Phóng sự - Ký sự

Những dòng sông… kiệt sức

Thứ Sáu, 13/05/2016 | 16:23

Không còn những dòng sông quen thuộc, môi trường ô nhiễm nặng nề, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và giao thông thủy bị đình trệ… đang đẩy người dân ở vùng tam giác Ninh Quới (huyện Hồng Dân) vào cảnh khốn khó. Ngày qua ngày, họ cứ cầu mong ông trời ban những cơn mưa để cuộc sống không còn đảo lộn!  

Người dân tam giác Ninh Quới đi mót những con cá còn sót lại trên dòng sông kiệt sức làm kế mưu sinh hằng ngày. Ảnh: T.Đ

CẠN DÒNG, ĐẢO LỘN CUỘC SỐNG

Thời điểm chúng tôi ghi hình về những vũng nước cuối cùng trên những dòng sông ở xã Ninh Quới và Ninh Quới A là ngày 7/5/2016. 7 ngày sau đó, người dân ở đây cho biết, tất cả đều đã khô cạn. Những dòng sông quen thuộc, gần gũi ngày nào bỗng dưng cạn kiệt. Vùng đất ngọt ngào, trù phú nhất huyện Hồng Dân trở nên khát nguồn nước ngọt, cuộc sống con người, vật nuôi bị đảo lộn và bế tắc giao thông đường thủy.

Kênh Cô Cai chạy dài khoảng 8 cây số nối liền 6 ấp của xã Ninh Quới có hàng trăm lồng nuôi cá lóc đã trơ trọi đáy. Ở khu vực này, nhiều hộ có vịt chạy đồng buộc phải làm hồ nhân tạo, còn ao cá đành chịu chết khô. Người dân cho rằng, nước cho sinh hoạt lo còn chưa xong nói chi tới chuyện trồng màu. Ở vùng “tam giác khô” ấy, nhiều người đã lỡ xây nhà đành phải dừng lại giữa chừng do không thể vận chuyển vật liệu. Ông Nguyễn Chí Lăng, ở ấp Xóm Tre (xã Ninh Quới) còn 50 tấn lúa trong nhà mà không bán được. Ông than thở: “Thương lái đã bỏ cọc rồi mà không cách nào để lấy lúa đi, gia đình dù đang cần tiền cũng đành phải chịu”. Ông Lăng thầm trách, con kênh Cô Cai từ chỗ lưu thông bình thường đối với ghe lúa có tải trọng tới hàng chục tấn, bây giờ vô dụng! Trong khó khăn đó, mỗi ký lúa ông bị ép giá 100 đồng. Ước tính 50 tấn lúa, ông Lăng bị mất 5 triệu đồng. Nhiều người dân tam giác Ninh Quới còn ngậm ngùi cám cảnh có heo hơi bán chẳng ai mua. Mỗi ki-lô-gam heo, nếu có người mua cũng bị ép giá từ 1.000 - 2.000 đồng. Và cứ 1 tấn heo hơi, họ đành chịu thiệt từ 1 - 2 triệu đồng so với mức giá bình thường.

Rối rắm hơn cả là chất thải từ những chuồng heo xả xuống dòng sông khô kiệt gây ra ô nhiễm nghiêm trọng. Cách nay 10 ngày, mặc cho số nước ít ỏi vừa bị ô nhiễm lại vừa xì phèn, nhưng nhiều hộ dân xã Ninh Quới A vẫn phải đua nhau đào những con mương ngay dưới lòng kênh phía trước nhà mình "giành" nhau từng vũng nước ngọt cứu đám lúa 50 ngày tuổi. Trước tình cảnh ấy, người ta mới thấy dòng sông, nước ngọt có tầm quan trọng nhường nào đối với cuộc sống. Tập quán người dân tam giác Ninh Quới gắn liền với những dòng sông, nên họ sẽ còn gồng gánh lâu dài hậu quả khắc nghiệt của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tam giác Ninh Quới có 30 ấp nằm trọn ở xã Ninh Quới, thị trấn Ngan Dừa và một phần của xã Ninh Hòa, Ninh Quới A. Diện tích tự nhiên toàn vùng gần 15.000ha, trong đó diện tích canh tác 8.800ha. Dân số hơn 45.000 người, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60%. Với Hồng Dân, đây là nơi tạo ra sản lượng hàng hóa, nông sản tập trung của huyện.

 

SINH KẾ RỒI SẼ RA SAO ?

Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, mùa mưa 2016 ở Bạc Liêu bắt đầu từ cuối tháng 5, đầu tháng 6. Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân cho biết, cách nay vài ngày, toàn bộ 31 con kênh cấp 3 vượt cấp cả vùng tam giác Ninh Quới với tổng chiều dài 90 cây số đã bị khô cạn. May mắn còn lại 4 con kênh trục là kênh Thông Lưu, Xẻo Rô, Lái Viết và Cô Cai, lòng kênh ở một số nơi còn chừng 3 - 4 tấc nước.

Lao động chính bỏ quê lên TP. HCM kiếm sống, còn người lớn tuổi ở khu vực này thú thật: “Nếu không làm ruộng, chăn nuôi, chúng tôi chẳng biết làm gì để sống”. Và để phục vụ cho nhu cầu đó, ngoài sự tác động của El Nino gây ra nắng nóng, khô hạn bất thường thì chính con người đã góp phần vắt cạn dòng sông. Ông Sáu Xuân sống bên dòng kênh Cô Cai năm nay đã 65 tuổi, đúc kết: “Chưa năm nào hạn hán nặng nề đến vậy. Với tình trạng trễ vụ sản xuất ở tam giác này, tới đây người dân chắc chắn sẽ thiếu đói”.

Làm gì để hỗ trợ sinh kế người dân khi họ đang phải đối mặt với hạn hán kéo dài, nước mặn bao vây, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT đưa ra giải pháp, trong lúc thời tiết khắc nghiệt như thế, khả năng của tỉnh ưu tiên số 1 nước cho sinh hoạt. Còn nước sản xuất buộc phải đình trệ, phụ thuộc ông trời. Tỉnh không thể tạo ra nước ngọt trên nền sản xuất đang bị hạn hán nghiêm trọng như hiện nay. Ông Lương Ngọc Lân cho biết, trước dự báo của Đài Khí tượng thủy văn, kể từ năm nay, Bạc Liêu sẽ dịch chuyển mùa vụ sản xuất khoảng 1 tháng (trễ vụ 1 tháng). Do đó, sản lượng lúa của tỉnh chắc chắn sẽ bị sụt giảm và dự báo nông dân sẽ thiếu ăn trong quãng thời gian này. Chính phủ chỉ đạo, nhất định không để người dân thiếu đói. Do đó, tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố cần có báo cáo đầy đủ, kịp thời về tình hình đời sống nhân dân trước tác động của BĐKH để kiến nghị Chính phủ hỗ trợ.  

Ở góc độ ngành, ông Lân đề nghị nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất thích nghi với BĐKH. Trước hết, cần chọn giống lúa chịu hạn, mặn tốt, thời gian sinh trưởng ngắn đưa vào sản xuất. Hiện tại, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có đầy đủ các loại giống này. Tỉnh khuyến cáo nông dân không nên phát triển phong trào nuôi vịt chạy đồng, vì hầu hết diện tích trồng lúa đều sản xuất 3 vụ/năm cộng với hạn hán kéo dài rất khó cho vịt tồn tại.

Cũng như các tỉnh khu vực ĐBSCL, đã đến lúc Bạc Liêu cần có một cuộc cách mạng về mùa vụ để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong điều kiện BĐKH. Bởi lẽ tới đây, không chỉ có vùng tam giác Ninh Quới bị khô hạn mà ở tất cả vùng ngọt trong tỉnh nếu phải đắp đập ngăn mặn thì viễn cảnh chẳng khác nào ở huyện Hồng Dân bây giờ. Và khi đó, sự đình trệ, bế tắc trong đời sống, sản xuất của người dân sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn…

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.