TÁI CƠ CẤU SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP: NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ Năm, 18/02/2016 | 08:18

Một trong những mục tiêu chiến lược của Bạc Liêu từ nay đến năm 2020 là tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để hoàn thành mục tiêu này, Bạc Liêu đã xây dựng hoàn thành nhiều đề án tái cơ cấu cùng với một quyết tâm cao độ là làm thay đổi căn bản nền sản xuất lâu nay bằng sản xuất hàng hóa lớn và sản phẩm tạo ra được kết tinh nhiều “chất xám” đem lại lợi nhuận cao.

THAY ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT: Thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp lần này thật sự là một cuộc cách mạng toàn diện. Bởi với thế mạnh kinh tế mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp trong hiện tại và tương lai, việc thay đổi mô hình tăng trưởng có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây vừa là động lực nhưng cũng là tiền đề to lớn để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp không ngừng ở việc thay đổi cây trồng, vật nuôi hay việc phát triển thêm các mô hình mà chính là tập trung nâng cao giá trị sản phẩm và tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Đó là những mô hình cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha và nông dân phải giàu lên trên đồng đất của mình.

Với hai sản phẩm chủ lực là cây lúa và con tôm, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư về chiều sâu, thay vì mở rộng diện tích sản xuất như trước đây. Đặc biệt sẽ xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các tiêu chuẩn của quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó là sản xuất chuyên canh theo quy trình khép kín và khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sản xuất.

Để thực hiện mục tiêu này, năm 2016 Bạc Liêu sẽ tập trung điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất không chỉ đến năm 2020 mà đến cả năm 2030. Đồng thời tranh thủ và huy động nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông, điện… đảm bảo phục vụ tốt cho phát triển sản xuất.

Cụ thể đối với cây lúa, sẽ hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao từ 2 - 3 vụ lúa/năm ở vùng ngọt ổn định với diện tích hơn 56.300ha. Trong đó, chủ yếu sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm cho giá trị kinh tế cao và đảm bảo về đầu ra. Đối với nuôi trồng thủy sản, ngoài con tôm sú và tôm thẻ chân trắng là vật nuôi chủ lực, sẽ tập trung phát triển thêm các mô hình và các loài thủy sản cho giá kinh tế cao khác như: tôm càng xanh, cua biển, cá kèo, cá bống tượng, cá chình, sò huyết, nghêu, artemia... Cùng với con tôm và cây lúa, năm 2016 ngành Nông nghiệp cũng tập trung tái cơ cấu toàn diện các thế mạnh về chăn nuôi, sản xuất muối, lâm nghiệp...

Sự thay đổi mô hình tăng trưởng chuyển từ số lượng sang chất lượng, từ sản xuất tự phát sang sản xuất theo yêu cầu của thị trường, sản xuất theo đơn đặt hàng và mạnh dạn loại bỏ mô hình sản xuất kém hiệu quả sẽ là tiền đề quan trọng cho việc hình thành và xây dựng nên những mô hình sản xuất đột phá mới.

Thả tôm giống nuôi trong nhà kính tại Công ty Việt Úc.

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT

Để thực hiện thành công tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Bạc Liêu cũng xác định phải làm tốt và phát huy cho được mối liên kết “bốn nhà”. Trong đó, đóng vai trò quan trọng và mang yếu tố quyết định cho sự thành công của tái cơ cấu là khai thác có hiệu quả kinh nghiệm quản lý, nguồn lực tài chính và công nghệ sản xuất hiện đại của các doanh nghiệp. Do vậy, Bạc Liêu đã khuyến khích Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc - Hồng Dân (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) mở rộng quy mô liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn có diện tích gieo trồng phát triển trên 90.500ha, với sản lượng bao tiêu hơn 520.370 tấn. Đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, với diện tích gieo trồng hơn 59.700ha và thu hút khoảng 56.000 nông dân tham gia. Bên cạnh đó còn có các công ty như: Công ty Lương thực Bạc Liêu, Công ty Quốc Tế Gia cũng sẽ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích hàng trăm héc-ta ở các xã vùng ngọt thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Riêng con tôm xuất khẩu, bước đầu cũng xây dựng thành công mô hình liên kết sản xuất giữa Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản Thiên Phú (thị xã Giá Rai) và nông dân xã Định Thành (huyện Đông Hải) với diện tích hơn 200ha. Với mô hình liên kết này, sản phẩm nông dân tạo ra được bao tiêu và giá thu mua luôn cao hơn thị trường từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Sự liên kết sản xuất này được nhân rộng trong năm 2016, vì không chỉ có nông dân được lợi, mà bản thân doanh nghiệp cũng tạo cho mình được “thẻ thông hành” trước những yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

XÂY DỰNG CHUỖI GIÁ TRỊ

Với quá trình hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng và chấp nhận những luật chơi chung như hiện nay, sản xuất nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, rủi ro. Vì thế, việc tạo nên một chỗ dựa vững chắc cho người nông dân, doanh nghiệp và hướng đến phát triển bền vững đã trở thành vấn đề sống còn của tái cơ cấu. Trong đó, xây dựng vững chắc chuỗi giá trị có một ý nghĩa chiến lược và không thể thiếu trong thực hiện thành công mục tiêu này. Đó là sự tập hợp của các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ đầu vào đến đầu ra. Đơn cử như trong sản xuất lúa, nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng và doanh nghiệp cung ứng toàn bộ vật tư nông nghiệp, giống, kỹ thuật và cả khâu thu hoạch, bao tiêu sản phẩm. Chuỗi giá trị này sẽ làm giảm các phân khúc của thị trường không đáng có, tăng thêm lợi nhuận và đảm bảo hàng hóa sản xuất cho chất lượng cao. Mặt khác, khi chuỗi giá trị hình thành sẽ giúp nông dân và cả doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tránh rủi ro và cầm chắc lợi nhuận.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng muốn phát huy được vai trò của chuỗi giá trị và góp phần cho thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, yếu tố cần và không thể thiếu là cùng với phát huy vai trò của liên doanh, liên kết phải có sự tham gia điều tiết của Nhà nước về cơ chế, chính sách và đặc biệt là phát huy vai trò của liên kết vùng. Bởi các địa phương chỉ là một chuỗi nhỏ hay chỉ đảm nhiệm “một đoạn” của chuỗi liên kết. Cụ thể, Bạc Liêu không thể tự định giá cho hàng nông, thủy sản mà phải tham gia sân chơi của ĐBSCL hay cả nước. Đầu ra của hàng nông, thủy sản chỉ có làm tốt liên kết mới tạo được tiếng nói chung, tránh cảnh tranh mua tranh bán và bị chi phối từ các yếu tố bên ngoài. Hay chuỗi giá trị khi được liên kết chặt chẽ sẽ góp phần khai thác có hiệu quả ở các khâu có lợi trong chuỗi và tác động tích cực đến sản xuất. Như trong chuỗi cung ứng dịch vụ, thông qua mô hình liên kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng và ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khi doanh nghiệp có lợi cũng đồng nghĩa với việc nông dân tăng thêm lợi nhuận vì cùng chung một chuỗi giá trị.

Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị đã trở thành xu thế tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Năm 2016, Bạc Liêu tập trung làm tốt công tác này với mục tiêu xây dựng nên những chuỗi giá trị vững chắc và phát triển bền vững.

Lư Dũng

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.