Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ: Rừng ngập mặn đang “kêu cứu”!

Thứ Hai, 25/07/2016 | 16:20

Trước sự tàn phá ngày càng dữ dội của sóng biển và con người, rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu dần “kiệt sức”. Ngoài việc oằn mình chống chọi với biến đổi khí hậu, rừng còn bị khai thác bừa bãi bởi chén cơm, manh áo của hàng trăm hộ dân.

Rừng thay nhau chết

Chưa bao giờ rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu lại bị xâm thực mạnh như hiện nay. Sóng biển và triều cường dâng trong thời gian qua đã làm cho rừng phòng hộ giảm dần diện tích. Đất rừng ven biển bị xói mòn, cây rừng bị đánh bật gốc, chết khô và dường như vẫn chưa dừng lại.

* Người dân xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) phá rừng để lấy đất nuôi tôm.

* Đào bắt sâm đất, ba khía trong rừng phòng hộ (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình). Ảnh: P.Đ

Ông Nguyễn Văn Chiến (ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình), người có nhiều năm nuôi tôm trên đất rừng, cho biết: “Trước đây, khi chúng tôi về nhận rừng thì khí hậu chưa biến đổi. Hằng năm, rừng mọc nhanh và thay nhau lấn ra khu bãi bồi. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, sóng biển ngày càng dữ dội và những đợt triều cường cũng cao hơn. Nhìn những hàng cây bị sóng đánh bật gốc, chúng tôi rất đau xót”.

Theo ngành NN&PTNT, hằng năm, nhiều nơi ở bãi bồi rừng chết từ 10 - 30m, nguyên nhân chính là do dòng chảy của biển đã có sự thay đổi. Đồng thời, lượng phù sa ở bãi bồi giảm nên rễ cây không đủ sức bám trụ và chống chịu với sóng biển.

Bên cạnh đó, nạn đào trộm sâm đất cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm diện tích rừng. Hiện nay, Bạc Liêu còn hơn 900 hộ (gồm 3.800 người) sống bám trên đất lâm phần. Bà con dựng nhà trong rừng và hằng ngày mưu sinh bằng việc đào xới, đánh bắt thủy sản, chặt cây rừng làm củi... Việc rễ cây bị đào xới sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và khả năng chống chọi sóng biển của cây rừng. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: “Lúc tái lập tỉnh (1997), Bạc Liêu có hơn 5.000ha rừng, nhưng đến năm 2012 giảm còn 4.400ha. Hiện nay, diện tích rừng giảm còn 3.897ha. Như vậy, chỉ qua 20 năm, chúng ta đã mất hơn 1.100ha rừng. Từ đó cho thấy mức độ xâm thực rừng diễn ra rất nhanh. Rừng không chỉ giảm về diện tích mà đang giảm dần khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu”.

Tôm - rừng cũng gặp khó

Khi rừng không phát triển tốt thì những mô hình sản xuất dưới tán rừng cũng gặp khó khăn. Qua hơn 20 năm nhận khoán rừng và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, chưa bao giờ ông Hàn Lê (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) lại gặp khó khăn trong nuôi tôm như lúc này.

Ông Hàn Lê than thở: “Tôi nhận khoán 4ha rừng và nuôi tôm, cua, cá. Đây là mô hình sản xuất bền vững. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nguồn nước dưới tán cây có lúc chuyển thành màu nâu đen và đôi lúc tôi chẳng thu hoạch được tôm, cá. Nhiều hộ nuôi thủy sản ở khu vực này trúng thì ít mà thất thì nhiều”.

Từ lâu, mô hình nuôi trồng thủy sản của người dân nhận khoán rừng vốn được xem là bền vững, ít chi phí và hiệu quả kinh tế cao vì nó tận dụng các yếu tố sẵn có. Đó là con giống thiên nhiên, nguồn nước sạch từ biển, có cây rừng che chắn, ít rủi ro… Song, những ưu thế ấy đang mất dần và chuyển sang bất lợi vì nguồn con giống thiên nhiên không còn, môi trường nước bị ô nhiễm.

Theo thống kê của ngành chức năng, trong 397 hộ nhận khoán đất rừng (với diện tích 3.089ha) chỉ có 30% hộ sản xuất đạt mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm. Như vậy, vấn đề đặt ra là mô hình tôm - rừng hiện nay có thật sự hiệu quả?

Theo phản ánh của người dân, một trong những nguyên nhân làm cho mô hình tôm - rừng gặp khó là vấn đề lấy nước. Do đặc thù là biển bãi bồi nên hệ thống kênh, mương dẫn nước bị bồi lắng nhanh. Từ đó nguồn nước cung cấp cho cây rừng và nuôi trồng thủy sản bị hạn chế. Theo đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh sẽ đạt hơn 8.300ha. Tuy nhiên, với sự đầu tư cơ sở hạ tầng cho rừng còn hạn chế thì mục tiêu phát triển thêm rừng là chuyện xa vời. Đó là chưa nói đến chuyện rừng bị ứ nước làm cây chết hàng loạt. Vấn nạn này đã xảy ra làm nhiều diện tích rừng đến nay chưa phục hồi được.

Trong giai đoạn biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay, bảo vệ và phát triển rừng là yếu tố sống còn. Điều đó càng cần thiết và cấp bách hơn khi khu vực ĐBSCL được các nhà khoa học cảnh báo đang bị lún và chìm dần. Phát biểu tại hội thảo các giải pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL (MDEC - Hậu Giang 2016), GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân cảnh báo: “Việc chúng ta khai thác và lãng phí nguồn nước ngầm quá mức làm tăng nhanh độ sụt lún của dải đất đồng bằng. Đồng thời, từ phía thượng nguồn, Trung Quốc chặn dòng chảy sông Mê Kông không chỉ lấy đi một lượng nước lớn ở hạ nguồn ĐBSCL, mà còn làm giảm lượng phù sa bồi đắp. Vùng ĐBSCL đang bị chìm xuống”.

Với một tỉnh nằm sát biển, nếu đúng như cảnh báo của các nhà khoa học thì Bạc Liêu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ xâm nhập mặn và nước biển dâng. Và trong nhiều giải pháp được đưa ra, bảo vệ và phát triển rừng vẫn là giải pháp mang tính quyết định và cần thiết.

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.