Chuyện ông chủ trang trại nho mê đờn ca tài tử

Thứ Sáu, 22/07/2016 | 15:56

Trong chuyến hành trình xuyên miền Trung và Tây nguyên, mỗi vùng đất, con người đều để lại trong tôi những cảm xúc riêng thật khó tả. Và tôi đặc biệt ấn tượng với trang trại nho Ba Mọi (thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) không chỉ bởi phong cảnh hữu tình, ý tưởng làm du lịch độc đáo, mà còn quý nơi đây bởi cái tình của một lão nông tri điền dành cho đờn ca tài tử (ĐCTT)…

Đoàn cán bộ Báo Bạc Liêu chụp hình lưu niệm tại trang trại nho Ba Mọi. Ảnh: M.Đ

Hướng rẽ làm nên thương hiệu
Đoàn chúng tôi được anh em Báo Ninh Thuận đưa đến tham quan trang trại nho Ba Mọi - một trang trại có tiếng trong việc góp phần làm nên thương hiệu “nho Ninh Thuận”. Từ cầu Móng trên sông Dinh nhìn xuống, trang trại nho Ba Mọi xanh mướt, trải dài tít tắp với điệp trùng nho. Khác những gì tôi mường tượng trong đầu qua lời giới thiệu của đồng nghiệp Báo Ninh Thuận, trước mắt tôi là một ông chủ trang trại đầu trần, dáng cao to, nước da đen sạm vì nắng gió… Dù trong bộ áo sơ mi, quần âu “đóng thùng” nhưng ông không thể nào giấu được cái chất nông dân “rặt” của mình! Cái cách ông giới thiệu tỉ mỉ từ khâu chọn giống, điều kiện chăm sóc, bảo quản nho thành phẩm, chế biến một số sản phẩm đặc trưng… cứ như một kỹ sư nông nghiệp lành nghề. Nhưng với tôi, lối dẫn chuyện dí dỏm của ông cứ như một hướng dẫn viên du lịch dạn dày kinh nghiệm.
Chúng tôi đến trang trại ngay lúc đã thu hoạch nho xong nên không được tận mắt chứng kiến những chùm nho chín mọng lúc lỉu trên giàn, nhưng sự bạt ngàn, xanh mướt mắt và những chùm nho non đang vươn mình chờ nắng cũng khiến chúng tôi được mãn nhãn phần nào.
Trở lại khoảnh sân rộng phía trước vườn nho, gia đình ông đã chuẩn bị sẵn một bàn tiệc nhỏ để thết đãi những vị khách quý đường xa. Trên bàn la liệt nào rượu vang nho, mật nho, nho tươi… đậm chất cây nhà lá vườn, ông hướng dẫn chúng tôi cách pha chế cock-tail từ rượu vang và mật nho phù hợp với khẩu vị và ông bắt đầu sẻ chia câu chuyện về cuộc đời mình.
Khoảng 100 năm về trước, nho được người Pháp đem trồng thử nghiệm trên đất Ninh Thuận. Khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất quanh năm đầy nắng và gió lại thích hợp với loại cây “đỏng đảnh” này. Bắt đầu từ cuối những năm 1980 được xem là thời hoàng kim của nho Ninh Thuận, khi đó sản lượng nho gần như đủ cung ứng cho thị trường trong nước. Đến năm 2000, cây nho Ninh Thuận bắt đầu tuột dốc không phanh bởi không đủ sức cạnh tranh với các loại nho nhập khẩu. Nhiều hộ dân đã ngậm ngùi chặt bỏ vườn nho và thay vào các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế khác. Ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi) không cam tâm và quyết lòng mở một hướng đi mới cho cây nho Ninh Thuận.
Thế là, ông được Trung tâm nghiên cứu cây bông Nha Hố giúp đỡ về giống, phương pháp trồng mới theo mô hình khảo nghiệm “dùng phân hữu cơ sinh học trên cây nho”. Mục đích của mô hình này là tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng để cung ứng cho thị trường. Giã biệt thuốc trừ sâu, các loại phân bón hóa học từ bao đời, mùa nho đầu tiên đã đơm quả ngọt. Ông kể tiếp: “Tôi làm miết cho đến năm 2007 thì có chương trình canh tác VietGAP, tôi quyết tâm theo luôn và đến năm 2010 được cấp chứng nhận. Đó là thành quả của việc làm không giống ai!”.
Đâu chỉ có vậy, để người tiêu dùng biết đến thương hiệu nho sạch, an toàn, thân thiện với môi trường của mình, ông còn mạnh dạn làm chuyện không giống ai khi đăng ký độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ thương hiệu “Nho Ba Mọi”. Giờ đây, ông còn kết hợp làm du lịch sinh thái nhà vườn để quảng bá thương hiệu và tìm kiếm những người bạn đồng hành…

Và cái tình với đờn ca tài tử
Câu chuyện của chúng tôi càng rôm rả hơn khi ông biết những vị khách mới đều đến từ quê hương bản Dạ cổ hoài lang. Ông khiến chúng tôi ngưỡng mộ không chỉ bởi sự uyên bác trong nghệ thuật trồng nho, chế biến rượu vang… mà còn bởi những hiểu biết khá am tường về ĐCTT, các bài bản Tổ và lịch sử, văn hóa của vùng đất được mệnh danh là một trong những “cái nôi” của ĐCTT - Bạc Liêu. Đâu chỉ vậy, ông gần như nhớ hết tên những ca khúc về Bạc Liêu của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Ông cười bảo: “Ninh Thuận cũng là vùng đất của tài tử, cải lương đó nghe! Nông dân thứ thiệt như chúng tôi nhờ có ĐCTT mà thêm lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào cuộc sống. Và ngay cả chính bản thân tôi, mỗi lúc trồng cây, chăm vườn, thu hoạch nho… lời ca tiếng hát từ những điệu thức Nam ai, Nam xuân đã giúp tôi xua tan mệt nhọc. Đám trẻ nhà tôi và ngay cả nhân công trong trang trại đứa nào cũng mê ĐCTT!”. Nghe anh em phóng viên Báo Ninh Thuận nói, ông Ba Mọi cũng được xem là một nghệ nhân ca tài tử của xã Phước Thuận.
Ông bảo với chúng tôi, dưới Bạc Liêu có tổ chức ĐCTT dưới tán xoài cổ, trong vườn nhãn, thì tôi đây dự định sẽ tổ chức một đêm hội đờn ca vào đêm rằm trăng sáng dưới vườn nho trĩu quả, thơ mộng của chính mình. Nếu thử nghiệm thành công, đây sẽ là một điểm nhấn đầy thú vị trong tua du lịch sinh thái nhà vườn tại trang trại của chúng tôi.
Tâm sự của người mê ĐCTT như ông đã khiến tôi có thêm niềm tin về việc giữ gìn và phát huy một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trên đất nước mình.
Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.