Tiêu điểm

Quản lý chất lượng tôm giống: Vì sao luôn gặp khó?

Thứ Sáu, 15/07/2016 | 16:15

Chất lượng con giống luôn là vấn đề “nóng” được người nuôi tôm trong tỉnh quan tâm. Bởi, chất lượng con giống gần như quyết định đến 50% sự thành bại của nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, công tác kiểm tra và quản lý sản xuất, kinh doanh tôm giống vẫn còn nhiều bất cập.

Khó kiểm soát tôm giống “chui”

Toàn tỉnh có hơn 128.610ha đất nuôi trồng thủy sản, vì thế nhu cầu tôm giống thả nuôi hàng năm rất cao: từ 10 - 12 tỷ post/năm. Trong khi đó, năng lực của các trại sản xuất tôm giống trong tỉnh chỉ đáp ứng 70 - 80%, phần còn lại là phải nhập từ ngoài tỉnh. Điều này đã dẫn đến tình trạng khó kiểm soát về giá cả, chất lượng và việc nhập tôm giống “chui” vào Bạc Liêu.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra xe vận chuyển tôm giống ngoài tỉnh vào Bạc Liêu tiêu thụ. Ảnh: C.L

Lợi dụng lúc đêm khuya vắng vẻ, các xe vận chuyển tôm giống từ các tỉnh miền Trung nối đuôi nhau chạy về các điểm tập kết dọc theo Quốc lộ 1A (trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu) rồi bốc dỡ tôm giống chuyển sang xe 2 bánh để tuồn về các vùng nông thôn. Hầu hết tôm giống mà các xe này chở đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch chất lượng, cũng như không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Khi phát hiện đoàn kiểm tra, nhiều tài xế xe chở tôm giống tăng tốc thật nhanh để tránh sự kiểm tra. Còn khi bị lập biên bản vi phạm thì các chủ xe đều biện bạch như nhau, đó là do phải “tranh thủ” xuất trại để kịp giao tôm giống cho khách hàng nên không kịp làm giấy tờ, do công ty ký gửi vận chuyển gấp nên không kịp nhận giấy kiểm dịch… Tuy nhiên, việc xử lý tôm giống nhập “chui” cũng chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, còn tôm giống vi phạm vẫn được “tha”, các xe vẫn chở giao cho khách hàng. Và rồi, chính người nuôi tôm bị thiệt hại khi mua phải những lô tôm giống không đủ tiêu chuẩn. Chính sự lỏng lẻo trong cơ chế xử lý đối với những lô tôm không đạt chất lượng mà thời gian qua nhiều người nuôi tôm trong tỉnh phải chịu cảnh tiền mất tật mang.

Anh Hiệu Hoàng Linh (xã Long Điền, huyện Đông Hải) tâm sự: “Tâm lý của người mua con giống là thường tìm đến những trại tôm quen biết để mua. Họ tin tưởng vào những lời hứa, “đảm bảo” của chủ trại mà không hề nghĩ đến chuyện lấy mẫu tôm xét nghiệm trước khi nuôi. Vì thế, tôm nuôi thường bị bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Theo tôi, bà con cần cẩn thận trong việc chọn mua con giống để hạn chế rủi ro, thiệt hại”.

Tăng cường công tác quản lý

Phần lớn người nuôi tôm đều biết được tầm quan trọng của tôm giống khi nuôi. Tuy nhiên, do giá tôm giống trôi nổi thường rẻ hơn, hoặc được các chủ trại giống bán thiếu cho người nuôi đến khi thu hoạch mới thu hồi vốn, vì thế nhiều người vẫn mua tôm giống không rõ nguồn gốc về thả nuôi. Và hậu quả là tôm nuôi chết hàng loạt, không còn đủ vốn tái đầu tư sản xuất.

Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải lấy mẫu xét nghiệm tại một trại sản xuất tôm giống. Ảnh: C.L

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có gần 400 cơ sở đăng ký kinh doanh, sản xuất và ương tôm giống. Tuy nhiên, trên thực tế, số cơ sở đầu tư bài bản và ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để sản xuất tôm giống chất lượng cao chiếm tỷ lệ rất thấp; còn lại các trại giống khác xếp vào dạng hoạt động cầm chừng. Nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh ương vèo, sản xuất tôm giống nhưng không hề sản xuất giống. Họ nhập nguồn tôm giống từ nhiều nơi (không rõ nguồn gốc) về rồi đóng bao, xuất bán cho người nuôi tôm. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại trên diện rộng trong thời gian qua.

Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, khẳng định: “Đơn vị đã đầu tư đầy đủ các trang thiết bị xét nghiệm tôm giống, song rất ít người đem mẫu tôm đến để làm xét nghiệm cho tôm trước mỗi vụ nuôi. Bên cạnh đó, do quy định thiếu chặt chẽ nên việc kiểm soát, quản lý chất lượng con giống trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Điều này gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Bạc Liêu cần triển khai quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, tăng cường quản lý về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, lập danh sách niêm yết tên các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng để người dân chủ động trong việc chọn mua con giống tốt. Đồng thời xử lý nghiêm đối với các cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về sản xuất con giống... Ngoài ra, người dân cũng cần nâng cao nhận thức trong khâu chọn con giống; kịp thời thông tin, tố giác với các cơ quan chức năng về những cơ sở sản xuất tôm giống không đảm bảo chất lượng, làm ăn gian dối, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cơ sở này.

Điều kiện đối với cơ sở sinh sản giống thủy sản

Tổ chức, cá nhân thực hiện cho sinh sản giống thủy sản phải đáp ứng đầy đủ các quy định sau:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc giấy chứng nhận đầu tư về giống thủy sản, hay quyết định quy định chức năng nhiệm vụ về nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Địa điểm xây dựng phải theo quy hoạch của địa phương hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp nuôi trồng thủy sản trở lên, hoặc có giấy chứng nhận/chứng chỉ được đào tạo về nuôi trồng thủy sản do cơ quan chức năng cấp.

4. Có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập về. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với từng loài thủy sản và từng phẩm cấp.

(Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ NN&PTNT về quản lý giống thủy sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/7/2013)

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.