Phóng sự - Ký sự

Có một gia đình âm thầm giữ nghề làm nón lá

Thứ Sáu, 22/07/2016 | 15:23

Nằm ẩn mình giữa khu dân cư Tràng An (phường 7, TP. Bạc Liêu) hiện đại, ít ai ngờ rằng nơi đây lại tồn tại một “làng” nghề truyền thống trứ danh của đất võ Bình Định. Vào Bạc Liêu lập nghiệp hơn 18 năm là ngần ấy thời gian gia đình anh Lê Chí Trung (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) âm thầm gìn giữ nghề làm nón lá.

“Ầu ơ… Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền… Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình, mình ơi!”. Trong lúc buông câu hát ru con ngọt ngào, đôi tay chị Phan Thị Mỹ Dung khéo léo, tỉ mẩn như làm “ảo thuật” trên chiếc nón lá viền sò. Nhìn kỹ thuật may vành điêu luyện của chị, từng đường kim, mũi chỉ khít và đều tăm tắp làm chúng tôi mở mang tầm mắt. Sau khi làm vành, nón được các nghệ nhân phếch dầu bóng và ủi để chống thấm nước, tạo độ thẳng và mượt mà cho lá. Công đoạn sau cùng là phơi nón sao cho đủ gió rồi phân loại và chất thành những tháp cao. Anh Trung (chồng chị Dung) cười bảo: “Trông những cái tháp nón này cứ như biểu tượng Nhà hát ba nón lá của Bạc Liêu”.
Nghề làm nón của gia đình anh Trung xuất phát từ làng nón lá Thuận Hạnh (xã Bình Thuận). Mỗi khi mùa màng kết thúc, nhà nhà, người người lại cùng nhau làm nón rộn ràng khắp xóm. Khi còn bé, anh Trung đã được mẹ truyền dạy cách chuốt vành, đan lá, chằm nón, làm mô. Mỗi hôm đi chăn bò, cậu bé Trung lại mang theo vài chiếc nón để tập tành cái nghề tưởng chừng chỉ dành cho phụ nữ. Và cũng vì vậy mà chiếc nón lá trở thành hình ảnh thân thương, nuôi dưỡng tuổi thơ trong anh với nhiều kỷ niệm đẹp. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện đại, nón lá không còn được ưa chuộng nhiều như trước nữa. Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều gia đình ở làng nón không còn mặn mà với nghề truyền thống mà chấp nhận cảnh tha phương cầu thực. 
Trên bước đường lập nghiệp, gia đình anh Trung đã chọn Bạc Liêu làm nơi dừng chân và xem miền đất này như quê hương thứ hai. Giữa lúc cuộc sống còn lắm vất vả, anh Trung lại chọn nghề truyền thống của Bình Định để làm kế sinh nhai. Bởi anh nghĩ rằng, không có nghề nào bằng nghề gia truyền và dù ở nơi nào trên dải đất hình chữ S này thì nón lá vẫn là vật dụng không thể thiếu trong nhiều gia đình, nhất là gia đình ở nông thôn. Vậy là anh tìm nhập nguồn hàng thô từ các tỉnh nổi tiếng về nghề nón lá như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Bình Thuận. Sau đó, gia đình anh tiến hành gia công các công đoạn như: may viền, làm quai, ủi nón, phết dầu bóng, phơi gió…

Cơ sở làm nón lá của gia đình anh Lê Chí Trung. Ảnh: H.T

“Vạn sự khởi đầu nan”, việc tìm đầu ra cho sản phẩm của anh gặp nhiều khó khăn. Trăn trở mãi, anh Trung đã mạnh dạn sáng tạo kỹ thuật may nón lá mới. Ngoài việc gia công những chiếc nón truyền thống làng Thuận Hạnh với kỹ thuật may viền thường, gia đình anh còn cho “ra lò” những chiếc nón lá viền sò tinh tế, độ bền cao, vừa túi tiền người mua nên rất được ưa chuộng. Giờ đây, nón lá của anh đã có mặt ở hơn 30 điểm chợ huyện, xã trong tỉnh, theo ghe hàng đi đến các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang… Mỗi ngày, cơ sở của anh xuất ra thị trường từ 300 - 500 chiếc nón lá. Hiện, một chiếc nón viền sò có giá 20.000 đồng, còn nón lá viền thường được bán từ 30.000 - 60.000 đồng. Đặc biệt, cơ sở gia công nón lá của anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ. Anh Trung tâm sự: “Làm nón lá tuy thu nhập không cao nhưng đã là nghề truyền thống của quê hương thì làm sao có thể để thất truyền được. Gìn giữ nghề được đến ngày nay, gia đình tôi cảm thấy vô cùng tự hào”. 
Để hoàn thiện một chiếc nón lá, các nghệ nhân phải thực hiện nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay, trau chuốt. Vất vả là thế nhưng mỗi chiếc nón được tiêu thụ cũng chỉ lãi từ 800 - 1.000 đồng. Thế nhưng chưa bao giờ gia đình anh Trung lại có suy nghĩ đổi nghề. Bởi với họ, làm nón lá không chỉ vì cuộc sống mà còn là trách nhiệm bảo tồn nghề truyền thống của ông cha. Điều bất ngờ là hiện ở Bạc Liêu và một vài tỉnh lân cận chỉ có duy nhất gia đình anh Trung làm nón lá.
Bà Hồ Thị Hường (mẹ anh Trung), bộc bạch: “Không biết từ bao giờ, chiếc nón lá đã gắn bó mật thiết với đời sống người dân Việt. Đâu chỉ là vật dụng che nắng mưa mỗi khi các bà, các mẹ ra đồng, đi chợ, lên xóm, ăn giỗ… nón lá còn góp phần tôn vinh vẻ đẹp, nét duyên dáng, sự bình dị của người phụ nữ Việt Nam. Dù ở nơi đâu, tôi vẫn luôn nhắc nhở con cháu đừng bao giờ bỏ nghề làm nón lá”.
Chào tạm biệt “làng” nón lá của gia đình anh Trung, chúng tôi ra về qua con đường Quốc lộ 1A (phường 8, TP. Bạc Liêu). Hai bên đường là những đồng ruộng xanh um thơm mùi mạ mới. Ở nơi đây, người nông dân vẫn không quên đội nón lá mỗi khi ra đồng chăm sóc lúa. Vào nội ô thành phố, chúng tôi bắt gặp bác bán hàng rong ngồi nghỉ trưa dưới gốc cây tay cầm nón lá quạt xua đi cái nóng. Ngang qua Quảng trường Hùng Vương, chúng tôi bắt gặp 2 du khách nước ngoài đội nón lá tham quan cảnh đẹp Bạc Liêu. Hay ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, những nữ sinh vẫn ngày ngày đến trường với chiếc nón lá thân quen… Với chiếc nón lá, mọi hình ảnh, con người đều trở nên duyên dáng, đẹp lạ thường làm sao! Chợt cảm thấy xao xuyến, trân trọng những tình cảm của gia đình anh Trung với chiếc nón lá và câu chuyện gìn giữ nghề truyền thống của họ.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.