Cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn

Thứ Hai, 09/05/2016 | 14:25

Hạn hán kéo dài và nước mặn xâm nhập làm thiệt hại sản xuất và xáo trộn sinh hoạt, đời sống của người dân. Trước tình hình trên, Nhà nước đã đề ra những giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Sau khi kiểm tra thực tế tình hình hạn, mặn, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và huyện Hồng Dân. Ảnh: M.Đ

Hiện nay, các tuyến kênh nội đồng ở khu vực tam giác Ninh Quới (huyện Hồng Dân) gần như cạn nước, không thể phục vụ sản xuất cũng như chăn nuôi. Để cứu vụ lúa hè thu sớm, nông dân ở khu vực này đang bơm lên ruộng những giọt nước ít ỏi để hy vọng cứu được trà lúa.

Anh Nguyễn Văn Bích (ấp Ninh An, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) có 4 công lúa hè thu sớm đang chết dần vì thiếu nước. Mặc dù biết rằng nguồn nước trên kênh nhiễm phèn, mặn, nhưng anh Bích vẫn phải bơm vào ruộng. Theo anh Bích: “Nếu 4 công lúa hè thu sớm bị thiệt hại, tôi mất trắng hơn 8 triệu đồng”.

Từ trước đến nay, nông dân sống trong vùng ngọt huyện Hồng Dân chưa gặp cảnh thiếu nước ngọt như thế này. Các hộ chăn nuôi heo, gà, vịt cũng gặp khốn đốn. Nguồn nước trên kênh không có nên việc vệ sinh chuồng trại gặp không ít khó khăn.

Anh Võ Quốc Việt (ấp Ninh An) - người nuôi hơn 40 con heo và gần 100 con gà, vịt, cho biết: “Tôi phải dùng nước sinh hoạt để phục vụ chăn nuôi. Buổi sáng, giếng khoan nhà tôi còn bơm được nước, còn buổi chiều thì bơm không có nước do mực nước ngầm tụt giảm”.

Trong chuyến thị sát tại huyện Hồng Dân và tại buổi họp giao ban về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn (tổ chức ở tỉnh Sóc Trăng), Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tiếp tục triển khai nghiêm túc các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc thực hiện các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn. Các tỉnh, thành phải xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Xâm nhập mặn có khả năng còn diễn biến phức tạp, vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn. Tổ chức kiểm tra, đo đạc, dự báo độ mặn, kịp thời vận hành các công trình thủy lợi để lấy nước, tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm phục vụ sản xuất, dân sinh. Cần tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới lúa hè thu sớm đã xuống giống. Các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định cần xem xét khi xuống giống; chỉ xuống giống khi bảo đảm đủ nước tưới. Các vùng đang bị nhiễm mặn và không có nguồn nước ngọt thì phải chờ mưa mới xuống giống.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ động vận hành hiệu quả các công trình đã triển khai xây dựng; cần liên kết giữa các tỉnh với nhau để huy động nguồn lực trong việc ứng phó với hạn, mặn. Đồng thời các tỉnh sớm giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ để người dân khôi phục sản xuất. Đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường bổ sung kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó cụ thể trong từng giai đoạn. Xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, trung hạn, hàng năm đối với các dự án chống biến đổi khí hậu. Bộ NN&PTNT chủ động lựa chọn, ưu tiên làm ngay những công trình cấp thiết phòng chống xâm nhập mặn; tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu…

Minh Đạt

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Chỉ thị số 09/CT-TTg nêu rõ, đến nay 9/13 tỉnh, thành phố với gần 40% diện tích ĐBSCL bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, gần 200.000ha lúa đông xuân và vườn cây ăn trái bị thiệt hại, 155.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Trong thời gian tới, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt ở ĐBSCL, có thể kéo dài tới tháng 6, gây thiệt hại cho sản xuất, nguy cơ thiếu nước ngọt trên diện rộng.

Để chủ động ứng phó, hạn chế khó khăn, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương theo dõi sát tình hình, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ĐBSCL tập trung bảo đảm đời sống nhân dân, tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ thiếu đói, thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ kịp thời theo quy định.

UBND các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp như lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước, chở nước ngọt cung cấp cho người dân… nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhân dân và hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học. Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh dẫn tới bùng phát dịch bệnh. Triển khai các biện pháp cấp bách phù hợp với điều kiện từng địa phương để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn như chủ động vận hành hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn, nạo vét kênh rạch, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm khoanh vùng ngăn mặn, giữ ngọt… bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản.

Chỉ thị cũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tổng hợp, rà soát nhu cầu hỗ trợ gạo cứu đói, kinh phí phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương; khuyến cáo người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh để đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường giám sát bảo đảm an toàn môi trường, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh do tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn…

Do tình hình xâm nhập mặn sâu hơn so với dự báo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ nhân dân, khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình thủy lợi nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống sạt lở ven biển bảo đảm hiệu quả…

M.C

(lược trích Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.