Tái cơ cấu ngành Thủy lợi giai đoạn 2016 - 2020: Từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi

Thứ Hai, 12/09/2016 | 09:09

Mới đây, UBND tỉnh ký ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ phân kỳ đầu tư thi công các công trình để từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất.

Trạm bơm nước phục vụ sản xuất xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: M.Đ

Bạc Liêu hiện có tuyến đê biển dài 52,4km, đê sông và bờ bao dài 379km, cống đầu mối gồm 21 cống. Hệ thống kênh rạch Bạc Liêu khá chằng chịt, gồm 33 kênh trục và cấp 1 dài 720km, 277 kênh cấp 2 dài 1.800km, 649 kênh cấp 3 vượt cấp dài 2.413km, và hàng ngàn kênh cấp 3, kênh nội đồng. Hệ thống công trình thủy lợi trên cơ bản đáp ứng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp. Ngoài ra, toàn tỉnh có 172 ô thủy lợi khép kín, diện tích mỗi ô từ 30 - 70ha.

Nhìn chung, các công trình thủy lợi đáp ứng được yêu cầu nước tưới bổ sung, tiêu úng xổ phèn, ngăn mặn phục vụ sản xuất. Song, việc điều tiết nước mặn vào vùng chuyển đổi sản xuất (tiểu vùng sinh thái ngọt - lợ) trong mùa khô để phục vụ nuôi trồng thủy sản đã làm ảnh hưởng đến tiểu vùng giữ ngọt ổn định.

Đối với khu vực chuyển đổi sản xuất thuộc vùng Bắc Quốc lộ (QL) 1A, hệ thống thủy lợi hiện có chủ yếu là công trình kênh, cống cấp thoát nước. Hệ thống này cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp thoát nước phục vụ chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuyên tôm và tôm - lúa. Tuy nhiên, việc điều tiết nước mặn vào vùng ngọt hóa trong mùa khô phục vụ nuôi trồng thủy sản vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là do nhiều con kênh bị bồi lắng; việc điều tiết nước còn phụ thuộc vào thời tiết từng năm; các tỉnh liên quan chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc đóng - mở cống phục vụ sản xuất… Từ đó, có lúc nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến vùng ngọt ổn định, nhất là  ở vụ lúa đông xuân hàng năm.

Vùng Nam QL 1A được chia thành 7 tiểu vùng. Nhìn chung, hệ thống thủy lợi ở vùng này đảm bảo được nguồn cấp thoát nước cho nuôi trồng thủy sản, làm muối và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông. Song, hầu hết kênh cấp 3 và nội đồng chưa đồng bộ với hệ thống kênh cấp 1, cấp 2 và do gần biển nên tốc độ bồi lắng nhanh…

Để đảm bảo yêu cầu sản xuất, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên xây dựng các công trình cấp bách phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Kinh phí thực hiện đề án hơn 6.100 tỷ đồng, trong đó, năm 2016 hơn 65,4 tỷ đồng, giai đoạn 2017 - 2020 hơn 6.049 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh sẽ xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, các cống trên đê biển. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vùng Bắc và vùng Nam QL 1A. Duy tu, sửa chữa 16 công trình ngăn mặn và xây dựng 30 trạm bơm nước (do Bỉ đầu tư từ nguồn vốn ODA). Nạo vét các con kênh thủy lợi ở một số tiểu vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa - tôm ở TX. Giá Rai và huyện Hồng Dân… Việc tái cơ cấu ngành Thủy lợi nhằm đảm bảo cấp thoát nước phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp. Cùng với đó là phát triển hệ thống giao thông đường thủy, phát triển giao thông nông thôn, chống triều cường và mặn xâm nhập để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản…

Ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: “Từ năm 2016 đến năm 2017, tỉnh sẽ tập trung thi công các công trình thủy lợi cấp bách. Năm 2017, nguồn vốn chủ yếu là vốn thủy lợi phí để nạo vét kênh mương. Ngoài ra, tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT đầu tư các dự án xây dựng đê biển; 3 dự án gây bồi tạo bãi để phát triển rừng phòng hộ và âu thuyền Ninh Quới nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất…”.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.