Tùy bút - Tản văn

Màu trang vở cũ

Thứ Hai, 29/02/2016 | 16:46

Cặp theo con lung, cậu Năm Lượm ra công đắp bờ ruộng thiệt rộng, thiệt cao, định bụng làm con lộ đất đỏ cho mấy đứa nhỏ đi học hàng ngày. Đám học sinh ngày hai buổi bơi xuồng đi học, đến nhà cậu Năm đậu xuồng ở đó, í ới gọi nhau trên con lộ phẳng lì. Ven bờ, cậu Năm trồng bình bát, vừa giữ bờ, lấy bóng mát mà lại có củi chụm, đỡ phải vô rừng kiếm củi như trước nữa.

Con lộ nhỏ trước nhà cậu Năm hoàn thành, đám học trò đi học làm không gian trước nhà cậu cũng rộn ràng, vui vẻ hơn ở một vùng đất yên ắng đến lặng lẽ quanh năm. Cậu Năm có đứa con gái - Tuyền, năm đó, 15 - 17 tuổi cũng bắt đầu đi học. Con cháu được đến trường là niềm mơ ước, khát khao của mọi gia đình nơi đây lúc đất nước vừa hoàn toàn giải phóng. Cậu Năm mơ ước, nỗi mơ ước đến cháy lòng, là Tuyền sau này được làm cô giáo tại ngôi trường mới cất này thì gia đình cậu mãn nguyện rồi. Có lần cậu Năm nói ước mơ này với thầy giáo. Thầy giáo rất vui nhưng cũng giải thích rằng, để làm được công việc đó Tuyền cần nhiều thời gian. Phải học thêm nhiều, còn học sư phạm nữa mới dạy được. Thầy bây giờ chỉ là người biết trước chỉ cho người biết sau, tạm thời vậy thôi chớ sau này không được phép.

“Nói vậy là thầy đâu có tính ở đây lâu dạy cho đám nhỏ học hả?”. Có điều gì đó hụt hẫng trong lòng để lại khoảng lặng rất lâu. Cậu Năm nói, tưởng đâu thầy có dự định ở lại đây dạy học, lối xóm nhường đất cho thầy làm ruộng, lập vườn, cất nhà sống an nhàn trong tình thương yêu, quý mến của bà con. Xóm này đó giờ không có thầy, nhất là thầy thuốc, thầy giáo nên ai cũng mong…  

Từ ngày học trò đậu xuồng dưới bực sông nhà cậu Năm để đi học, cậu Năm để thêm cán gáo múc nước trên nắp lu chứa nước mưa trước hàng ba. Loay hoay, năm ba bữa chuyền nước từ nhà sau châm vào. Học trò uống, ông thầy cũng uống. Bữa nào có ở nhà, cậu Năm mời thầy vào nhà uống nước trà, nhưng lần nào thầy cũng từ chối, bởi thầy phải quá giang xuồng của học trò về tận xóm trong.

Ngôi trường, thật ra là lớp học của ấp, đơn sơ lắm. Một căn nhà trên bờ ruộng, dài 7 - 8 thước, ngang 3 - 4 thước, lợp, dừng bằng lá dừa nước. Khóa học bắt đầu khi mùa cấy đã xong, màu xanh phủ rợp trên cánh đồng bao la. Lớp có hai dãy bàn, mỗi bên năm bộ bằng cây chà là cặm xuống đất. Mặt bàn bằng ván be xuồng cũ do nhiều gia đình góp lại, ghép so le, hụt đầu ló đuôi. Bàn và ghế ngồi của thầy cũng vậy. Có tấm bảng treo không rõ màu ở đầu song. Lớp học là công sức của nhiều người, ai cũng vui. Thi thoảng, xuồng nào bơi ngang cũng ngừng tay bơi để nghe học trò đọc bài vang vang một đoạn đường.

***

Ba năm, học trò học hết lớp ba thì đều hết lớp, ra trường. Trước hôm thầy về chợ, hết thảy học sinh đều có mặt ở nhà cậu Năm để liên hoan đưa tiễn thầy. Cả 2 - 3 đứa học chưa hết lớp đã nghỉ học để lập gia đình. Thi thoảng gặp thầy trên đường, gật đầu chào rồi ngượng nghịu quay sang chỗ khác. Người góp một ít, bày biện nhiều món ăn rôm rả như một tiệc cưới vốn vẫn thấy ở xóm này. Không đủ gia vị nhưng món nào cũng lạ, cũng ngon so với bữa cơm hàng ngày. Bữa tiệc gần tàn, cây đờn phím lõm được mang ra, ai cũng muốn hát một bài, một bản vắn tặng thầy. Cậu Năm hát, ông thầy cũng hát. Ai không thuộc lời thì mượn quyển vở của Tuyền vừa xem, vừa hát.

Tuyền có quyển vở học trò 200 trang chép những bài ca cổ, những bản vắn, những đoạn cải lương hay mà Tuyền nghe hàng ngày trên radio đã thuộc. Quyển vở có nhiều nét chữ, màu mực khác nhau bởi do nhiều người viết. Quyển vở đã chuyền tay nhau, bạn bè thuộc bài nào, đoạn nào thì chép vào để tặng nhau thay cho trang lưu bút. Chữ viết nắn nót, nghiêng nghiêng, nổi bật hơn vẫn là màu mực tím. Cách vài trang lại có tấm ảnh phong cảnh hay của nghệ sĩ nào đó cắt lại từ một tờ báo cũ hay vẽ một con bươm bướm, một cành hoa... Nhìn quyển vở đã biết, Tuyền nắn nót, chăm chút quyển vở đã rất lâu rồi.

Buổi liên hoan càng lúc càng hào hứng, sôi nổi, thật ra trong lòng buồn nhiều hơn vui, bởi ai cũng đang trước buổi chia tay và ai cũng muốn góp phần vào hình ảnh đó. Lúc sau, Tuyền cầm quyển vở bằng hai tay đưa trước mặt thầy và nói rằng, xin tặng thầy mang theo về chợ để nhớ mấy đứa học trò ở đây. Chia tay thầy, ở đây không có gì tặng thầy làm kỷ niệm, chỉ mong thầy đừng quên. Không gian bỗng yên ắng như vốn có của một vùng quê lặng lẽ với bao niềm khát khao, mong ước bao đời…

***

Thầy nhận quyển vở học trò từ vùng quê xa và chưa lần nào trở lại. Bao nhiêu năm thầy lật từng trang, còn đó màu nắng bờ sông như màu trang vở cũ, màu rơm rạ, màu cánh đồng xanh, những mái lá liêu xiêu, dòng kinh nho nhỏ… Hình ảnh lớp học ngày nào, tiếng ê, a một khúc sông còn vang trong ký ức. Thầy mượn những bài ca, bản vắn trong quyển vở làm mẫu tập viết bài ca. Nhiều bài được phát trên đài phát thanh, truyền hình, có người trong đám học trò cũ nhận ra tên thầy. Điều thật lạ mà thầy cũng không để ý tới là chưa có bài ca nào viết về vùng quê mà thầy đã dặn lòng không thể nào quên…

Tháng hai, hai ngàn mười sáu

 Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.