Phóng sự - Ký sự

Trường Sa một lần đến

Thứ Sáu, 17/06/2016 | 16:16

Ở nước Việt, có những địa danh vô cùng thiêng liêng, đó là Lũng Cú, thác Bản Giốc, cầu Hiền Lương, mũi Cà Mau, ngã ba Đông Dương, hay Hoàng Sa, Trường Sa. Với quần đảo Trường Sa, tôi đã nghe, đã thấy nhiều qua các phương tiện truyền thông đại chúng, triển lãm, lời kể của những người từng đến đây. Ấy vậy mà, khi đặt chân lên vùng biển, đảo nơi này, trong tôi trào dâng nhiều cảm xúc mà ngôn từ bất lực diễn tả.
Tưởng nhớ Đoàn tàu không số
Có lẽ cảm xúc ấy không chỉ có ở riêng tôi. Trước ngày tàu quân y 561 (Hải đội 411, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) rời cảng Cát Lái - TP. HCM, nhiều người thao thức, nôn nao đến lạ. Đêm hè kéo dài như bất tận khác nào trêu đùa người sắp gặp Trường Sa. Biết nhau lần đầu, song ai cũng như quen từ thuở nào, hỏi han rối rít, kể chuyện người nhà gọi điện thoại hỏi miết: khi mô (nào) lên tàu, tàu to không, đi Trường Sa chắc đã lắm hả, nghe nói biển động phải hông, vân vân và vân vân. Người chưa được đi cũng bồn chồn đâu kém các thành viên trong đoàn. 
8 giờ ngày 28/5, trước tượng đài Đoàn tàu không số đặt tại Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đóng tại khu vực cảng Cát Lái), lãnh đạo các tỉnh, cơ quan Bộ Quốc phòng đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, góp công to lớn vào đại thắng mùa xuân 1975, non sông thu về một mối. Trong nền nhạc “Hồn tử sĩ” quyện khói hương, lòng người đứng viếng xúc động trào dâng. Tấm gương của những người vị quốc vong thân tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho tất cả thành viên đoàn công tác số 16. Ba hồi còi xuất bến vang lên, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 xếp hàng nghiêm trên cầu cảng chào tạm biệt tàu. Những cánh tay bên mạn phải tàu lưu luyến đất liền. Tàu chầm chậm rời sông Sài Gòn, tiến ra biển Đông mênh mông...

Đoàn công tác số 16 tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa (ảnh chụp tại đài tưởng niệm chiến sĩ Trường Sa, thị trấn Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa ngày 3/6/2016). Ảnh: N.Q

Châu về Hiệp Phố không xa
Sau 2 ngày 1 đêm vượt trùng khơi, tàu đến điểm đảo đầu tiên trong lịch trình đi thăm - điểm C đảo Đá Lớn, nằm khoảng giữa quần đảo Trường Sa. Đây là thời điểm “giao ca” giữa mùa khô và mùa mưa trên đảo. Từ tàu nhìn về hướng đảo, mặt biển có 3 màu như bánh da lợn: xanh thẫm (tim tím), xanh biếc và xanh trong. Các nhà lâu bền xây trên bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước. Xung quanh đảo Đá Lớn, sát ngoài rìa của thềm san hô có nhiều loài cá quý hiếm, như: cá chim, cá thu, cá ngừ và một số loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Mùa sóng yên biển lặng, tàu thuyền của các địa phương ven biển nước ta (nhiều nhất là tàu tỉnh Ninh Thuận) đến đánh bắt, khai thác và chế biến thủy sản khá đông. 
Nói về vai trò, vị trí của đảo Đá Lớn, Thượng úy Đinh Văn Thắng, Chỉ huy trưởng điểm C, cho biết: “Từ vị trí địa lý và giá trị kinh tế của đảo nói riêng, quần đảo Trường Sa nói chung, càng khẳng định việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa có một ý nghĩa chiến lược rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”. Nhận thức rõ điều này, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao “độc lập tác chiến, còn người còn đảo”. Ý chí kiên định của người lính hải quân tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin mãnh liệt một ngày không xa, các đảo, bãi ngầm của Việt Nam bị nước ngoài chiếm đóng sẽ trở về với Tổ quốc. “Chuyện kể rằng Hoàng Sa, Trường Sa là anh em song sinh một nhà” (lời bài hát), và cái ngày “anh em” đoàn viên sẽ không xa vời. 

Cô Lin hiên ngang
Hôm lên đảo Cô Lin - nằm đối diện, cách đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực năm 1988 chưa đầy 4 cây số, lòng chúng tôi bồi hồi nhớ về trận hải chiến năm ấy. 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam mãi mãi hòa mình vào lòng biển, tạc nên “vòng tròn bất tử”. Từ Cô Lin nhìn qua, các công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đảo Gạc Ma có hình dáng con thuyền màu trắng toát, có 4 đài quan sát và 1 tàu hộ vệ tên lửa 453 bên cạnh. Họ còn ngang nhiên viết lên “con thuyền trắng toát” đó khẩu hiệu “Trung Quốc muôn năm”. Ở đảo Huy Gơ, Trung Quốc cũng chà đạp lên luật pháp quốc tế và tình hữu nghị bang giao giữa họ với nước ta khi ngông cuồng vẽ dòng chữ “Cửa ngõ phía Đông Trung Quốc” - lộ rõ mưu đồ độc chiếm biển Đông, biến tuyến hàng hải quan trọng của thế giới thành sân nhà. Đứng rất gần Gạc Ma mà không thể đặt chân lên mảnh đất quê hương, lòng chúng tôi quặn thắt và căm giận bừng bừng. Mặt đối mặt với quân thù suốt gần 30 năm qua, Cô Lin hiên ngang đứng gác, sẵn sàng chiến đấu cao! Đêm xuống, đảo lại như ngọn hải đăng lung linh, huyền diệu, soi đường cho tàu bè trong nước và quốc tế đi lại hanh thông.
Mười hai ngày hành trình gần 2.000 cây số, chúng tôi đi qua 11 điểm đảo và nhà giàn DK1/7 Huyền Trân. Chuyến đi có sóng, có gió, và những cơn mưa bất chợt làm nhiều người phải nhờ đến quân y. Song vượt lên tất cả là sự ngỡ ngàng và cảm phục từ đáy lòng của các thành viên trong đoàn công tác. Đồng chí Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bày tỏ niềm xúc động và ấn tượng trước những nỗ lực khắc phục khó khăn phi thường của quân dân trên các đảo. Mỗi đảo có những khó khăn khác nhau, nhưng tất cả đã đồng tâm hiệp lực xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao. Xây dựng đảo “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, mẫu mực về tình quân dân”.
Tuy xa đất liền gần 500 cây số, song với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, huyện đảo Trường Sa, gồm xã Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa… vẫn thay da đổi thịt qua từng năm. Đồng chí Lại Xuân Lâm (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum), nhà báo Nguyễn Văn Thế (Đài PT-TH Bạc Liêu), nhà báo Phạm Đức Hải (Báo Xây dựng) - những người đi Trường Sa lần hai đã chia sẻ về những đổi thay này. Những hòn đảo xanh hơn, đẹp hơn, khang trang hơn. Đất liền gửi tặng đảo xa hàng trăm giống cây, loài hoa, dưới bàn tay chăm bẵm của người lính, chúng đã “vượt nắng, thắng mưa”, vươn cao tỏa bóng khoe hương. Màu xanh của cây lá xen kẽ màu vàng của công trình xây dựng tạo nên bức tranh tuyệt đẹp giữa biển trời lộng gió. Đêm đêm bên rìa đảo, sóng lớp lớp gối đầu lên bờ cát, đợi trăng lên hái ánh long lanh. 
Nghĩa Lập

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.