"Dư âm" hạn, mặn: Nông dân bỏ ruộng hoang

Thứ Hai, 22/08/2016 | 16:53

Đầu vụ lúa không có nước tưới do hạn hán, mặn xâm nhập, đến khi có điều kiện xuống giống thì trời lại mưa dầm gây ngập úng, làm thiệt hại nhiều diện tích lúa. Bao công sức xem như đổ sông, đổ biển. Điều đau xót hơn cả là vào mùa vụ mà nông dân phải bỏ ruộng hoang.

ĐAU LÒNG KHI BỎ RUỘNG HOANG

Vào thời điểm này, ở các xã Ninh Quới A, Ninh Quới, Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) có hàng trăm héc-ta đất ruộng bị bỏ hoang, mọc đầy cỏ dại. Trên cánh đồng rộng lớn ở ấp Ninh Hòa (xã Ninh Quới A) chỉ lác đác vài nông dân ra thăm đồng, xịt thuốc.

Lão nông Ngọc Thạch (ấp Ninh Hòa) hơn nửa đời người gắn bó với vườn rau, thửa ruộng, nhưng chưa năm nào ông phải đau xót, bất lực đứng nhìn đồng ruộng của mình mọc đầy cỏ dại như năm nay. Gia đình ông Thạch có 3,2ha đất canh tác lúa. Cũng như nhiều nông dân trong ấp, khi trời vừa dứt cơn đại hạn, ông gấp rút cải tạo đất để gieo sạ cho kịp lịch thời vụ. Thế nhưng, sau hai lần gieo sạ thì cũng là hai lần ông ngậm ngùi đứng nhìn ruộng lúa mất trắng, thiệt hại gần 20 triệu đồng. Ông Thạch buồn rầu nói: “Là nông dân mà phải bất lực nhìn cảnh ruộng lúa nhà mình bỏ hoang, tôi buồn quá! Ruộng thì bỏ hoang mà tiền nợ phân, thuốc của đại lý thì phải trả để họ còn đầu tư cho mình vụ sau. Chắc phải đi vay để trả cho đại lý. Bây giờ đành ngồi chờ cho tới vụ lúa sau. Hy vọng đến lúc đó thời tiết sẽ thuận lợi để trồng lúa”.

Lão nông Ngọc Thạch bên thửa ruộng bỏ hoang của gia đình.

Không canh tác được lúa, nhiều nông dân chuyển sang trồng năn để có thu nhập hàng ngày. Ảnh: C.L

Lúa chết, vì sinh kế nên nhiều hộ dân ở xã Ninh Quới A đã tính chuyển đổi một phần diện tích canh tác lúa sang trồng năn, nuôi cá với hy vọng cải thiện kinh tế gia đình. Ông Lê Văn Bé (ấp Ninh Hòa) bày tỏ: “Vụ lúa rồi tôi sạ hai lần nhưng đều mất trắng. Tôi định sạ thêm lần nữa nhưng mấy con tôi không đồng ý vì đã trễ thời vụ. Gia đình tôi đang kêu máy cuốc vào đào một cái ao khoảng 1.000m2 trên đất trồng lúa gần sau nhà để trồng năn nhằm có đồng ra đồng vô trang trải chi phí hàng ngày”.

CẦN HỖ TRỢ NÔNG DÂN

Theo Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, vụ lúa hè thu này, trên địa bàn huyện có hơn 300ha đất (trồng lúa) bị bỏ hoang. Nguyên nhân là do hậu quả của đợt hạn hán, mặn xâm nhập làm cho đất canh tác của bà con bị nhiễm mặn. Tiếp đó, khi cải tạo đất, phần lớn bà con không tính đến chuyện rửa mặn, tháo phèn nên khi xuống giống một thời gian ngắn (từ 7 - 20 ngày) thì lúa bắt đầu có dấu hiệu vàng lá và chết dần. Mặt khác, do hệ thống kênh mương thủy lợi tại một số địa phương không đảm bảo việc cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời nên cả trăm héc-ta lúa khi gieo sạ bị ngập úng, mất trắng. Tình trạng này kéo dài năm này qua năm khác, thế nhưng, công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước ở những vùng ngọt ổn định ở huyện Hồng Dân gần như không cải thiện do không có vốn. Ông Nguyễn Văn Liệt (ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Lộc), kiến nghị: “Nhà nước cần đầu tư hệ thống kênh mương, thủy nông nội đồng để nông dân chủ động sản xuất, nhất là ở những cống phân ranh mặn - ngọt để hạn chế xâm nhập mặn”.

Với người nông dân, tấc đất là tấc vàng, bỏ hoang ruộng cũng đồng nghĩa với việc đời sống của bà con đang đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ông Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho rằng: “Nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất đã xuống cấp, làm ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Tuy nhiên, việc sửa chữa, nâng cấp các công trình này chưa kịp thời do thiếu vốn. Mặt khác, một số hộ nông dân không sản xuất theo lịch thời vụ nên khi xảy ra thiên tai, dịch hại, bà con hoàn toàn bị động, chịu thiệt hại. Sắp tới, huyện sẽ mở các lớp tập huấn để hướng dẫn bà con cải tạo đất bị nhiễm mặn cũng như việc chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, để giúp bà con sản xuất đạt hiệu quả”…

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.