Hỗ trợ thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn: Nông dân chờ đến bao giờ?

Thứ Ba, 17/05/2016 | 08:29

Nếu như mọi năm, thời điểm này lúa đã mọc xanh đồng và cao ba, bốn tấc thì năm nay, nắng hạn làm nứt cả mặt ruộng, nông dân vào ngóng ra trông mà mùa mưa vẫn chưa thật sự đến. Đáng nói hơn, vụ mùa này không biết nông dân có vốn để tái sản xuất hay không? Vì đến nay họ vẫn chưa nhận được một khoản hỗ trợ nào để khắc phục hậu quả nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

* Bà Sơn Thị Xà Mện (ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) cho biết đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

* Một cánh đồng nứt nẻ do nắng hạn kéo dài ở xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân).

Ảnh: P.Đ

MỎI MÒN CHỜ HỖ TRỢ

Về các địa phương bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn mới thấy hết nỗi khổ của người trồng lúa. Cùng với những cánh đồng nứt nẻ oằn mình trong cơn khát nước, còn có tiếng thở dài quay quắt từ những người nông dân. Ở vụ mùa vừa qua, có nhiều gia đình thất trắng, nếu có thu hoạch cũng chỉ mót được vài bao lúa lem lép, bán không đủ trả tiền công cắt. Nghe Nhà nước hỗ trợ người trồng lúa bị thiệt hại ai cũng mừng, cũng trông nhưng chờ hoài vẫn không thấy. Càng nóng ruột hơn khi vụ hè thu chỉ cần đợi hạt mưa rớt xuống là tiến hành làm đất, xuống giống ngay. Vậy mà, đã hơn một tháng kể từ khi tỉnh Bạc Liêu công bố thiên tai, nông dân vẫn chưa nhận được một khoản hỗ trợ nào. Trong khi đó, một số tỉnh khác đã tiến hành tạm ứng ngân sách để hỗ trợ nông dân địa phương mình.

Bà Sơn Thị Xà Mện (ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) than: “Gia đình tôi làm 24 công ruộng nhưng đã bị thiệt hại nặng nề vì nước mặn. Nếu như mọi năm thu hoạch mỗi công khoảng 18 bao lúa, thì vụ vừa rồi mỗi công chỉ mót được 2 bao. Nhiều công ruộng chỉ cho lúa lép, đành phải cắt làm rơm lót rẫy. Bây giờ gia đình tôi vẫn còn nợ tiền phân bón, tiền cày đất hơn 35 triệu đồng. Vụ hè thu này không biết có tiền để làm nữa hay không?”.

Cùng nỗi khổ nợ nần, bà Phạm Thị Lan (cùng ấp với bà Xà Mện) còn gánh thêm nỗi lo “lãi mẹ đẻ lãi con” khi mọi chi phí đầu tư cho vụ mùa lâu nay đều theo kiểu “ăn trước trả sau”. Bà Lan bộc bạch: “Gia đình tôi có 26 công ruộng, nhưng hiện nay vẫn còn nợ tiền phân bón, tiền cày đất, công cắt gần 50 triệu đồng. Nghe Nhà nước hỗ trợ thiệt hại chúng tôi rất mừng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai kêu lên xã nhận tiền. Ở vụ mùa mới này, không biết mấy đại lý có còn cho nợ tiền tiếp hay lại phải chạy vay tiền bên ngoài để làm”.

CHƯA LÀM TỐT CÔNG TÁC THỐNG KÊ

Một trong những nội dung quan trọng của Quyết định số 442/QĐ-UBND về việc công bố thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại trực tiếp đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đã chỉ đạo các ngành, địa phương cần thực hiện hỗ trợ kịp thời cho nông dân theo quy định, đúng đối tượng, đúng chính sách, công khai, minh bạch và không để xảy ra tình trạng trục lợi...

Thực tế cho thấy, muốn làm tốt những điều trên, công tác điều tra và sát dân để nắm tình hình nhằm thống kê đúng và đủ giữ vai trò quyết định. Cũng như tránh tình trạng thống kê theo kiểu qua loa, “nhìn mặt đặt tên” tạo nên bức xúc, so bì trong nhân dân, gây lãng phí tiền hỗ trợ của Nhà nước. Quan tâm đến vấn đề này, vì qua điều tra thực tế cho thấy vẫn còn xảy ra tình trạng thống kê thiệt hại qua điện thoại, thậm chí không trực tiếp đến nhà các hộ dân. Ông T.Đ (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) phản ánh: “Gia đình tôi cũng nằm trong những hộ bị thiệt hại do nắng nóng và xâm nhập mặn, nhưng không biết vì sao vẫn chưa thấy cán bộ đến thống kê”. Trong khi đó, trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Bạc Liêu, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hội - Lâm Anh Tuấn khẳng định xã đã hoàn thành công tác thống kê từ tháng 3/2016 và đã gửi về UBND huyện Vĩnh Lợi, với diện tích bị thiệt hại hơn 1.700ha/1.376 hộ.

HÃY TIẾP SỨC CHO NÔNG DÂN

Với những khó khăn trong sản xuất như hiện nay, việc có ngay các giải pháp hỗ trợ nông dân là rất cần thiết. Điều đó không chỉ giúp nông dân giảm bớt một phần khó khăn, có điều kiện tái sản xuất, mà còn như một sự động viên, tiếp thêm sức mạnh cho bà con vượt qua khó khăn và sẵn sàng bước vào vụ mùa mới.

Bên cạnh đó, cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các ngành có liên quan cần vận dụng có hiệu quả các chính sách tái đầu tư, cụ thể là các ngân hàng trong việc cơ cấu lại nợ và mạnh dạn đầu tư mới. Việc làm này sẽ rất cần và ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay khi nguồn ngân sách hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn, bản thân người nông dân gần như đuối sức, nợ nần vì chẳng thu được đồng nào từ vụ lúa đông xuân.

Mặt khác, Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng tập trung làm tốt công tác hỗ trợ nông dân, tái đầu tư và khoanh nợ, xóa nợ. Đơn cử như Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hồng Dân là một trong những đơn vị điển hình về làm tốt công tác này. Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hồng Dân, cho biết: “Qua thống kê diện tích lúa trên đất tôm bị thiệt hại ở 7 xã của huyện, từ các hộ có giao dịch với ngân hàng là 680ha/592 hộ, với tổng số tiền bị thiệt hại hơn 9 tỷ đồng. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với các phòng chức năng, các địa phương và các ban ngành, đoàn thể nhận ủy thác của huyện tiến hành kiểm tra và có ngay giải pháp hỗ trợ. Qua kiểm tra đánh giá mức độ thiệt hại, Phòng giao dịch đã tiến hành cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 348 hộ, với tổng số tiền 4.520 triệu đồng, lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ cho 24 hộ/350 triệu đồng và đề nghị xóa nợ cho 19 hộ/250 triệu đồng. Đồng thời, đầu tư cho vay mới 201 hộ với tổng số tiền khoảng 4 tỷ đồng, nhằm giúp bà con có điều kiện khôi phục sản xuất và sớm ổn định cuộc sống”.

Với những giải pháp tích cực trên, đã góp phần giúp nhiều nông dân giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài và hướng đến phát triển bền vững, giải pháp mang tính căn cơ vẫn là một cuộc cách mạng trong thay đổi cơ cấu mùa vụ và cần một mô hình tăng trưởng mới phù hợp với biến đổi khí hậu. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, việc điều tra, đánh giá lại hiệu quả của các mô hình sản xuất và hạ tầng có còn phù hợp với tình hình mới hay không cần được xúc tiến ngay.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.