Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn: Người dân mỏi mòn chờ lộ!

Thứ Hai, 12/09/2016 | 16:33

Hiện nay, vẫn còn không ít những vùng quê bị chia cắt gần như hoàn toàn với bên ngoài vì không có đường giao thông nông thôn (GTNT). Người dân nơi đây đều có chung nỗi khao khát cháy bỏng, đó là có một con đường - dù chỉ là đường xi-măng nhỏ hẹp.

THƯƠNG LẮM XÓM “MỒ CÔI”

Có những xóm ấp từ nhiều năm qua gần như bị biệt lập, người dân vẫn phải chịu cảnh đi đường đất sình lầy. Xóm Công Điền (ấp Lập Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) là một trong những nơi như thế.

Ông Nguyễn Văn Sum (xóm Công Điền, ấp Lập Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) và con đường đất không thể đi lại vào mùa mưa. Ảnh: P.Đ

Đi theo người dẫn đường, chúng tôi vượt qua con đường đất ngoằn ngoèo gần 2km nằm cạnh các vuông tôm. Có đoạn phải xuống xe dẫn bộ, và chỉ cần sơ suất nhỏ là người và xe có thể rơi xuống ao tôm. Vừa đi, người dẫn đường vừa cảnh báo là vào xóm này, nếu thấy trời chuyển mưa thì phải chạy ra thật nhanh, nếu không thì phải chờ cho đến khi khô đường mới ra được. Tôi chợt nghĩ, nếu ban đêm, có người mắc bệnh nguy kịch thì chuyển đến bệnh viện bằng cách nào?...

Đến đầu xóm, hình ảnh chúng tôi nhận thấy đầu tiên là một xóm với gần 50 hộ dân nằm ven sông. Dẫn chúng tôi đi trên con đường đất gồ ghề để vào trong xóm, ông Nguyễn Văn Sum (xóm Công Điền) nói: “Mấy chục năm rồi, người dân ở đây chờ lộ đến mỏi mòn. Không có đường đi nên người dân khổ lắm! Học sinh cấp 1 muốn đến trường phải lội hơn 6km đường đất, còn học sinh cấp 2 thì hơn 4km, mất hơn tiếng đồng hồ mới đến được trường. Không hiểu vì sao chỉ cách trung tâm xã hơn 4km mà đến giờ không có lộ?!”.

Bên cạnh khó khăn về đi lại, người dân ở đây cũng không có điện sinh hoạt, sản xuất. Nhiều người phải sử dụng điện chia hơi với đường dây dài hơn 1km. Ở huyện Đông Hải hiện vẫn còn nhiều khu vực chưa có lộ giao thông nông thôn như: tuyến Kênh Chùa, tuyến Vườn Chim - Kênh Xáng…

Rời huyện Đông Hải, chúng tôi đến ấp Mỹ Phú Nam (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình). Ở đây vẫn còn một xóm “mồ côi”. Khu vực này cũng không có lộ và chẳng ai dám đi lại vào mùa mưa vì đường đất có đoạn như leo đèo, lại hẹp và nằm cạnh kênh thủy lợi. Nhiều người bị té ngã trên con đường này. Ông Nguyễn Văn Phong (ấp Mỹ Phú Nam) cho biết: “Xóm này có hơn 50 hộ dân nhưng hai bên bờ sông đều không có lộ. Vĩnh Bình là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện, vậy mà vẫn còn nhiều đường đất!”.

VÌ SAO GẶP KHÓ!

Việc làm lộ GTNT ở những xóm “mồ côi” gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân. Đó là do khu vực dân cư nằm xa các đoạn trục đường chính, dân cư phân bố không đều; việc đầu tư xây dựng lộ đòi hỏi phải tốn nhiều chi phí; nhiều hộ dân do khó khăn nên không có khả năng đối ứng… Từ đó nhiều tuyến lộ thi công bị đứt quãng và lộ GTNT thường chỉ làm được từ đầu xóm đến giữa xóm, sau đó thì để dở dang.

Chuyện làm GTNT ở những tuyến đường xóm liền xóm và liên ấp từ trước đến nay vẫn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bằng hình thức đối ứng (Nhà nước 50%, người dân 50%), trong đó người dân hiến đất làm lộ. Tuy nhiên, ở nhiều nơi địa phương không đủ vốn đối ứng. Kết quả là người dân hiến đất, đóng góp vốn nhưng vẫn không có đường để đi. Ông Thái Văn Xích (ấp Lập Điền) cho rằng: “Đất nhà tôi ở ngay đầu đường vào xóm Công Điền. Tôi thấy bà con đi lại cực khổ nên hiến một phần đất nhà mình (dài hơn 100m) và đóng góp tiền để làm lộ. Song, đất hiến rồi, bà con trong xóm cũng chủ động đối ứng vốn nhưng chờ mãi vẫn không thấy lộ đâu”.

Gia đình ông Xích có chưa tới 1.000m2 đất sản xuất, vậy mà ông vẫn tự nguyện hiến một phần đất để làm đường. Đáng nói hơn, cho dù con đường có làm được thì gia đình ông Xích vẫn phải đi đường đất, vì con lộ nằm ở bờ vuông chứ không nằm trước cửa nhà ông.

Theo ông Phạm Văn Thìn, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đông Hải: “Làm GTNT hiện nay rất khó khăn, nhất là do thiếu vốn. Hằng năm huyện được cấp 2,5 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa đường, nhưng năm nay không có. Huyện còn nhiều nơi phải làm lộ GTNT nhưng không thể làm được. Đặc biệt, làm GTNT càng về sau thì càng gặp khó khăn, vì phải làm những tuyến lộ xa và rất khó đầu tư”.

Thiếu lộ GTNT, nhiều vùng quê không thể vực dậy các thế mạnh về phát triển kinh tế, và việc giao lưu văn hóa, sinh hoạt đời sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn.

P. ĐOÀN - K. TRUNG

Theo Sở Giao thông - Vận tải, những năm qua, mặc dù Bạc Liêu đã tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, song, đến nay, ngoài những tuyến dân cư chưa được đầu tư làm lộ giao thông, toàn tỉnh chỉ có 38/49 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, chiếm 77,55%.

Do vậy, nhu  cầu vốn đầu tư bổ sung để hoàn thành các công trình giao thông đến trung tâm xã từ nay đến năm 2020 hơn 1.398 tỷ đồng. Trong đó, tập trung ở các tuyến giao thông quan trọng như: tuyến Giá Rai - Cạnh Đền, tuyến An Phúc - Gành Hào,  tuyến Ngan Dừa - Ninh Hòa - Ninh Quới, tuyến Lộc Ninh - Ninh Thạnh Lợi, tuyến Vĩnh Lộc - Vĩnh Lộc A, tuyến Phước Long - Phong Thạnh Tây B…

Theo phản ánh của các xã, việc chưa xây dựng các tuyến giao thông đến trung tâm xã đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, khó thu hút doanh nghiệp vào đầu tư và liên kết sản xuất với nông dân; hàng hóa sản xuất chủ yếu vận chuyển bằng đường thủy gây tốn kém, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.