Truyện ngắn

Sau mùa gặt

Thứ Tư, 18/05/2016 | 16:46

Chiều. Cánh đồng sau mùa gặt nồng nàn mùi rạ chín, thứ hương thơm dung dị của đất trời hay níu người ta nhớ về ký ức và nó đưa chị trở về những tháng ngày đã cũ. Những ngày tháng chộn rộn vui buồn mà giờ đây sẽ làm cho chị chợt cười, chợt khóc. Cảnh này đã trở thành quen thuộc, cứ sau một vụ mùa, người xóm Chùa lại thấy thấp thoáng dáng người đàn bà liêu xiêu vừa đi, vừa khóc, vừa dang tay hứng từng giọt nắng sót lại của một ngày. Tiếng hát đứt quãng từng hồi, vọng vào trong gió nghe như tiếng nấc của người đàn bà chịu nhiều nghịch cảnh.

Năm nay chị Hiền đã hơn 40 tuổi, thần trí lẩn thẩn, khi tỉnh khi điên. Chị thích người ta gọi mình bằng “chị”, con nít 5 - 6 tuổi thưa bằng “cô”, chị rầy liền: “Tao còn trẻ khô hà, chưa lấy chồng nữa mà gọi bằng cô gì?”, nhưng có khi chị đi theo đám nhỏ năn nỉ hoài xin chúng gọi mình một tiếng “má”. Đám con nít trong xóm, đứa nhỏ chưa biết thì sợ chị, đứa lớn thì thân với chị. Nhưng thân với chị nhất là sư Hạnh. Chị hay lại chùa tâm sự với sư Hạnh, lần nào nói chuyện với sư Hạnh chị cũng khóc. Còn nhớ, lần chị khóc với sư Hạnh nhiều nhất là lúc chị vừa bị người ta cướp đi đời con gái, rồi chàng trai chị yêu thương cũng vì chuyện ấy mà đem chuyện cưới xinh tính với người con gái khác ở thị thành.

Bữa nhà anh Thanh rộn ràng cười nói, hai họ rôm rả chúc mừng nhau mà lòng chị đau như ai cắt. Hôm ấy cũng là một ngày tháng Giêng tươi đẹp, từng vạt nắng trải vàng trên gốc rạ, cánh đồng sau mùa gặt bỗng vàng óng ánh. Sau mùa gặt, cánh đồng chợt rộng lớn mênh mông, làm chị giật mình thấy mình bé nhỏ, mỗi bước chân đi sao bỗng chơi vơi và lạc lõng. Cảnh chiều vẫn điềm nhiên như hôm qua anh Thanh còn nắm tay chị đi trong chiều nắng tắt. Vậy mà hôm nay, người con trai ấy lại bỏ chị trong lúc đời ngập tràn dâu bể.

Giọt nước mắt ròng ròng chảy miết rồi một ngày khô cạn. Chị về nhà trông lại vườn rau, rảnh rỗi thì lên chùa tưới vườn thuốc nam, quét sân, chăm mấy luống hoa hồng, hoa cúc... Có bữa chán quá không muốn làm gì, chị thui thủi ngồi lau tượng Phật. Nhưng tánh người cũng bắt đầu thay đổi, chị trở nên ít nói, ít cười. Nếu có cười thì cũng cười nhàn nhạt không rõ vui buồn. Thời gian chẳng biết là bao lâu, nhưng cũng chắc đủ làm người ta nguôi ngoai niềm thương nhớ. Còn anh Thanh, từ độ cưới vợ rồi về thành phố ở đến nay cũng đủ trở thành xa lạ với xóm Chùa. Nên bữa đó anh như khách lãng du đến chùa sư Hạnh thắp nhang cúng viếng và để có cái gọi là “tình cờ gặp lại người xưa”. Nhưng gặp làm gì khi đôi mắt năm xưa đâu còn men sóng sánh mà có chăng chỉ là một miền khô khan, ráo hoảnh. Chị đứng trước sân chùa ngay vạt cúc hoe vàng nhìn anh bằng ánh nhìn nửa thương, nửa trách. Trách anh sao lại bỏ chị khi giông bão cuộc đời xô chị ngã, lúc ấy chị cần lắm vòng tay nâng đỡ từ anh. Nhưng rồi chị nhận ra, có trách thì cũng nên trách số phận của mình, chớ trách người ta chi tội nghiệp. Rồi chị xách nón lá vô thưa: “Sư Hạnh, con về nghen!”. Chị quay lưng bỏ lại khoảng sân chùa đầy nắng và một người đàn ông lặng nhìn theo bóng chị khuất vào những rặng cây già. Một ánh nhìn gởi theo ngàn lời xin lỗi mà anh cho rằng mình nợ chị suốt đời. Đã có lúc anh hối hận bởi mình yếu đuối không vượt qua được những dư luận thấp hèn. Và khi nhìn lại đôi mắt người xưa, mới hay sâu thẳm lòng mình vẫn còn một niềm thương lắng đọng...

Người ta nói cuộc đời công bằng lắm, nếu lấy của mình đi thứ này sẽ trả lại cho mình một thứ khác. Rồi một ngày hạnh phúc lại mỉm cười với chị. Gần 40 tuổi, chị vỡ òa trong niềm vui làm mẹ khi sư Hạnh nhặt được thằng bé bị ai bỏ trước cổng chùa. Chị tíu tít xin sư Hạnh đem thằng nhỏ về nuôi. Chị thầm nghĩ, không biết ai một lần lầm lỡ hay có người bị hại đời con gái để rồi có một hình hài giữa cuộc đời mà không dám thừa nhận. Chị bồng thằng bé lên tay, lúc đó sư Hạnh thấy chị cười, nụ cười rạng rỡ trên đôi môi lâu ngày ít cười, ít nói.

Chị đặt thằng bé tên Khôi, người ta cười “cái thằng con lượm mà đặt chi cái tên đẹp, cũng đâu thay đổi được số phận nó. Sao không đặt thằng Lượm hay thằng Nhặt… cho rồi”, chị bảo “đặt mấy tên đó lớn lên con em buồn”. Khôi càng lớn càng có nhiều lời đồn đại khi nhìn thằng bé người ta chợt nhớ ra gương mặt hiền lành của chàng trai năm cũ nỡ bỏ người con gái giữa cuộc đời nhiều nghiệt ngã. Người ta bảo, người ta thấy một phụ nữ ăn mặc sang trọng, tay bế theo thằng bé đỏ hỏn hỏi thăm đường về chùa sư Hạnh. Khi người phụ nữ ấy trở ra và bước lên xe, người ta không nhìn thấy đứa bé đâu… Rồi người ta mới chực nhớ ra người phụ nữ đó là vợ anh Thanh. Nghe nói vợ chồng anh tan vỡ lâu rồi, anh buồn bỏ nhà đi làm ăn ở đâu biền biệt. Vợ anh cũng chẳng nghĩ tình, nên về xóm Chùa trả lại một đứa con để dễ bề thong dong cuộc sống mới.

Ai nói gì chị cũng lặng im nuôi thằng Khôi khôn lớn. 12 tuổi, bé Khôi lớn rồi nên cũng biết chuyện đời mình, đời má. Nhưng làm sao em biết hết nỗi quặn thắt suốt 12 năm má gạt bỏ bên tai bao lời đồn đại. Không cần biết ai đã bỏ rơi em, chỉ cần giữa cuộc đời mênh mông này, em có vòng tay che chở của má là đủ. Nhưng có lẽ, ở cái tuổi ngây ngô ấy, em luôn cần một thứ rõ ràng để hãnh diện rằng em có đủ đầy ba má, để xóa bỏ mặc cảm “em không phải đứa con lượm ở chùa”!.

Rồi một ngày, người dân xóm Chùa không ai nhìn thấy thằng Khôi nữa, chỉ thấy một bà mẹ hoang hoải tìm con. Nước mắt bà rơi vãi khắp vạt đồng. Lại một buổi chiều tháng Giêng sau mùa gặt, xóm Chùa nghe một tiếng khóc lúc thét gào, lúc kiệt cạn, tỉ tê vọng sau mái chùa sư Hạnh rồi chết lịm trong đêm. Tiếng gõ mõ của sư Hạnh đêm đêm buồn tao tác, mấy chiếc lá lìa cành chạm nhẹ lên mái ngói rong rêu tìm về với cội. Sương phủ trên mái chùa, rơi thành những giọt dài như nước mắt. Trách sao số phận vô tình để hạnh phúc đến rồi đi, chập chờn, mong manh, hư ảo…

CẨM THI

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.