Tiêu điểm

Chung tay giữ rừng

Thứ Hai, 02/05/2016 | 16:29

Trước sức mạnh của sóng biển, rừng phòng hộ ở Bạc Liêu bị xâm thực ngày càng nhiều. Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần làm giảm biến đổi khí hậu, vậy mà “lá phổi xanh” vẫn đang bị bào mòn từng ngày.

Cán bộ kiểm lâm tỉnh cùng người dân tuần tra bảo vệ rừng ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Ảnh: P.Đ

Rừng bị xâm thực

Rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu từ lâu là lá chắn tự nhiên ngăn triều cường, chống sạt lở đất và điều hòa khí hậu. Tuy nhiên, những năm gần đây, rừng ngày càng bị thu hẹp bởi sự xâm thực từ sóng biển. Từng con sóng dữ đánh mạnh vào bờ làm bật gốc cây và thế là rừng chết dần.

Anh Nguyễn Văn Lâm, hộ dân nhận khoán đất rừng, cho biết: “Những năm gần đây, nước biển dâng cao, sóng đánh vào bờ cũng mạnh hơn trước. Rừng xung yếu tiếp giáp với biển bị ảnh hưởng nhiều. Rừng bị biển lấn dần đang là thực trạng đáng lo ngại”.

Theo thống kê của ngành Kiểm lâm tỉnh, năm 2012, diện tích rừng của Bạc Liêu là 4.400ha, tuy nhiên hiện nay, diện tích này giảm xuống còn 3.898ha. Có những nơi mỗi năm biển lấn rừng từ 10 - 30m. Nguyên nhân chính được xác định là do hiện tượng nóng lên toàn cầu làm nước biển dâng, dòng chảy và hướng gió của biển thay đổi. Bên cạnh đó, biển lở và bồi không còn theo mùa như trước. Kết quả là cây rừng tiếp giáp với biển chịu tác động mạnh.

Trong tương lai, nếu rừng phòng hộ xung yếu tiếp tục mất đi thì dải đất ven biển Bạc Liêu sẽ phải “đưa lưng” cho sóng đánh. Điều này đồng nghĩa với việc xói mòn đất sẽ nhanh chóng cuốn trôi mọi thứ ra biển, đe dọa tài nguyên thiên nhiên và ảnh hưởng cuộc sống của hằng trăm hộ dân nhận khoán rừng.

Tổ tự quản rừng phòng hộ về an ninh trật tự ở xã Vĩnh Thịnh. Ảnh: P.Đ

Chung tay giữ rừng

Trước thực trạng mất rừng do biển xâm thực, ngành quản lý đã có biện pháp để kịp thời giữ kho “vàng xanh” quý giá. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Biến đổi khí hậu đã làm các quốc gia có rừng ngập mặn chịu ảnh hưởng lớn. Đối với hiện tượng xâm thực rừng hiện nay, ngành Nông nghiệp đã thực hiện 3 dự án chống biến đổi khí hậu để bảo vệ rừng. Qua đó, một hệ thống kè chắn đê mềm được xây dựng để giảm sóng đánh vào bờ. Đồng thời rừng sẽ được trồng phục hồi trên bãi bồi. Các dự án này đang được triển khai từ điểm giáp huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải)”. Giải pháp giữ rừng đã có, vấn đề chỉ còn lại là thời gian.

Trên thực tế, bảo vệ rừng ngập mặn không phải là chuyện dễ, bởi rừng luôn chịu tác động vào biển. Đặc biệt, những người làm công tác kiểm lâm hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như phương tiện để tuần tra bảo vệ rừng. Nhiều trạm kiểm lâm đã xuống cấp ảnh hưởng đến công tác giữ rừng của cán bộ, nhất là trong mùa mưa bão. Lực lượng kiểm lâm còn thưa - chỉ 50 người nhưng phải bảo vệ hàng ngàn héc-ta rừng. Trong khi rừng ngập mặn lại khó tuần tra kiểm soát, nhất là từ phía biển.

Mặc dù đời sống cán bộ kiểm lâm còn gian nan, vất vả nhưng các anh đã không ngừng sáng tạo và có nhiều cách làm hay để hoàn thành nhiệm vụ. Điển hình như mới đây, ngành Kiểm lâm tỉnh vận động người dân thành lập mô hình Tổ tự quản rừng phòng hộ về an ninh trật tự. Với 10 tổ gồm 212 hộ dân tham gia, phong trào giữ rừng và giữ gìn an ninh trật tự trong rừng phòng hộ mang lại hiệu quả cao.

Anh Trần Đức Hoạt, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Kinh Tế (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) nói: “Điểm mạnh của mô hình Tổ tự quản rừng phòng hộ về an ninh trật tự là vận động người dân cùng giữ rừng và cùng nhau bảo vệ an ninh trật tự trong khu vực. Nhờ vậy mà nạn trộm cắp đã bớt hẳn, vụ việc chặt phá rừng cũng giảm xuống”.

Với những mô hình mang lại hiệu quả thực tiễn và giải pháp chống xâm thực rừng lâu dài, chúng ta có thể tin rằng, trong một tương lai gần, rừng Bạc Liêu sẽ phục hồi phát tiển và lấn dần bãi bồi.

Những lợi ích quan trọng của rừng ngập mặn

- Rừng ngập mặn có tác dụng làm chậm dòng chảy và phát tán rộng nước triều. Nhờ hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất của các loài đước, vẹt, mắm, và bần cản sóng cát, tích lũy phù sa cùng mùn bã thực vật tại chỗ, nên chúng có tác dụng làm chậm dòng chảy và thích nghi với mực nước biển dâng. Nhờ các trụ mầm (cây con) và quả, hạt có khả năng sống dài ngày trong nước nên cây ngập mặn có thể phát tán rộng vào đất liền khi nước biển dâng làm ngập các vùng đất đó.

- Rừng ngập mặn có tác dụng làm giảm mạnh độ cao của sóng khi triều cường và hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm. Nhờ có nhiều kênh rạch cùng với hệ rễ cây chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng nên hạn chế dòng chảy vào nội địa khi triều cường.

- Rừng ngập mặn còn là nơi bảo vệ các động vật khi nước triều dâng và sóng lớn. Nhiều loài động vật đáy sống trong hang hoặc trên mặt bùn khi thời tiết bất lợi, nước triều cao, sóng lớn đã trèo lên cây để tránh sóng như cá, các loài còng, ốc. Khi lặng gió và triều xuống thấp chúng trở lại nơi sống cũ. Do đó tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng ngập mặn tương đối ổn định. Nhờ các mùn bã được phân hủy tại chỗ và các chất thải do sông mang đến được phân giải nhanh tạo ra nguồn thức ăn phong phú, thuận lợi cho sự hồi phục và phát triển của động vật sau thiên tai…

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.