Thực hiện dự án nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi: Hiệu quả đến đâu?

Thứ Tư, 20/04/2016 | 15:10

Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã mở ra cơ hội cho người lao động thu nhập thấp có điều kiện an cư. Đồng thời, “giải băng” cho thị trường bất động sản và tạo sức mua, việc làm cho ngành xây dựng. Thế nhưng, tiếp cận với chính sách này là chuyện không dễ, và việc không mua được nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi trở thành nỗi trăn trở của nhiều người.

* Thi công nhà ở xã hội tại khu dân cư Tràng An (phường 7, TP. Bạc Liêu).

* Nhà ở xã hội được xây dựng khang trang tại khu dân cư Tràng An.

Ảnh: Tú Anh

Chỉ giải ngân cho 1 doanh nghiệp

Nghị quyết số 02 ra đời thật sự mang lại nhiều niềm vui và hy vọng cho những lao động có thu nhập thấp. Bạc Liêu có đến 5 dự án được Bộ Xây dựng đề xuất danh mục vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 02 từ gói 30.000 tỷ đồng với tổng vốn đề xuất cho vay 140 tỷ đồng. Người mua nhà được tiếp cận gói hỗ trợ này với lãi suất 5%/năm và trả trong vòng 15 năm. Tuy nhiên, trong 5 dự án trên, chỉ có duy nhất Công ty Cổ phần Xây dựng và kinh doanh bất động sản Bạc Liêu được vay 8 tỷ đồng từ Ngân hàng NN&PTNT, chiếm tỷ lệ khoảng 6%, còn lại 4 doanh nghiệp khác gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Long, Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư Tràng An, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hoàng Phát và Công ty TNHH Xây dựng Thiên Phúc đều không tiếp cận được nguồn vốn vay.

Nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn là do doanh nghiệp còn nợ đọng, chưa chứng minh được năng lực tài chính, hồ sơ thực hiện các dự án chưa hoàn thành, chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nhưng lại không hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục chuyển đổi…

Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thông báo dừng tái cấp vốn cho vay hỗ trợ lãi suất từ gói 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 31/3/2016, thì trước đó, một số doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội đã ký hợp đồng mua bán nhà ở và cam kết khách hàng được vay vốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Đơn cử như Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư Tràng An, từ ngày 30/3/2016 công ty này đã ký hợp đồng bán nhà cho nhiều khách hàng và ai cũng tin chắc sẽ được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng. Vì vậy, công ty đã có công văn gửi UBND tỉnh, Sở Xây dựng và NHNN Việt Nam - chi nhánh tỉnh xem xét, giải quyết cho các trường hợp công ty đã ký hợp đồng được vay gói ưu đãi. UBND tỉnh cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và NHNN Việt Nam xem xét kéo dài thời gian cho địa phương tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất mua nhà.

Theo ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc NHNN Việt Nam - chi nhánh Bạc Liêu: “Nhiều địa phương đã kiến nghị Chính phủ, NHNN Việt Nam kéo dài việc hỗ trợ lãi suất cho đến ngày 1/6/2016 trong trường hợp chưa giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng. Song, theo thống kê của NHNN Việt Nam, đến tháng 3/2016, số tiền cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội đã vượt hơn 30.000 tỷ đồng. Do vậy, NHNN Việt Nam yêu cầu các ngân hàng dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31/3/2016 đối với toàn bộ khách hàng. Đồng thời, tập trung giải ngân các hợp đồng đã ký với khách hàng theo quy định của pháp luật”.

Chớ để doanh nghiệp “xí đất”

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp không tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi này là do năng lực của doanh nghiệp. Trong đó, có cả việc tài chính thiếu minh bạch, không đủ khả năng thực hiện dự án nhưng vẫn cố tình chạy dự án và để… treo dự án! Trong 5 dự án tham gia xây dựng nhà ở xã hội, có dự án đến nay chưa xây dựng được gì và sắp hết hạn phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư!

Thực tế cho thấy, nhà đầu tư thiếu năng lực sẽ tạo nên nhiều hệ lụy và gây lãng phí lớn. Đó là chuyện nhà đầu tư lách luật bằng cách sang nhượng dự án cho người khác thông qua các hợp đồng thi công các công trình của dự án và để cho đơn vị thi công kinh doanh, còn mình thì ngồi không hưởng lợi. Nếu ngành quản lý có kiểm tra thì họ cũng chứng minh được dự án đang thi công.

Kiểu “xí đất” nhằm “té nước theo mưa” này chẳng mất gì, có mất là Nhà nước bị thất thu. Bởi, khi đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội thì nhà đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, được tiếp cận và hỗ trợ lãi suất ưu đãi từ các chương trình tín dụng…

Đó là chưa nói đến những hệ lụy và những bất cập về xã hội, như những người lao động có thu nhập thấp đáng lẽ có điều kiện an cư từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thì họ mất đi cơ hội có nhà ở ổn định chỉ vì năng lực yếu kém của doanh nghiệp không thực hiện được dự án. Đồng thời làm cho những doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực không thể chen chân khi dự án đã bị “xí phần”. Ở một số dự án hiện nay, doanh nghiệp chỉ lo phần kinh doanh bán nhà mà quên đi trách nhiệm đầu tư hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thoát nước, cây xanh…

Bạc Liêu đã có nhiều trường hợp doanh nghiệp lợi dụng các chính sách ưu đãi để “xí đất” mưu lợi. Bài học này cần được ngành quản lý quan tâm, nhất là việc thẩm định năng lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư để tránh xảy ra những vụ việc tương tự trong tương lai.

LƯ DŨNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.