Tiễn biệt “vua vọng cổ” Viễn Châu…

Thứ Tư, 03/02/2016 | 17:31

Nhận được tin “vua vọng cổ” - soạn giả Viễn Châu qua đời, dù ông đã ở tuổi 92, giới mộ điệu vẫn xúc động khi tiễn biệt một người tài hoa, một tâm hồn lớn dành trọn cho nghệ thuật! Tôi mặc niệm trước sự ra đi ấy bằng cách bình tâm lắng lòng nghe lại những tuyệt tác vọng cổ của ông, vậy mà vẫn không cầm được lòng mình theo từng lời ca tiếng hát ông để lại cho cuộc đời này…

Soạn giả Viễn Châu năm 2010. Ảnh: Huy Thái

Năm 2010, trong một chuyến công tác ở TP. HCM, tôi được diện kiến người mình mến mộ bấy lâu - soạn giả Viễn Châu, ông Bảy Bá tài hoa của xứ Trà Vinh. Đã ngoài 80, vậy mà ông vẫn đầy “lửa” khi nói về chuyện sáng tác. Ông không nói nhiều về cái tài mà đặt nặng cái “tâm” khi cầm bút viết vọng cổ. Chắc là vì bằng tấm lòng như thế mà Tình anh bán chiếu, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Lá trầu xanh, Anh đi xa cách quê nhà… của ông đã làm say lòng biết bao thế  hệ - những người  từng nghe những bài vọng cổ ký bút danh Viễn Châu!

Chuyến đi ấy có nhiều người công tác ở Sở VH-TT&DL Bạc Liêu, trong đó có anh Nguyễn Huy Thái, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, người rất mộ điệu nghệ thuật đờn ca tài tử, vọng cổ. Thế nên, được diện kiến soạn giả Viễn Châu, ai cũng muốn nghe ông nói chuyện nghiệp đờn ca. Cái nghiệp đã gắn bó đời ông để ông trở thành người góp công lớn trong hành trình mở rộng con đường nghệ thuật cho đờn ca tài tử Nam bộ, người khai sinh thể loại tân cổ giao duyên thịnh hành và phát triển rực rỡ đến hôm nay. Tôi và anh Huy Thái thay phiên nhau chụp chung ảnh lưu niệm với soạn giả mình mến mộ. Những bức ảnh tôi vô cùng trân trọng!

Những bài báo viết về sự ra đi của soạn giả Viễn Châu, đa số đều nhắc đến một sáng tác ông viết cho riêng mình, bản “Anh không chết đâu em”, tôi và anh Huy Thái có diễm phúc lớn là đã được đích thân chú Bảy Bá (xin cho tôi được gọi tên soạn giả Viễn Châu bằng cách gọi thân thương ấy) hát rành rọt bên tai từng câu từng chữ: “Sau khi tôi nhắm mắt xuôi tay trở về cát bụi, thì trong những hàng tri âm tri kỷ có ai sẽ tiễn đưa tôi ra nơi nghĩa địa… Rồi một chiều nào khi nắng tắt hoàng hôn có người con gái tìm đường vào nghĩa địa, tay ôm chặt một vòng hoa trắng tìm đến bên mồ nức nở khóc than… Nằm dưới mồ nghe những tiếng khóc than, tôi tỉnh giấc và giật mình sống lại, tung mồ dậy ôm chặt người con gái và bảo nhỏ rằng, anh không chết đâu em…”. Lời bài ca dù pha chút hài, lúc ấy, tôi vẫn chạnh buồn nghĩ về cái ngày ông ra đi…

Vậy mà, bây giờ điều đó đã trở thành sự thật! Xin tiễn biệt một người đã góp công lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam. Chú Bảy Bá ra đi nhưng những “đứa con tinh thần” được chắt chiu bằng tâm hồn, trái tim và khối óc tài hoa - hàng ngàn bài vọng cổ và vở cải lương sẽ mãi còn ở lại với đời và ngân nga trong lòng người mộ điệu!

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.