Tiêu điểm

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2016 - Hậu Giang

Thứ Tư, 13/07/2016 | 14:47

Bạc Liêu: Đẩy mạnh thu hút đầu tư và liên kết vùng

Một nội dung quan trọng của hội nghị “Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ động hội nhập và phát triển bền vững” tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2016 - Hậu Giang (MDEC - Hậu Giang 2016) được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và các địa phương ở khu vực ĐBSCL đưa ra là cần làm tốt hơn nữa công tác liên kết vùng. Đồng thời, tăng cường đầu tư khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đặc thù của từng địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu tại hội nghị “ĐBSCL chủ động hội nhập và phát triển bền vững”. Ảnh: P.Đ

Nhiều cơ hội và thách thức

Có thể nói, liên kết vùng và tăng cường đầu tư cho phát triển ở khu vực ĐBSCL hiện nay có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bởi, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các sân chơi chung, việc liên kết là cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên của cộng đồng ASEAN, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với 56 nền kinh tế trên thế giới, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Sự hợp tác đó đã mang lại nhiều cơ hội cho phát triển, song cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với nước ta và vùng ĐBSCL.

Về mặt cơ hội, hội nhập kinh tế đã và đang tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy thương mại, tăng thu hút đầu tư FDI và mở rộng quan hệ hợp tác phát triển, mở rộng thị trường; tạo điều kiện tiếp cận với khoa học - công nghệ, kỹ năng quản lý tiên tiến của thế giới để ứng dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và chế biến phục vụ xuất khẩu, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động, góp phần đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời nâng cao đời sống người dân, đảm bảo sự tăng trưởng, phát triển bền vững và phát huy các thế mạnh của vùng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, mà trước hết là kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đường bộ, hàng không, cảng xuất nhập khẩu còn yếu và thiếu đồng bộ. Đây là trở ngại lớn trong thu hút đầu tư, làm giảm tính cạnh tranh của vùng. Ngoài ra, ĐBSCL còn thiếu sự liên kết mang tính toàn vùng; vai trò chỉ huy điều phối, “nhạc trưởng” chưa rõ nét, chưa có địa phương thật sự đóng vai trò “đầu tàu” kinh tế nên việc phát triển đôi khi còn mang yếu tố tự phát, thiếu định hướng và điều phối chung. Trong sản xuất, vùng ĐBSCL còn gặp một số khó khăn như: sản xuất ít được tổ chức tập trung để tạo sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, quản lý chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; quy trình sản xuất, công nghệ áp dụng trong sản xuất, chế biến nông - thủy sản chưa được doanh nghiệp đầu tư mạnh nên năng suất, chất lượng và giá thành còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm của vùng còn manh mún, phân tán, chưa có sự liên kết nên hạn chế trong cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế...

Giàu tiềm năng, thế mạnh

Bạc Liêu tuy xa các trung tâm kinh tế lớn, nhưng lại được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thế mạnh về kinh tế và văn hóa. Đặc biệt là thế mạnh về phát triển kinh tế biển và nuôi trồng thủy hải sản. Là tỉnh duyên hải gần sát cực Nam của Tổ quốc, có bờ biển dài 56km và 3 cửa biển lớn (Gành Hào, Cái Cùng, Nhà Mát) cùng vùng biển rộng trên 40.000km² có trữ lượng hải sản lớn, phong phú về chủng loại nên Bạc Liêu rất thuận lợi cho phát triển nghề khai thác, đánh bắt thủy sản.

Bên cạnh đó, với điều kiện sinh thái đặc thù, Bạc Liêu có 2 vùng sản xuất là phía Nam và phía Bắc Quốc lộ 1A. Trong đó, phía Bắc Quốc lộ 1A là vùng nước ngọt thích hợp để phát triển lúa và lúa - tôm, còn vùng Nam Quốc lộ 1A là vùng mặn và lợ, rất thích hợp để phát triển nuôi trồng thủy hải sản, nhất là tôm sú. Từ điều kiện đặc thù này, nghề nuôi trồng và khai thác thủy hải sản của tỉnh phát triển khá mạnh với sản lượng hàng năm khoảng 290.000 tấn, trong đó tôm gần 120.000 tấn, đứng thứ hai cả nước.

Ngoài ra, với bờ biển có diện tích bãi bồi hơn 10.000ha, mỗi năm lấn ra biển từ 80 - 100m; khu vực ven biển Bạc Liêu lại có lượng gió mạnh và khá ổn định (bình quân gần 7m/s), có nắng hầu như quanh năm (số giờ nắng bình quân hàng năm khoảng 2.000 - 2.600 giờ), cường độ bức xạ mặt trời lớn, nên có rất nhiều tiềm năng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo như: điện gió, điện năng lượng mặt trời. Đồng thời kết hợp với khu vực bãi bồi phát triển mạnh các mô hình nuôi tôm sinh thái, nghêu, sò, ốc… gắn với khai thác du lịch sinh thái.

Hãy đến với Bạc Liêu!

Để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững, cùng với đẩy mạnh liên kết, đồng hành với các tỉnh, thành phố của khu vực ĐBSCL thực hiện nghiêm các quy hoạch, định hướng phát triển của toàn vùng, Bạc Liêu sẽ nỗ lực phát huy các tiềm năng, lợi thế của mình và mong muốn được hợp tác với các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Tạo niềm tin và thực hiện tốt phương châm “dành cho nhà đầu tư những gì tốt nhất, thuận lợi nhất” cũng như thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nhà đầu tư, Bạc Liêu sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện cả về nông, lâm, thủy sản dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu. Phát triển hiệu quả, bền vững các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là việc phát triển các nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học, các nhà máy chế biến thủy sản giá trị gia tăng phục vụ xuất khẩu trực tiếp. Tích cực thu hút đầu tư các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời và phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch của vùng ĐBSCL. Hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Trà Kha, xây dựng khu công nghiệp Láng Trâm và một số cụm công nghiệp khác. Phát triển mạnh du lịch và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh...

Để hiện thực hóa những mục tiêu, định hướng trên, Bạc Liêu đã và đang phát huy nội lực, tranh thủ thu hút ngoại lực, không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường sự liên kết vùng để phát huy lợi thế riêng của tỉnh và chung của toàn vùng ĐBSCL.

P. ĐOÀN - K. TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.