Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 156/QĐ-UBND vào tháng 2/2014 về kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thế nhưng, chỉ có huyện Vĩnh Lợi là xây dựng được Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và tập trung thực hiện đề án này. Còn nhiều địa phương khác vẫn chưa làm được. Vậy, sản xuất nông nghiệp làm sao có thể phát triển bền vững và làm gì có thể tạo ra giá trị gia tăng?”.

Thực trạng trên cho thấy, công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất ở một số địa phương vẫn chưa thật sự làm tốt; nhiều nơi còn coi trọng việc thống kê, báo cáo hơn khảo sát, điều tra thực tế; chưa nắm bắt kịp thời những mâu thuẫn, khó khăn phát sinh hay chủ động kiến nghị với ngành quản lý, lãnh đạo tỉnh những cách làm, mô hình hay giúp nông dân phát triển sản xuất...

Năm 2016, tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất mà nội dung chính là tập trung cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thay đổi mô hình tăng trưởng. Vì thế, các địa phương cần tập trung chỉ đạo sản xuất và xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương mình. Không trông chờ, ỷ lại hoặc áp dụng những kế hoạch mang tính định hướng, giải pháp chung chung, mà phải cụ thể cho từng lĩnh vực. Đây sẽ là động lực quan trọng cho thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu. Đồng thời, cũng là giải pháp quan trọng giúp nông dân giảm bớt rủi ro, tăng thêm lợi nhuận...

KIM TRUNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.