Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC - Hậu Giang 2016): Trăn trở với đất Chín Rồng

Thứ Hai, 18/07/2016 | 16:18

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC Hậu Giang 2016) đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Nhiều mục tiêu, giải pháp quan trọng đã được đưa ra nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tuy nhiên cũng đặt ra hàng loạt khó khăn, thách thức mà các tỉnh ĐBSCL phải đối mặt. Đó là làm gì để tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững?

* Các ngân hàng ký kết đầu tư tín dụng cho phát triển kinh tế tại MDEC Hậu Giang 2016.

* Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2015. Ảnh: P.Đ - L.D

THIẾU VÀ YẾU

Khi đánh giá về thực trạng của kinh tế vùng ĐBSCL, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định: Vùng ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng lại phát triển chậm và chưa xứng tầm với những gì vốn có. Qua 9 lần tổ chức MDEC, nỗi trăn trở này luôn là vấn đề nóng hổi tính thời sự, được tập trung bàn thảo, phân tích và tranh luận nhiều nhất.

Không trăn trở sao được khi các thế mạnh của vùng mới dừng ở tiềm năng, lợi thế. Sản vật có nhiều, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng lại thiếu đầu tư và gần như chưa giải quyết tốt được bài toán nâng cao giá trị. Theo nghiên cứu và phân tích của các chuyên gia kinh tế: Cấu trúc và cơ cấu kinh tế của vùng có nhiều khiếm khuyết. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 33,1%, công nghiệp - xây dựng 25,25% và thương mại - dịch vụ 41,65%.

Từ những con số trên cho thấy, tỷ trọng nông nghiệp tuy có giảm do dịch chuyển đúng hướng, nhưng vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt đến nay chưa có địa phương nào ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm làm tăng năng suất, chất lượng và mang lại lợi nhuận cao. Bằng chứng là nhiều sản phẩm nông - lâm - thủy sản được đem ra quảng bá và mời gọi hợp tác tại Hội chợ thương mại - MDEC Hậu Giang 2016 lần này chủ yếu ở dạng giới thiệu mô hình. Bởi với diện tích sản xuất vài chục héc-ta thì làm sao có thể cung ứng hàng hóa với số lượng lớn?!

Đối với ngành công nghiệp chủ yếu dựa trên chế biến nông - thủy sản và khai thác nguồn nguyên liệu thô với sản phẩm sơ chế là chính chứ chưa tạo ra nhiều sản phẩm cho giá trị gia tăng cao. Riêng thương mại - dịch vụ tuy có gia tăng do sức mua, nhưng chưa thu hút và chưa là đầu mối trong các giao dịch thị trường, hỗ trợ tốt cho các lĩnh vực kinh doanh khác...

Tồn tại bất cập trên là do thiếu sự đầu tư về hạ tầng và chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Đơn cử, năm 2015 tổng đầu tư của Chính phủ vào ĐBSCL khoảng 3.534 ngàn tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng vốn cả nước. Thêm vào đó, nhiều công trình giao thông quan trọng thực hiện chậm. Cụ thể một số hạng mục như: hạ tầng, đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam, nhằm giúp vận chuyển hàng hóa nhanh hơn giữa vùng ĐBSCL với TP. HCM, nhưng sau đó lại ngưng trệ.

Một yếu kém khác là chất lượng và trình độ nguồn nhân lực. Vùng có lực lượng lao động chiếm gần 20% trong cả nước, với khoảng 10,5 triệu lao động, nhưng tay nghề và trình độ thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Tỷ lệ người lao động tốt nghiệp nghề/tổng số lao động chưa đào tạo còn thấp, bình quân vùng chỉ 2,64%, so với trung bình cả nước là 5,05%.

Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2015 toàn vùng chỉ thu hút 1.155 dự án, với tổng vốn 16,73 tỷ USD, chiếm 6% cả nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của vùng thiếu và yếu về số lượng lẫn chất lượng với hơn 53.160 doanh nghiệp và chỉ chiếm khoảng 12% doanh nghiệp cả nước (trong khi dân số chiếm 21%).

NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Xác định rõ những hạn chế, yếu kém của mình, thời gian qua các tỉnh ĐBSCL đã tích cực mời gọi đầu tư và thay đổi mô hình tăng trưởng. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng trong thu hút các nguồn lực và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Cũng như góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn do yếu và thiếu nguồn lực đầu tư.

Một trong những biểu hiện tích cực nhất là tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), mà việc làm cụ thể là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Điển hình như Bạc Liêu từ vị trí xếp cuối bảng xếp hạng chỉ số PCI trong nhiều năm liền, nhưng từ năm 2013 đến nay đã liên tục tăng hạng và luôn xếp trong tốp nhóm tốt, khá của khu vực và cả nước, đặc biệt năm 2012 chỉ số PCI xếp thứ 7/63 tỉnh, thành.

Có được kết quả trên, do Bạc Liêu tích cực chỉ đạo và lồng ghép việc cải thiện nâng cao chỉ số PCI vào kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đến nay, Bạc Liêu đã thu hút được 98 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, tăng gấp 55 lần so với giai đoạn 2006 - 2010 (trong đó có hơn 50 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động).

Cùng với nâng cao chỉ số PCI, tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vốn là thế mạnh hàng đầu của vùng cũng được các địa phương tích cực triển khai. Song, giải pháp này chỉ mang lại hiệu quả khi có sự liên kết vùng và tạo nên sự kết nối bền chặt với các vùng và trung tâm kinh tế đầu tàu khác.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL lần thứ X sẽ được tổ chức tại Bạc Liêu. Hy vọng với sự nỗ lực và chung sức của toàn vùng, MDEC Bạc Liêu - 2018 sẽ có thêm những sức bật mới và đưa vùng đất Chín Rồng hội nhập sâu, phát triển nhanh và bền vững.

KIM TRUNG

TS. Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ:

Cần đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường liên kết vùng

Hội nhập quốc tế sâu rộng đang đặt ra yêu cầu bức thiết tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết vùng ĐBSCL, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Nông nghiệp. Liên kết vùng thời gian tới phải vượt qua các thách thức và các điểm nghẽn tăng trưởng. Theo đó, cần điều chỉnh lại quy hoạch vùng, cần có những nghiên cứu cơ bản về vùng và xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học vùng (tài nguyên đất, nước, rừng, biển…) để làm nền tảng phân tiểu vùng và liên kết vùng, kết nối không gian phát triển và sản xuất, từ kết nối sản xuất đến tiêu thụ; kết nối thị trường, doanh nghiệp.

Sự kết nối thể chế và phối hợp chính sách mang tính “pháp định hóa”, tạo ra hiệu lực chỉ huy thống nhất cấp vùng, mang ý nghĩa quyết định. Các địa phương trong vùng phải có sự đồng thuận về tư duy, tầm nhìn và quy hoạch phát triển vùng và xác định rõ lợi ích của vùng là tiền đề, điều kiện thực hiện các lợi ích của địa phương mình.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.