Mô hình tôm - rừng: Tôm thoi thóp chết vì nắng nóng

Thứ Ba, 10/05/2016 | 09:32

Thời gian qua, hạn hán, nắng nóng kéo dài đã làm thiệt hại nhiều diện tích tôm nuôi dưới tán rừng (mô hình tôm - rừng). Tôm chết, gần 397 hộ dân nhận khoán đất lâm phần (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Ông Hàn Lê - hộ dân nhận khoán đất rừng phòng hộ (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) thực hiện mô hình tôm - rừng. Ảnh: P.Đ

Mô hình tôm - rừng được nhiều hộ nhận khoán đất lâm phần (xã Vĩnh Thịnh) thực hiện. Mô hình này chủ yếu dựa vào thiên nhiên, ít vốn đầu tư, cho thu nhập khá, mang lại hiệu quả bền vững. Tuy nhiên hiện nay, do nắng nóng kéo dài đã làm cho nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại.

Ông Hàn Lê (xã Vĩnh Thịnh) - người có hơn 20 năm nhận khoán đất lâm phần để trồng rừng và nuôi tôm, than thở: “Tôi nhận khoán 4ha rừng và nuôi tôm, nhưng chưa năm nào tôm chết nhiều như năm nay. Nguyên nhân tôm chết là do nắng nóng kéo dài, lá rừng rụng nhiều làm nước dưới tán cây bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của tôm. Những năm trước, mỗi con nước xổ tôm tôi có thể thu vài triệu đồng, nhưng giờ chỉ thu vài trăm ngàn đồng”.

Ngoài ra, tài nguyên biển bị tàn phá cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến con tôm dưới tán rừng. Anh Nguyễn Văn Lâm (xã Vĩnh Thịnh) cho rằng: “Trước đây, người nuôi tôm dưới tán rừng chỉ lấy nước vào ao, tận dụng nguồn tôm giống có sẵn, tới con nước là xổ tôm. Bây giờ con giống từ thiên nhiên không còn nên người nuôi phải gánh thêm nhiều khoản chi phí. Nước biển giờ cũng không còn sạch như trước nên ảnh hưởng sự phát triển của con tôm”.

Tôm - rừng là mô hình phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thiên nhiên của rừng, của biển. Vì vậy, biến đổi khí hậu và nước biển ô nhiễm đã tác động không nhỏ đến mô hình này. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Bạc Liêu có 3.897ha rừng, trong đó có 3.089ha rừng được giao khoán cho 397 hộ. Bên cạnh nhiệm vụ chính là giữ rừng thì bà con được phép sử dụng một phần diện tích để nuôi trồng thủy sản, phát triển mô hình tôm - rừng. Song, hiện trạng tôm chết là đáng lo”.

Theo ông Nguyễn Duy Hân, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình, để mô hình tôm - rừng đạt hiệu quả, bà con cần làm tốt các khâu như: Sên vét lớp bùn dưới đáy ao với độ sâu từ 20 - 30cm; tránh vét quá sâu vì đất mặn thường có một tầng phèn tiềm ẩn. Rửa đất sạch phèn và xử lý nước ao thật kỹ trước khi thả tôm, tốt nhất là tạo sự chênh lệch mực nước trong ao và ngoài ao từ 0,7 - 1m nước. Chọn tôm giống khỏe mạnh và thuần trước khi thả... Cần chú ý màu nước ao nuôi, nếu nước có màu nâu đen là do tảo giáp gây ra, tảo này có thể làm ô nhiễm nên phải xả nước ra vào liên tục để xử lý. Ngoài ra, cần cân bằng lượng thức ăn thiên nhiên cho tôm và chú ý khâu quản lý dịch bệnh vì đang trong mùa nắng nóng.

Mô hình tôm - rừng có tiếp tục bền vững hay không còn tùy thuộc vào sự thay đổi phương thức sản xuất của bà con. Thiết nghĩ, ngành quản lý cần mở những lớp tập huấn kỹ thuật để giúp người dân nhận khoán đất rừng có thể vừa giữ rừng, vừa cải thiện cuộc sống với những mô hình nuôi trồng thủy sản sạch.

PHẠM ĐOÀN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.