Về quê ăn tết

Thứ Tư, 03/02/2016 | 17:32

Còn đang quấn trong chăn ấm vì tôi mới chợp mắt lúc hơn 1 giờ sáng. Đêm Giao thừa vừa trôi qua chưa bao lâu, mới sáng bảnh mắt, đứa con gái đã vào kéo chân: “Ba à, dậy sửa soạn về quê ăn tết đi ba! Đi sớm để ở được lâu ba ơi”. Còn đang muốn ngủ nướng thêm chút nữa, nhưng nghe lời đề nghị quá hợp lý của con, tôi bèn lật đật ngồi dậy. Thoảng trong gian phòng, tôi nghe mùi nhang thơm và mùi bánh tét chiên thơm nức… À, thì ra vợ mình đã thắp hương bàn thờ ông bà, và chuẩn bị mâm cơm sáng mùng Một. Tết rồi!...

Trước tết, công việc khiến tôi bù đầu bù cổ với bao nhiệm vụ. Mọi việc trong nhà tôi đều trông nhờ vào sự vén khéo của vợ. Thủy cũng là viên chức Nhà nước như tôi, nhưng cô ấy ít việc hơn nên có thể tranh thủ được. Còn tôi cứ lao vào vòng xoáy cơm - áo - gạo - tiền, rồi nhiệm vụ phân công các thứ, nên tết sát một bên mà tôi vẫn cứ thờ ơ. Cho đến một buổi sáng nọ, bước ra quét cái sân, thấy lá rơi nhiều hơn. Rồi tan buổi chiều, trên đường chạy xe về nhà, nghe trong gió có mùi gì khang khác, quất tới tấp vào mặt bao nhiêu là bụi, tôi mới ngờ ngợ. À, gió chướng đã về tự bao giờ… Cái thứ gió làm cho lòng người nao nao đến lạ. Không để ý thì thôi, chứ khi nhận ra rồi, gió chướng được ví như một “đặc sản” của tết, dấu hiệu đầu tiên cho biết mùa xuân đang phả hơi thở ngày càng gần đến với muôn sinh. Bao nhiêu cảm xúc cứ ùa về. Miên man…

Nhớ năm ngoái, gia đình tôi cũng về quê đón tết cùng bên nội. Dù đã đi vỏ lãi nhiều lần rồi, nhưng lần nào thằng bé nhà tôi cũng biểu lộ niềm phấn khích. Nó cứ chỉ tay lên hai bên bờ sông hỏi cái này cái kia, rồi cười khanh khách. Tiếng cười giòn tan khi ôm con trai vào lòng trong lúc di chuyển trên sông, gió cứ thế thổi tung mái tóc trẻ thơ… Tiếng cười như đi vào tiềm thức, để đến khi mỗi độ gió chướng về lại mang theo hình ảnh ấy, âm thanh ấy kéo tôi đi giữa quá khứ và hiện tại đan xen. Ừ thì, về quê ăn tết! Không gian của sông nước, miệt vườn sẽ làm cân bằng nhịp sống xô bồ nơi phố thị. Tạm gác lại bao lo toan thường nhật, về để cho những nếp quê tắm tưới tâm hồn, để tình cảm gia đình được mặn mà hơn, con cháu còn nhớ về nguồn cội. Và hơn bao giờ hết, tết là khoảng thời gian để hâm nóng cảm xúc yêu thương của từng thành viên trong gia đình. Bởi tôi luôn quan niệm rằng: “Người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Đó là gia đình”. Khi yêu thương được đong đầy, cái “tổ” của mỗi người sẽ luôn được giữ ấm, để ngày nào cũng luôn là “tết”, chứ không chỉ đợi đến mùa xuân chạm ngõ!

Tết quê có niềm vui thú riêng, khác hẳn với tết chợ. Nhưng cho dù đón tết ở đâu, chỉ cần được đoàn viên thì đó là cái tết ấm áp nhất mà mỗi người đều hướng đến. Tôi sống cùng vợ con ở chợ, nên đã thành thông lệ, cứ đến mồng Một, sau khi đã lễ nghi, hương khói bàn thờ ông bà bên vợ xong, vợ chồng tôi cùng con cái tay xách nách mang lỉnh kỉnh các thứ về quê nội sắp nhỏ. Các thức quà bánh ở chợ thì người ở quê có thể làm được gần hết. Nhưng, sống bằng cái tình, cái nghĩa sao cho đặng đôi đường, thì dăm ba ký bánh, vài thùng nước ngọt, vậy cũng đã là tết rồi, cũng làm cho họ hàng nhớ nhau. Tôi đang nghĩ đến cảnh mấy đứa nhỏ nhà tôi sẽ xúm xít cùng mấy đứa cháu trong dòng họ, bu quanh mấy bà, mấy cô, thím để xem làm bánh tết. Thường thì về quê, tụi nhỏ sẽ được thưởng thức mứt dừa, kẹo chuối đậm mùi “cây nhà lá vườn”. Thứ bánh kẹo ở quê đôi khi không đẹp mắt bằng những món bánh cầu kỳ ở chợ, nhưng các thức quà ấy luôn làm cho người ta thấy đong đầy tình thương yêu. Sắp nhỏ nhà tôi chưa từng trải nghiệm ngồi canh lửa cho nồi bánh tét, chờ bánh chín rồi vớt lên cho ráo nước, kịp đến giờ giao thừa mà có bánh cúng ông bà. Tiếng tí tách của thanh củi cháy hừng hực dưới nồi bánh nghe như réo gọi. Chúng tôi ngày ấy vẫn luôn thích thú khi nhìn từng nhóm lửa nhảy múa trong lò, hắt thứ ánh sáng màu vàng cam trên từng gương mặt háo hức. Tết là vậy, niềm vui đơn giản nhưng dễ mấy mà tìm lại cho được khoảnh khắc đó. Cái thời mà chỉ có đợi đến ba ngày tết, trẻ con mới được ông bà, cha mẹ nấu thịt kho hột vịt, bánh tét cho ăn. Còn bây giờ, bước ra chợ là lúc nào cũng có bánh tét, dưa hấu, làm cho không khí của tết mất đi phần nào mùi vị đặc trưng mà thiêng liêng…

Mấy đứa nhỏ bây giờ chỉ còn được xem bà đổ bánh bông lan đãi khách đến nhà vào ba ngày tết. Khoảng 27 - 28 tết, truyền thống bên vợ tôi là bà ngoại sắp nhỏ bắt tay nào bột, nào trứng, đường, khuôn các thứ để làm vài trăm cái bánh bông lan. Vài chục để đãi đằng khách khứa, còn lại chia mỗi nhà vài chục ăn lấy thảo gọi là. Từng chiếc bánh nở đều trong khuôn, vàng ươm vì được canh đều lửa, đặt mộc mạc trong khay bánh trên bàn trà nước. Tôi cũng bảo vợ, ít mua bánh ngoài chợ vì không mấy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên mấy mẹ con hì hục làm bánh, mứt cho mấy ngày tết.

…“Anh à! Thắp hương cho bàn thờ rồi mình về quê nha anh. Em chuẩn bị xong hết rồi”, tiếng của vợ làm tôi bừng tỉnh sau cơn miên man. Đêm qua, chúng tôi cũng ngồi tâm sự suốt cả đêm để tổng kết xem năm qua mình đã làm được những gì và năm mới sẽ bắt tay cho những kế hoạch mới ra sao. Vòng xoáy cuộc sống cũng đã cuốn vợ chồng tôi trôi qua những phút giây tâm tình bên nhau. Chính những thời khắc đoàn viên như thế này, chúng tôi mới càng trân trọng tình cảm keo sơn của vợ chồng. Dẫu có trải qua giông tố cuộc đời ở bên ngoài, nhưng gia đình vẫn là chốn ấm áp, bình yên nhất dành cho mỗi chúng ta. “Ừ! Mình về quê đón tết nghe em. Mấy đứa nhỏ chắc nôn nao lắm rồi!”…

Song Thiên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.