Phóng sự - Ký sự

Bạc Liêu trong tim người tha hương

Thứ Sáu, 06/05/2016 | 16:29

Đã 5 năm rồi, Francis Le mới có dịp về thăm lại Bạc Liêu. Vùng đất mẹ hiền hòa, chan chứa tình yêu thương đã một thời “tắm mát” tâm hồn và tuổi thơ, vẫn vẹn nguyên trong anh ngày hội ngộ. Những ngày du lịch ở Bạc Liêu quá ngắn ngủi, song cũng đủ để người con tha hương tìm về những kỷ niệm ngọt ngào, tận hưởng vẻ đẹp quê hương đang vươn mình đổi mới để thêm tự hào, thêm mến yêu quê cha, đất tổ...

Tôi và Francis Le - một tác giả thơ ở bang Texas (Mỹ) quen biết nhau nhờ mạng xã hội. Tôi mến anh vì sự thân thiện, vui tính qua đôi lần trò chuyện, và thật sự ấn tượng bởi tình cảm đặc biệt anh dành cho Bạc Liêu. Bởi thế, tôi luôn thắc mắc vì sao tình yêu anh dành cho quê mình lại da diết, mãnh liệt đến thế? Và bất ngờ thay, miền đất mà tôi say sưa, tự hào mỗi khi nhắc đến cũng chính là nơi “chôn nhau, cắt rốn” của anh.

Francis Le tên Việt Nam là Lê Văn Thuận. Anh sinh ra ở phường 5 (TP. Bạc Liêu), nhưng sống và lập nghiệp ở bang Texas. Hơn 20 năm sống nơi đất khách, song đất mẹ Bạc Liêu vẫn luôn in dấu trong tim khiến anh đau đáu ngày trở về. Dẫu không hề quen thân, nhưng khi biết là đồng hương với nhau, nên tôi rất háo hức tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch trong những ngày anh về lại Bạc Liêu.

Anh Lê Văn Thuận tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá “miền đất hứa” khi trời còn sớm tinh mơ. Từ thành phố đi về hướng Đông hơn 10 cây số, chúng tôi men theo con lộ nhựa của xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) tìm đến “cánh đồng” điện gió ven biển. Lúc này, bình minh cũng bắt đầu ló dạng, in bóng những cánh quạt khổng lồ xuống bãi phù sa. Rồi tôi kể cho anh nghe về tiến độ xây dựng công trình, những tiềm năng và lợi thế của điện gió với sự phát triển của Bạc Liêu. Anh liền bảo, ở bang Texas cũng có trại phong điện Roscoe hùng vĩ tạo ra nguồn năng lượng xanh vô tận, chỉ khác nhau ở chỗ, điện gió của Bạc Liêu nằm ven bờ biển thơ mộng, còn trại phong điện của Texas trải dài theo vùng đồng bằng. Vì vậy, mỗi lần ngắm những tua-bin điện gió ở Texas thì trong lòng anh lại trào dâng nỗi nhớ quê nhà.

Rời “cánh đồng” điện gió, chúng tôi tạt qua khu Quán âm Phật đài (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) để chiêm bái. Tôi hớn hở cho anh hay, nơi đây vừa được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu 2015 và đang xây dựng công trình Núi Quan âm vô cùng hoành tráng. Ngược về nội ô TP. Bạc Liêu, chúng tôi ghé thăm Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Trong ngôi nhà truyền thống, sau khi xem hết các hiện vật, hình ảnh về đờn ca tài tử, anh cứ dán chặt mắt vào ảnh những bậc tiền bối đã có công khai sáng, phát triển cổ nhạc và đờn ca tài tử. Hai mắt như rưng rưng, anh chỉ tay vào ảnh nghệ nhân Nhạc Khị (Lê Tài Khí) - Hậu tổ cổ nhạc, bảo đấy là ông cố, còn “thần đồng” cổ nhạc - Ba Chột (Lê Văn Túc) là ông nội của mình. Rồi anh quay sang cái tủ kính trưng bày cây đờn sến ba dây, ngậm ngùi nói: “Lúc sinh thời, ông nội tôi rất yêu quý và xem loại nhạc cụ này như một bảo vật. Tiếng đờn da diết của ông đã từng làm say đắm biết bao người. Nhiều người truyền tai nhau rằng, đờn sến ba dây được nhiều nghệ nhân sử dụng nhưng tiếng đờn kỳ diệu của nghệ nhân Ba Chột đã không tồn tại khi ông qua đời”. Để chứng minh những lời vừa kể, anh dẫn tôi đến thăm mộ tổ tiên trong một con hẻm nhỏ của phường 5. Thêm một lần nữa, tôi lại bất ngờ về thân thế của anh.

Như muốn khoe hết vẻ đẹp tiềm ẩn của Bạc Liêu, tôi mời anh chiêm ngưỡng thành phố về đêm từ độ cao của nóc tòa Tower Bạc Liêu 18 tầng. Chúng tôi phóng tầm mắt khắp các con đường của thành phố. Trong ánh đèn lung linh, nhiều công trình quy mô, những tòa nhà cao tầng mọc san sát nhau làm cho thành phố thêm hiện đại và trẻ trung. Anh thắc mắc, vì sao phố phường lại náo nhiệt và lộng lẫy như vậy? Tôi bảo, phần vì người đi chơi lễ, phần vì Bạc Liêu đang cùng với các tỉnh, thành phố cả nước chuẩn bị đón chào ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nên đường phố mới thêm phần sôi động như thế.

Ngày hôm sau, tôi đưa anh đến tham quan Khu nhà cổ Công tử Bạc Liêu. Những hiện vật, câu chuyện về cuộc đời thực và giai thoại lẫy lừng một thời của Hắc Công tử đã cuốn hút người con xa quê hương khá lâu. Rồi anh bông đùa: “Ước gì tôi được làm Công tử Bạc Liêu một ngày chắc oai lắm nhỉ!”. Chiều xuống, sau khi thưởng thức các món ăn mang đặc trưng văn hóa ẩm thực Bạc Liêu, chúng tôi đến Quảng trường Hùng Vương dạo mát và chiêm ngưỡng vẻ đẹp các công trình văn hóa, lịch sử. Anh tấm tắc khen: “Bạc Liêu đang chuyển mình đi lên mạnh mẽ với những công trình “thế kỷ”. Có về mới thấy hết quê mình đẹp làm sao!”.

Dẫu ở nơi xa xôi miền đất khách, nhưng đau đáu trong anh là mối tình quê luôn đậm đà, sâu sắc. Tình yêu quê hương da diết cũng như chính những vần thơ mà anh đã bật ra trong lúc Bạc Liêu vẫn còn quá xa nửa vòng trái đất: “Yêu sao cầu khỉ đi về/ Yêu đôi guốc mộc đêm hè sáng trăng… Yêu hương lúa chín đồng quê/ Yêu bông điên điển, cá trê nướng đồng…”. Lời thơ hay như chính khúc tâm tình của Francis Le cũng làm cho chính tôi - một người con của Bạc Liêu cảm thấy yêu hơn miền đất quê mình.

Ba ngày cùng anh làm chuyến du lịch “mini” trong mùa lễ hội đã để lại trong tôi một cảm giác thật đặc biệt, rằng Bạc Liêu vẫn là miền nhớ của những người con tha hương. Và không biết tự bao giờ, Bạc Liêu đã trở thành “giấc mơ tình yêu” trong tâm khảm biết bao con người!

Hữu Thọ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.