Tùy bút - Tản văn

Ký ức mùa hè

Thứ Ba, 24/05/2016 | 07:54

Vài ngày sau tôi đã có chỗ trống đậu xe máy trước hành lang cổng trường để đón cháu ngoại. Không có quy định, luật lệ gì nhưng hầu như ai cũng theo một trật tự bất thành văn có từ lúc nào. Đó là nơi những chiếc xe máy đậu tạm nhưng cố định vào hai buổi tan trường để rước học sinh trước cổng trường tiểu học. Buổi nào cũng những chiếc xe quen thuộc như mọi ngày. Bữa nào có chỗ trống trong vòng hợp tan 5 - 10 phút tại nơi đậu xe này thì biết rõ ai không đến.

Ngày hai buổi, sáng thì ngày đưa đón, ngày không, buổi chiều đủ cả 5 ngày trong tuần. Gặp nhau vỏn vẹn 5 - 10 phút nơi đây, nhìn riết quen mặt rồi biết tên. Ban đầu, vài câu bâng quơ những chuyện thường ngày, trước mắt đến lúc hỏi tên, tuổi tác, nghề nghiệp rồi gia đình, số điện thoại của nhau… là qua khoảng thời gian khá dài. Riết rồi thân nhau, qua những câu chuyện kể, mỗi ngày lại nhận ra người này từng có mối quan hệ trong giao tiếp, làm ăn, làm việc với người của gia đình kia, hay ít ra là người quen với nhân vật nhiều người biết đến trong thành phố nhỏ của vùng đất lâu đời này.

Lâu ngày, những người ngày hai buổi đưa đón con, cháu hình thành những cụm nhỏ, lóng ngóng dưới những tàng cây trên lối đi trước cổng trường với những câu chuyện cũng nho nhỏ, đời thường. Nhóm của tôi có 7 - 8 người, trong đó 3 - 4 người đã nghỉ hưu, vài người khác mua bán, làm kế toán tư, chạy xe ôm… có 3 người là nữ. Không biết các nhóm khác thì sao, nhóm tôi đã thân nhau đến đỗi có người đã ghé nhà thăm nhau và đã hai lần họp mặt vào hai dịp nghỉ tết và nghỉ hè theo lịch của trường. “Mấy đứa nhỏ chia tay thì mình cũng chia tay nhau chớ, sao không?”, có người khởi xướng. Vậy là điện thoại, hẹn gặp nhau một quán bên đường. Một nửa còn lại của các thành viên cũng được mời đến. Vài dĩa thức ăn, vài xị rượu thuốc vậy mà rôm rả, vui vẻ cả buổi trời.

  Người ta có thể ở góc bể, chân trời, khác nhau giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình… chỉ cần một điểm chung nào đó cũng không khó để trở thành tri kỷ, tri âm. “Ê!” - một người trong bàn tiệc lên tiếng - “Ngày mai tụi nhỏ nghỉ hè rồi, có ai cảm thấy “lòng man mác buồn”… không ta?”. Mọi người đều đồng thanh: “Buồn!” - “Buồn thì làm sao đây ta? Mọi người lại đồng thanh: “Cạn ly!”… Lúc sau, lại có người tiếp: “Ê! Sao nghỉ hè, mấy đứa nhỏ vui mà người lớn lại buồn ta?” - “Tại mấy đứa nhỏ chưa đến tuổi biết buồn, chớ sao! Mình còn vái ông bà ông vãi cho cuộc đời tụi nó đừng có ngày nào buồn. Nếu có buồn, còn sống mình gánh hết cho tụi nó được vui, đồng ý không?”. Mọi người lại đồng thanh: “Đồng ý!” - “Đồng ý  lấy gì làm chứng đây?”. Lại đồng thanh: “Cạn ly!”...

Cứ vậy mà vui, mà cạn từng ly rượu nhỏ. Trong niềm vui vẫn lấp lánh nỗi buồn bởi thời gian được nối lại từ thuở “sửu nhi” trong tuổi học trò của mỗi người. Đã đến tuổi bươn bả trong cuộc mưu sinh nhiều gian nan, trắc trở. Cái tuổi đã từng có những bước gập ghềnh, chông chênh trong đời sống gia đình nhiều âu lo, toan tính và cũng không ít lần bế tắc trước tương lai xa xăm. Vậy mà hàng ngày còn được phút giây lòng mình lắng lại, nôn nao đợi chờ tiếng trống tan trường quen thuộc. Vẫn còn phút giây nhìn chùm hoa phượng đỏ rực khung trời mùa hạ, rưng rưng nhớ bạn bè, thầy cô, ngôi trường xưa đã lùi quá xa trong ký ức. Phút giây thật ngắn ngủi, năm mười phút mỗi buổi tan trường nhưng đủ để nhớ lại rằng, ngày ấy, nhìn hoa phượng nở mỗi mùa hè chỉ thấy nôn nao, rạo rực và chút gì đó không rõ trong lòng, không như nỗi buồn dù ngắn ngủi như bây giờ. Bởi lẽ, tuổi đó, chưa từng nghĩ đến biệt ly sẽ mang theo bao tiếc nuối trong đời.

 Hình ảnh ngôi trường này, với tôi còn nhiều kỷ niệm. Đã nhiều đổi thay, không còn như ngày tôi biết đến lần đầu cách đây hơn 30 năm. Tôi quen một thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường. Nhà anh, căn nhà lá, cột cây rừng dựng cặp bờ sông, đối diện với ngôi trường. Điều đáng nhớ nhất là anh yêu thơ đến cuồng si. Anh từng có 7 - 8 tập thơ in trong thời bao cấp. Vài ngày anh lại có những bài thơ mới. Anh chép, anh photo gửi cho nhiều bạn bè. Những ngày cuối đời, anh được bệnh viện ở Sài Gòn tổ chức cho anh đêm thơ trước khi từ biệt cõi vô thường. Cũng là trọn vẹn một đời thơ. Trước ngôi trường ngày xưa, bên kia đường, không còn căn nhà của anh, nơi tôi từng nghe đọc thơ, cõi riêng trong chốn yên bình đó. Giờ chỉ chạnh lòng, thấy buồn, thấy nhớ còn nhiều hơn ngày anh vĩnh viễn ra đi.

Ngày cuối của niên học. Nhóm chúng tôi lại háo hức hẹn nhau buổi liên hoan trước kỳ nghỉ hè như năm trước. Hôm nay, nơi đậu xe của nhóm chúng tôi có nhiều chỗ trống. Tiếng còi xe hơi bên kia đường, Phượng - một người trong nhóm chúng tôi - hạ cửa kính vẫy vẫy tay chào. Tôi qua đường nhìn qua khung cửa xe hơi. Phượng nói tạm biệt mọi người, xin lỗi không đến dự liên hoan được, vì chuẩn bị đưa mấy đứa nhỏ đi Vũng Tàu, Đà Lạt nghỉ mát vài hôm…

“Ừ! thì dịp khác, chúc vui vẻ!”, tôi bắt tay từ giã và nói một câu lấy lệ. Phượng mỉm cười nói cảm ơn rồi vội lái xe đi bởi đường đang rất nhiều xe cộ. Qua đường, thằng cháu ngoại vừa lên xe đã hứng khởi thúc lưng tôi, nói: “Ngày mai được nghỉ hè rồi, ngoại. Quá đã!...”. Có lẽ, khi thời gian trôi qua rồi ta mới có lúc lắng lòng và cảm nhận sự tiếc nuối khi chợt nhận ra đã mất những điều vô phương kiếm tìm được nữa. Hôm nay, nhìn phượng trước sân trường tôi mới cảm nhận hết nỗi buồn của buổi chia tay…

Tháng năm, hai ngàn mười sáu

 Tạp văn: TRẦN XUÂN LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.