Tiêu điểm

Công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa: Thực trạng và giải pháp

Thứ Hai, 15/08/2016 | 16:51

Bạc Liêu có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và hệ thống giao thông đường thủy khá phức tạp. Tỉnh có 4 tuyến sông do Trung ương quản lý với tổng chiều dài 113km và 23 tuyến sông do tỉnh quản lý với tổng chiều dài 356,8km. Ngoài ra, còn có rất nhiều tuyến sông cấp huyện chưa được quản lý.

Các tuyến sông lưu thông giáp 4 tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, đây là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, trao đổi, lưu thông các loại hàng hóa. Vận tải đường thủy có tính ưu việt, đỡ chi phí, đặc biệt là chuyên chở hàng hóa nặng, cồng kềnh, có khối lượng lớn như vật liệu xây dựng, xăng dầu… Cùng với việc người dân các vùng nông thôn chủ yếu đi lại bằng đường thủy nên tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn diễn biến phức tạp, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

1- Cảnh sát đường thủy tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông.

2- Kiểm tra hàng hóa vận chuyển trên sông.

3- Kiểm tra phương tiện vi phạm.

Ảnh: K.K

NGUYÊN NHÂN GÂY TAI NẠN

Ý thức tự giác của người tham gia giao thông, chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa chưa nghiêm, đưa phương tiện vào hoạt động không đăng ký, đăng kiểm (khoảng 8.000/10.168 phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm). Trong khi đó, người lái không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; bến thủy nội địa, bến đò ngang hoạt động không phép, không đủ điều kiện an toàn, không trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông và hành nghề đánh bắt thủy sản, đặt đáy, nò, lú, chất chà (đặc biệt là đăng đáy cá trên địa bàn huyện Đông Hải) vi phạm lấn chiếm luồng chạy tàu; uống rượu bia điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông… vẫn còn diễn ra khá phổ biến trên khắp các tuyến sông chính trong tỉnh.

Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện không có bằng cấp theo đúng quy định, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, tránh vượt sai quy định. Do phong tục, tập quán của người dân sống vùng sông nước từ nhiều đời nay, trẻ em mới lớn lên chưa đủ tuổi, không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông một cách tùy tiện. Các ngành, các cấp và chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm công tác tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

TUYÊN TRUYỀN KIỂU “MƯA DẦM THẤM LÂU”

Để góp phần bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, từ thực tế của ngành, Cảnh sát giao thông đường thủy đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT trên đường thủy nội địa, gắn với cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.

Đây là một biện pháp cơ bản, chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong công tác đảm bảo TTATGT đường thủy giai đoạn hiện nay. Việc tuyên truyền cần hướng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân sống ven hai bên sông. Đặc biệt, tuyên truyền sâu sát đến những người trực tiếp tham gia giao thông đường thủy, phối kết hợp với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên đường thủy nội địa. Thường xuyên mở các đợt vận động, tuyên truyền quần chúng tham gia giữ gìn TTATGT đường thủy như ký giao ước thi đua, coi việc chấp hành Luật Giao thông là một tiêu chuẩn của phong trào thi đua ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, khóm - ấp văn hóa, khu phố văn hóa. Chú trọng hoạt động tổng kết các phong trào, nhân rộng kinh nghiệm tốt, phương pháp hay, biểu dương những điển hình và có các hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, thỏa đáng.

KIÊN QUYẾT XỬ LÝ VI PHẠM

Song song đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy phải tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, giữ gìn TTATGT, phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy nội địa. Liên tục có mặt trên các tuyến, địa bàn giao thông đường thủy phức tạp, thường xảy ra tai nạn giao thông, các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường thủy. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm Luật Giao thông và các hành vi vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, TTATGT.

Tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân thường xảy ra tai nạn, tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh như tạm giữ phương tiện vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và đình chỉ hoạt động có thời hạn... theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, vận dụng các biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an như công tác khảo sát, điều tra cơ bản, xây dựng các cơ sở bí mật, công tác viên danh dự để chủ động, kết hợp dự báo các tình hình có liên quan để phục vụ tốt cho công tác đảm bảo TTATGT, cũng như phòng chống các loại tội phạm lợi dụng phương tiện giao thông đường thủy để hoạt động.

Cuối cùng, nhanh chóng tiến hành điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, tổng hợp, phân tích làm rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông để tham mưu cho các cơ quan chức năng kịp thời có chủ trương, biện pháp ngăn chặn. Đối với các vụ tai nạn giao thông có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, phải kiên quyết xử lý hình sự, tránh tình trạng xử lý hành chính để nhằm răn đe, giáo dục chung.

BÙI XUÂN KHỞI

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.